Đó là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, sáng 13-5.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: HOÀNG GIANG
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cơ bản đồng tình với 16 đề xuất, kiến nghị của TP.HCM.
“Cơ bản hai bên đồng tình, không có vấn đề gì phải băn khoăn cả. Còn các vấn đề cụ thể, chi tiết, từ ngữ, cách diễn đạt thế nào để cho thông thoáng thì hai bên ngồi lại với nhau, cố gắng trong một ngày phải xong kết luận để mà làm, chứ không để kéo dài cả tuần” – ông Phạm Minh Chính nói.
Theo Thủ tướng, cái gì vướng mắc liên quan đến Quốc hội thì Chính phủ sẽ cùng với TP.HCM tháo gỡ. “Tinh thần là ba không: Chính phủ không nói không, Chính phủ không nói khó và Chính phủ cũng không nói có mà không làm” – Thủ tướng nói.
Về các kiến nghị phân cấp phân quyền, Thủ tướng khẳng định vấn đề gì mà TP.HCM làm tốt hơn Chính phủ thì sẵn sàng giao cho TP.HCM. “Tinh thần là cái gì chúng ta biết kết quả thì phải giao cho người biết kết quả. Hiện nay nhiều cái đưa lên Chính phủ, Thường trực Chính phủ chỉ để hợp thức hóa lại thôi. Cái gì TP.HCM làm tốt hơn Chính phủ, làm tốt hơn các bộ ngành thì phải để cho TP.HCM làm. Cái gì nhân dân, doanh nghiệp và xã hội làm tốt hơn thì phải để nhân dân, doanh nghiệp và xã hội làm” – ông nói.
Đối với phát triển hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu phải bằng hình thức đối tác công – tư, giải phóng mặt bằng là phải địa phương, dự án đi qua địa phương nào thì địa phương đó phải giải phóng mặt bằng. “Đi qua địa phương nào thì địa phương đó có thẩm quyền làm, còn Nhà nước, Chính phủ chỉ hỗ trợ phần xây lắp như là vốn mồi” – ông Phạm Minh Chính nói.
Đánh giá sâu hơn về viêc thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ cho cơ chế, chính sách, còn lại TP cần phát huy không gian sáng tạo, chủ động của TP.HCM để phát triển.
Riêng đối với vấn đề tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025 lên 23%, ông Phạm Minh Chính khẳng định ông ủng hộ tối đa. “Sự ủng hộ này vừa là khuyến khích vừa là trách nhiệm. Do vậy, TP.HCM cần tập trung cho ba đột phá chiến lược” – ông nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng hoan nghênh việc TP.HCM kiến nghị “điều chỉnh quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại; cho phép nhà đầu tư tham gia xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, xuống cấp…”. “Chuyển sang nhà thương mại thì phải đấu giá để Nhà nước lấy tiền, phải sòng phẳng với nhau. Còn các chung cư cũ thì phải làm. Tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng và đã tán thành kiến nghị này, sửa nghị định của Chính phủ để cho phù hợp với thực tiễn và quy hoạch lại” – Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, thay vì chung cư cũ 4-5 tầng, thì giờ xem lại quy hoạch khu đó, phát triển tối đa số tầng, phát triển chiều cao và giảm bề rộng chung cư để tạo không gian. Như vậy, tầng 1-2-3 sẽ làm dịch vụ và khu vui chơi giải trí, khu thể thao văn hóa văn nghệ, không gian còn lại trồng cây.
“Tăng tầng lên thì ta có cơ chế để thu lại tiền. Vừa giải quyết được không gian phát triển, vừa giải quyết được môi trường, vừa giải quyết được cảnh quan, vừa giải quyết được cuộc sống của người dân tốt hơn. Chúng ta lại có thu tiền, vậy tại sao không làm? Tại sao các bộ ngành lại giữ cái này lại?” – ông Phạm Minh Chính đặt vấn đề.
“Chính phủ không giữ cơ chế chính sách, vì Chính phủ giữ cơ chế chính sách thì không ra tiền. Chính phủ chỉ giữ kỷ cương kỷ luật; thiết kế chiến lược, quy hoạch, thể chế, cơ chế chính sách, công cụ giám sát, kiểm tra và thực hiện việc giám sát, kiểm tra. Nhưng các đồng chí phải đề xuất, phải nói thì chúng tôi mới biết được. Có cơ chế chính sách là ra tiền” – Thủ tướng nói tiếp.
Thủ tướng cũng tin tưởng là TP.HCM sẽ làm được và sẽ có những đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong năm nay.