Thủ tướng tin tưởng thế hệ trẻ sẽ vượt qua khó khăn, thách thức

(PLO)- Thủ tướng cho rằng cần tạo nhiều phong trào gắn với lợi ích của thanh niên, của quốc gia, các phong trào sẽ “sống” được khi hài hòa được giữa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia.

Ngày 22-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị “Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên năm 2023” với chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại trụ sở Chính phủ kết nối với điểm cầu trụ sở Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND 63 tỉnh, TP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023. Ảnh: VGP

“Không có gì cản trở được sự phát triển của thanh niên”

Phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, rường cột của quốc gia, trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên.

Bà Trà cho biết Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho thanh niên sự quan tâm đặc biệt, mong muốn xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, có bản lĩnh, trí tuệ, hoài bão lớn, nung nấu và nuôi dưỡng chí lớn, trở thành lực lượng hùng hậu, kế tục sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Cần phát huy hơn nữa vai trò của lớp trẻ trong phát triển văn hóa, biến văn hóa thành nguồn lực phát triển, biến di sản thành tài sản.

Trao đổi với thanh niên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc tới những diễn biến mới trên thị trường thế giới, đồng thời nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt là coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển. Không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội.

“Cuộc sống lúc nào cũng có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn và thách thức. Chúng ta phải luôn giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, không quá lạc quan trước cơ hội và thuận lợi, không bi quan trước khó khăn, thách thức; tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức bằng tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên bằng bàn tay, khối óc của mình, không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng với khí thế của tuổi trẻ ngày nay sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức như cha ông đã làm và không có gì cản trở được sự phát triển của thanh niên.

10 gương mặt trẻ Việt Nam
tiêu biểu năm 2022

Dịp này, Thủ tướng đã chúc mừng, tặng quà cho 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 gồm: Ngô Quý Đăng, Võ Hoàng Hải, TS Trương Thanh Tùng, Nguyễn Như Thành, Nguyễn Văn Thiên Vũ, Thượng úy Lê Hảo, Trung úy Thào A Khư, cầu thủ Huỳnh Như, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trung úy Dương Hải Anh.

Đây là những điển hình thanh niên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật, lao động sản xuất, khởi nghiệp sáng tạo, bảo vệ Tổ quốc.

Biến văn hóa thành nguồn lực phát triển

Trước câu hỏi “Để sinh viên Việt Nam sánh ngang tầm về năng lực và trí tuệ với sinh viên trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam sẽ được đổi mới ra sao?”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước xác định giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu và có rất nhiều chính sách ưu tiên.

Theo Thủ tướng, nền giáo dục phải đặt trong hoàn cảnh của đất nước, bám sát tình hình thực tế để thấy trong điều kiện khó khăn vẫn nâng cao tiềm lực, năng lực đào tạo của các cơ sở, nâng cao chất lượng các giáo trình, chương trình đào tạo, vừa đáp ứng yêu cầu mới của thế giới vừa phù hợp hoàn cảnh đất nước. Bên cạnh sự chăm lo của Đảng, Nhà nước về chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực, sự đùm bọc của nhân dân, nỗ lực của mỗi người là điều quan trọng nhất.

“Các cụ nói “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”” - Thủ tướng nói và nhìn nhận điều chúng ta còn thiếu là kỹ năng sống và kỹ năng nghề. Kiến thức có thể được đào tạo, truyền thụ qua nhiều kênh khác nhau nhưng phải làm sao có kỹ năng sống thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh và khi làm việc thì có kỹ năng nghề cao, có khả năng cạnh tranh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho hay ông đã nhiều lần chia sẻ với lãnh đạo Trung ương Đoàn cần tạo nhiều phong trào gắn với lợi ích của thanh niên, của quốc gia, các phong trào sẽ “sống” được khi hài hòa được giữa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia.

Trả lời câu hỏi về những chính sách, chiến lược cụ thể với từng giai đoạn để phát triển những sản phẩm của Việt Nam trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc với chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã có những chuyển động lớn cả về mặt nhận thức và hành động của các cấp, các ngành để phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội.

Trong đó, Thủ tướng đề nghị phát huy hơn nữa vai trò của lớp trẻ để phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, từ đó biến văn hóa thành nguồn lực phát triển, biến di sản thành tài sản…

Kết thúc cuộc đối thoại, Thủ tướng mong muốn thanh niên Việt Nam luôn tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; tiên phong trong học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, ý chí; tiên phong trong hội nhập quốc tế, tiên phong trong phòng, chống tiêu cực, tham nhũng cũng như tiên phong phòng, chống các thế lực thù địch, nhất là trước thông tin xấu độc, xuyên tạc…

“Chúng ta thể hiện niềm tin, khát vọng đối với thanh niên, luôn cổ vũ để thanh niên hoàn thành mục tiêu như các thế hệ đi trước hằng mong muốn” - Thủ tướng đề nghị.•

Sống với khát vọng, tâm sáng, trái tim lửa

“Không gian mạng lành mạnh nếu nó là nơi có tỉ lệ tin xấu độc thấp. Nếu chúng ta đưa được nhiều tin tốt đẹp trong cuộc sống lên không gian mạng thì tỉ lệ xấu này sẽ giảm đi. Đây là việc của tất cả chúng ta, đặc biệt là thanh niên, vốn là công dân số từ khi sinh ra. Làm cho không gian mạng lành mạnh, trong sạch thì não người được “thở” thứ không khí trong lành. Khi chúng ta đọc tin tức giống như là chúng ta thở, não chúng ta thở”.

Bộ trưởng Bộ TT&TT NGUYỄN MẠNH HÙNG

“Tôi cho rằng nếu chúng ta có khát vọng, tâm sáng, trái tim lửa, chắc chắn mỗi ngày mới là một ngày tràn đầy năng lượng với tất cả chúng ta”.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG

“Chúng ta phải nhìn nhận thách thức dài hơn. Bây giờ chúng ta có 20 triệu thanh niên và dân số trẻ nhưng 15 năm nữa thì cứ bốn người có một người già. Đây là vấn đề chúng ta phải bàn, phải quan tâm. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không nắm bắt, chuyển đổi thì chúng ta sẽ tụt hậu”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ĐÀO NGỌC DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới