Thủ tướng: Thu hút đầu tư vào các tỉnh miền núi phía Bắc

(PLO)- Để đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư vào vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ nút thắt về cơ chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-8, tại TP Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xúc tiến đầu tư vào vùng với chủ đề "Tiềm năng-Cơ hội-Hợp tác phát triển".

Đây là hội nghị "3 trong 1" nhằm triển lãm, quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người vùng; công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết 11 của Bộ Chính trị; xúc tiến đầu tư cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; trao thỏa thuận hợp tác, các biên bản ghi nhớ với các nhà tài trợ và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp, tập đoàn trong, ngoài nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo một số nội dung chính trong Nghị quyết 11. Ảnh: VGP

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo một số nội dung chính trong Nghị quyết 11. Ảnh: VGP

Củng cố vai trò của phên dậu và lá phổi

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10-2-2022 của Bộ Chính trị đã xác định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có ý nghĩa hết sức to lớn trong phát huy thế mạnh, tiềm năng, tạo đột phá để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố vai trò "phên dậu", "lá phổi" của Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đối với đất nước.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong vùng đang nỗ lực, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để từ một đến hai nhiệm kỳ sẽ tạo bước tiến rõ rệt về xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông trong vùng, từ đó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển đường bộ gặp nhiều khó khăn, việc xây dựng, khai thác các sân bay như Sa Pa (Lào Cai), Điện Biên, Nà Sản (Sơn La) sẽ tạo đột phá rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư, thậm chí kể cả các nhà đầu tư lớn như Samsung, khi phần lớn các sản phẩm của tập đoàn này được vận chuyển đi khắp thế giới bằng đường hàng không.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhắc lại quan điểm trong Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ: "Phát triển nông nghiệp Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ theo hướng hàng hoá, sản xuất an toàn, sạch, hữu cơ, xanh, đặc sản".

Do đó nếu biết cách khai thác, chăm chút giới thiệu nét văn hóa đặc sắc, độc đáo, tinh hoa của đồng bào dân tộc thiểu số, từ tài nguyên bản địa đến cảnh sắc thiên nhiên, biết cách khéo léo kể chuyện, nâng niu, thổi hồn cho từng sản phẩm, hay đơn giản là biết cách in tên khách hàng lên từng hộp trà một cách trân trọng, nhiều giá trị mới, đa tầng, bền vững có thể được khởi tạo, lan toả khắp vùng cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quán triệt, nắm vững và triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết 11. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quán triệt, nắm vững và triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết 11. Ảnh: VGP

Tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN. Trong đó có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển; là vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc. Đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.

Thủ tướng nêu rõ, tiềm năng của vùng rất lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, có nơi, có lúc còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại Trung ương, tính tự lực, tự cường chưa cao; cả vùng và các địa phương trong vùng phải có sự tự tin đi lên, tự lực, tự cường phát triển. Vì vậy cần quán triệt, nắm vững, triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ, giải pháp một cách trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp.

Trước hết, tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch COVID-19, triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 38 của Chính phủ. Các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; quyết liệt triển khai chiến lược tiêm vaccine (nhất là trẻ em từ 5 đến dưới 11 tuổi và tiêm mũi thứ 3, thứ 4 cho người dân).

Tập trung, tích cực triển khai xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của vùng và từng địa phương trong vùng thời gian tới.

Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, gồm vốn đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ba chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng xã hội, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên kết vùng, kết nối cảng biển, sân bay, các cửa khẩu quốc tế chính; hình thành một số cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; trong đó có hình thức đối tác công tư, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tháo gỡ nút thắt về nguồn nhân lực.

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư "đã cam kết thì phải làm bằng được"; "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; "chân thành, trách nhiệm", nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền, nhân dân địa phương; tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương trong phát triển xanh, bền vững và toàn diện.

"Điều quan trọng nhất là giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, qua đó tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư làm ăn, bảo toàn và phát triển vốn, mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh" - Thủ tướng nhấn mạnh.

5 quan điểm quan trọng trong Nghị quyết 11

- Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; chú trọng phát triển vùng nhanh và bền vững.

- Yêu cầu phát triển Vùng phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

- Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện cụ thể; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển mạnh hệ thống kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới.

- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm