Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Doanh nghiệp nào vi phạm môi trường phải đóng cửa ngay. Ảnh: TP
"Đặt nhà máy phải có quy hoạch, tránh tình trạng băm nát bãi biển để chia lô bán đất. Các nhà máy sản xuất ven biển cần tập trung bảo vệ môi trường. Nếu vi phạm môi trường phải đóng cửa nhà máy và trả lại toàn bộ tài sản. Đánh giá tác động môi trường nghiêm khắc với quan điểm phát triển bền vững. Tôi nhắc đi nhắc lại chỗ này. Bài học đã có rồi" - Thủ tướng nói.
Doanh nghiệp và người dân là đối tượng phục vụ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Ninh Thuận là địa phương có khí hậu khắc nghiệt nhưng mang vẻ đẹp Tây Á của Việt Nam, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghệ cao, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, du lịch. Tuy có khí hậu nắng nóng nhưng Ninh Thuận phải vượt qua khó khăn, thay đổi mô hình sản xuất, tự lực vươn lên trong phát triển kinh tế, tránh ỷ lại trợ cấp từ Trung ương.
“Ninh Thuận là địa phương sản xuất cây măng tây trên cát lớn nhất Việt Nam, không có nơi nào ở Việt Nam sản xuất nho với quy mô lớn như Ninh Thuận. Đây là lợi thế vô cùng đặc biệt, Ninh Thuận nên tìm cách khai thác điều này” - Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu để thu hút đầu tư, chính quyền địa phương cần có tư duy quản lý mới, xem người dân và doanh nghiệp mới là nhân tố làm kinh tế. Chính quyền phải tạo mọi điều kiện để người dân và doanh nghiệp phát triển trên tinh thần xem họ là đối tượng phục vụ. Tuyệt đối không để tình trạng trì trệ mà phải năng động, đừng ỷ lại cấp trên, tự vươn lên với tốc độ mạnh hơn, quyết liệt hơn.
“Ông bí thư, chủ tịch phải làm thật tốt để tự vươn lên, tôi tin rằng với năng lực cán bộ của tỉnh thì Ninh Thuận hoàn toàn làm được với điều kiện đầu tư hiện nay. Dù tỉnh có khó khăn về hạ tầng, tự nhiên nhưng không thể cứ vin vào lý do đó để trì trệ. Môi trường đầu tư của Ninh Thuận còn nhiều dư địa để phát triển, năng lực cạnh tranh còn nhiều. Cần đặt ra cam kết cụ thể với nhà đầu tư để tạo niềm tin cho nhà đầu tư an tâm” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cán bộ đừng làm theo kiểu nói trước quên sau
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý các địa phương cần có cam kết bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, không hình sự hóa quan hệ kinh doanh, đặt doanh nghiệp vào vị trí được phục vụ. Chính quyền phấn đấu trở thành chính quyền đối thoại, lắng nghe nhà đầu tư để tháo gỡ những khó khăn. Chính quyền mạnh thì sẽ làm được mọi việc.
"Cán bộ cần cầu thị, lắng nghe, đừng làm theo kiểu nói trước quên sau, hành động và lời nói phải đi đôi với nhau. Ở đâu chính quyền tốt, doanh nghiệp sẽ tự kéo đến làm ăn. Tôi yêu cầu các lãnh đạo địa phương cần sâu sát, bám sát doanh nghiệp, đừng để họ bức xúc rồi chạy theo xử lý” - Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh phải thay đổi tư duy theo hướng phục vụ dân thay vì hành dân. Theo đó, chính quyền phải lo được cho dân, chủ động lập quy hoạch tổng thể, phát huy đổi mới trong phát triển theo mô hình kinh tế xanh sạch.
Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh, TP phải lưu ý khâu tuyển chọn cán bộ, cần chọn cán bộ, lãnh đạo dám làm, dám nghĩ, chuyên môn giỏi, nhất quán tìm người tài chứ không phải người nhà.
“Bộ máy chính quyền phải có cán bộ như thế. Đừng để người dân không muốn về thăm quê, làm việc cho quê hương” - Thủ tướng nói.