Formosa làm cá chết: Chưa soi hết trách nhiệm

“Kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển được công bố hôm 22-8 cho thấy mức độ ô nhiễm từ Formosa đã tạm qua nhưng hiện vẫn còn những hậu quả khó khắc phục. Vấn đề người dân quan tâm là hải sản và môi trường biển đã thực sự an toàn chưa thì vẫn chưa được giải đáp rõ. Sự mất an toàn kéo dài suốt bốn tháng và trách nhiệm ấy thuộc về ai cũng là câu hỏi còn nợ với cử tri cả nước”. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nhấn mạnh với Pháp Luật TP.HCM.

Quản lý tốt sẽ ngăn Formosa xả thải gây cá chết

. Phóng viên: Theo ông, chúng ta có thể tìm ra lời giải cho các vấn đề trên ở góc độ pháp lý?

+ Luật sư Nguyễn Văn Chiến (ảnh): Nhiều ý kiến cho rằng có lỗ hổng của pháp luật về môi trường nên không biết trách nhiệm thuộc về ai. Nếu có thì các chế tài hành chính không đủ răn đe. Tôi không đồng ý với điều này.

Chúng ta phải soi chiếu trên các quy định để xác định lỗi ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai.

Được biết trước khi vận hành thử nghiệm hồi tháng 4-2016, Formosa đã thông báo, báo cáo cho Bộ TN&MT, Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh. Song các cơ quan quản lý, cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) có thực hiện đúng Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) hay không thì cần được làm rõ.

Những gì Bộ TN&MT đang làm chỉ nhằm giải quyết “hậu Formosa”, theo hướng khắc phục để đưa hải sản và môi trường biển trở lại an toàn. Bộ chưa tập trung làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm gây ra sự cố. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ TN&MT cần thẳng thắn công khai các kết luận thanh tra về BVMT của dự án Formosa trong những năm qua để xác định lúc nào Formosa vi phạm mà chúng ta không biết; lúc nào mới phát hiện được các lỗi sai… Từ đó mới có thể rút ra bài học về quản lý.

. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự cố này?

+ Hậu quả của vụ việc này là đặc biệt nghiêm trọng, chưa biết bao giờ mới khắc phục được. Nó không phải xảy ra do sự kiện bất khả kháng mà liên quan đến trách nhiệm của người thực thi công vụ.

Tôi đồng tình với TS Tô Văn Trường khi cho rằng để xảy ra sự cố này không phải do việc cấp giấy phép xả thải hay phê duyệt ĐTM mà là sự yếu kém trong công tác kiểm tra, giám sát. Nếu các cơ quan quản lý làm tốt công tác hậu kiểm thì có thể ngăn chặn được việc Formosa xả thải làm cá chết.

Không hiểu sau khi Formosa gửi các báo cáo và thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm một số máy móc, dây chuyền cho Bộ TN&MT vào các tháng 2, 3 và 4-2016 (trước khi gây ra sự cố - NV) thì bộ này đã hành động ra sao. Vấn đề này phải được làm rõ!

Bãi chôn xỉ ở dự án Formosa rộng hơn 180 ha nằm sát mép biển nên có nguy cơ chất vôi trong xỉ thép phát tán vào nguồn nước. Ảnh: ĐẮC LAM

Phải xét trách nhiệm công vụ

. Nhưng không chỉ có Bộ TN&MT phải chịu trách nhiệm hậu kiểm, thưa ông?

+ Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn quy định cơ quan nào phê duyệt ĐTM có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện ĐTM. Bộ TN&MT đã phê duyệt ĐTM của dự án Formosa nên Bộ phải chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường đối với dự án này. Về địa phương, dù dự án Formosa ở Hà Tĩnh nhưng UBND tỉnh này chỉ có quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện ĐTM đối với dự án do tỉnh phê duyệt và kiểm tra dự án do trung ương phê duyệt khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

Từ đó có thể khẳng định Bộ TN&MT chịu trách nhiệm quản lý về môi trường đối với dự án Formosa trong các giai đoạn trước, trong quá trình vận hành thử nghiệm và hoạt động chính thức.

Đến nay truyền thông phản ánh rất nhiều về sự cố do Formosa gây ra nhưng vẫn chưa trả lời rõ nguyên nhân trực tiếp để xảy ra sự cố này do đâu. Cạnh đó, trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường có được bảo đảm kiểm tra, giám sát đầy đủ hay không.

Theo Điều 10 Thông tư 27/2015 của Bộ TN&MT, Formosa phải thông báo kế hoạch cho cơ quan phê duyệt ĐTM là Bộ TN&MT trước khi vận hành thử nghiệm dự án. Vậy nên Bộ TN&MT cần đánh giá Formosa đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm hay chưa và cơ quan phê duyệt ĐTM đã kiểm tra, giám sát ra sao để tránh gây ra sự cố, ô nhiễm môi trường… Những điều này cần được Bộ TN&MT trả lời rõ cho công luận.

. Như thế chúng ta phải đánh giá toàn diện nguyên nhân gây ra “sự cố Formosa”, khiến vùng biển bốn tỉnh miền Trung ô nhiễm nghiêm trọng?

+ Chúng ta cần khẩn trương điều tra, kết luận nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố nhằm xác định trách nhiệm của các bên liên quan.

Được biết ngày 22-1, Tổng cục Môi trường có kết luận thanh tra về BVMT ở dự án này nhưng không thấy có sai phạm nào của Formosa. Đến tháng 4-2016, sau khi xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng, đoàn thanh tra mới phát hiện 53 hành vi vi phạm liên quan đến quá trình thiết kế, vận hành, xây dựng, thi công của Formosa. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ dự án Formosa đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Do đó, cần khởi đầu bằng việc xem xét trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát về BVMT theo quy định.

. Xin cám ơn ông.

Formosa Hà Tĩnh mới chỉ hoàn thành 32/58 hạng mục còn thiếu

Chiều 23-8, bí thư Tỉnh ủy và chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh).

Tại buổi làm việc, đại diện Formosa Hà Tĩnh cho hay trong số 58 hạng mục trong bảo vệ môi trường còn thiếu sót mà Bộ TN&MT kiểm tra, phát hiện, mới chỉ hoàn thành 32 hạng mục. Dự kiến đến ngày 30-12, Formosa Hà Tĩnh mới hoàn thành tiếp 22 hạng mục và đến 30-12-2017 tiếp tục hoàn thiện hai mục thuộc hạng mục kết nối giám sát ống khói…

Đối với hệ thống dập cốc khô, hiện Formosa Hà Tĩnh đang lên phương án thay đổi công nghệ (Bộ TN&MT đã đồng ý thời gian hoàn thiện là ba năm).

Phía Formosa Hà Tĩnh kiến nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh có giải pháp chỉ đạo phương án xử lý 1.620 tấn chất thải rắn thông thường. Với 390 tấn bùn vi phạm, Formosa Hà Tĩnh đã hoàn thành ký kết hợp đồng với đơn vị đủ năng lực xử lý (Công ty Nghi Sơn), đang chờ Bộ TN&MT chấp thuận mới tiến hành vận chuyển.

Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, nhấn mạnh: Chính quyền, nhân dân Hà Tĩnh không vì phát triển kinh tế mà chấp nhận các dự án đầu tư làm ảnh hưởng môi trường. Vì sự phát triển bền vững, Hà Tĩnh yêu cầu Formosa Hà Tĩnh thực hiện nghiêm túc cam kết về bảo vệ môi trường, đồng thời khắc phục nghiêm túc những hạn chế, hoàn thiện công nghệ; hệ thống xả thải không được tái diễn như thời gian qua. Ông Sơn cũng yêu cầu Formosa Hà Tĩnh xây dựng lộ trình khắc phục khẩn trương, trong quá trình đó phải công khai, minh bạch, báo cáo thường xuyên; cần có kế hoạch, lộ trình ký hợp đồng với các đơn vị có đủ chức năng để xử lý chất thải rắn, nếu chưa thực hiện được phải tổ chức đóng gói, phân loại.

Đ.LAM

Còn nhiều mối lo từ dự án Formosa

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Tô Văn Trường, chuyên gia về quản lý tài nguyên nước và môi trường, cho rằng qua sự cố gây cá chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung, những tác động tiêu cực đến môi trường từ dự án Formosa Hà Tĩnh cần phải được theo dõi chặt chẽ hơn. “Nhiều người nói chúng ta vẫn có thể vừa có thép, vừa có cá, lại có môi trường biển trong lành. Tôi cho rằng nói thế là lạc quan tếu vì thực tế rất khó đạt được. Do đó, từ bây giờ cần phải có những biện pháp theo dõi những tác động từ dự án Formosa để có những dự báo, cảnh báo kịp thời về những hậu quả về môi trường có thể xảy ra. Vụ cá chết là bài học quá lớn, chúng ta không thể tiếp tục mắc thêm sai lầm” - TS Trường bày tỏ.      

PGS-TS Lương Văn Thanh, Viện trưởng Viện Kỹ thuật biển (thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam), cũng cho rằng cần phải theo dõi diễn biến chất lượng nước biển ở vùng chịu ảnh hưởng của dự án Formosa trong một thời gian dài. Từ đó mới có thể đưa ra những kết luận chính xác về tác động đến hệ sinh thái biển cũng như thực hiện các giải pháp phục hồi môi trường. “Mối quan hệ nhân quả giữa độc tố và cá chết rất phức tạp. Có những độc tố không làm cá chết ngay mà tích tụ, gây hậu quả từ từ. Vì vậy, hiện nay không còn xảy ra tình trạng cá chết thì chưa hẳn môi trường biển đã an toàn”.

Ngoài lo ngại về lượng nước thải, một số chuyên gia về môi trường cũng lo ngại lượng bùn thải khổng lồ phát sinh từ dự án Formosa. Cạnh đó, lượng xỉ rất lớn phát sinh từ dự án còn chưa được đề cập trong thời gian qua. “Trong ĐTM thể hiện dự án có bãi chôn xỉ rộng lớn nằm sát mép biển và mặt tiếp giáp với biển là kè cứng, không thể hiện chống thấm ra sao. Bãi này có diện tích hơn 181 ha. Với lượng xỉ lớn tập kết sát biển thì khả năng chất vôi trong xỉ thép sẽ phát tán vào nguồn nước có thể xảy ra. Chất này làm cho độ pH trong nước biển tăng cao, có thể gây ra hiện tượng cá chết tiếp theo. Do đó, theo tôi ngay từ bây giờ cũng nên lên phương án kiểm soát bãi chứa xỉ này” - một chuyên gia đề nghị.

TRUNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm