Thủ tướng: Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn

Sáng 25-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành.

Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

Chỉ có năm bộ trưởng trực tiếp phụ trách xây dựng luật

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Trong báo cáo của Bộ Tư pháp và các ý kiến tại cuộc làm việc cũng cho rằng hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập. Tính dự báo, khả thi của hệ thống pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; chi phí tuân thủ pháp luật nhìn chung còn cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại buổi làm việc với
Bộ Tư pháp. Ảnh: VGP

Cạnh đó, trong một số trường hợp, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa được tiếp thu, giải trình đầy đủ. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành ở trung ương, giữa trung ương với địa phương trong thực hiện công tác tư pháp vẫn còn hạn chế.

“Một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác này chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Hiện nay, mới chỉ có năm bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật” - Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.

Cần coi trọng xây dựng đội ngũ luật sư

Thủ tướng cho rằng thời gian tới, bộ, ngành tư pháp cần coi trọng đầu tư hơn nữa cho công tác hỗ trợ tư pháp, nhất là coi trọng xây dựng đội ngũ luật sư, phát huy tối đa trí tuệ, phẩm chất, lòng yêu nước và trách nhiệm của đội ngũ luật sư. Cạnh đó, kiên trì lắng nghe các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng, các phản biện có lý, có tình của họ trên tinh thần khiêm tốn học hỏi và giữ đúng nguyên tắc. 

Mời nhà hoạt động thực tiễn cùng xây dựng luật

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: Thời gian qua, bộ và ngành tư pháp đã đạt được những thành tích, thành tựu lớn, có tính chất quyết định, cơ bản. Để đạt được kết quả này, bộ và ngành đã thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước…

Về các hạn chế, yếu kém, bất cập được nêu tại buổi làm việc, Thủ tướng chỉ ra một số nguyên nhân chính: Quy trình xây dựng, phê duyệt, thông qua các quy định pháp luật còn nhiều thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian, cầu toàn, trong khi thực tiễn cuộc sống diễn biến rất nhanh, khó dự đoán, khó lường.

Cạnh đó, theo Thủ tướng, nhiều nơi nhận thức chưa đúng tầm và đầu tư chưa ngang tầm nhiệm vụ cho công tác tư pháp, các quy định về chỉ tiêu, bố trí nguồn lực cho công tác này còn bất cập. Sự phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chưa tốt, Bộ Tư pháp cũng chưa thực sự chủ động trong công tác này. Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm trong xây dựng pháp luật không chỉ của các bộ chuyên ngành, mà có cả trách nhiệm của Bộ Tư pháp. “Quá trình thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải thực sự vì lợi ích quốc gia dân tộc, thực sự có trách nhiệm thì mới thấy được bất cập” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý: “Khi xây dựng chính sách thì mời các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu là đúng, là cần thiết nhưng cũng phải mời các nhà hoạt động thực tiễn!”.

Bốn “thực tiễn” khi xây dựng pháp luật

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu ra 10 nhiệm vụ, đầu việc của ngành tư pháp. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác xây dựng pháp luật trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo…

Theo Thủ tướng, những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng lưu ý làm tốt việc lấy ý kiến các đối tượng có liên quan, bị tác động khi xây dựng pháp luật, “quy định ban hành tối qua mà sáng nay thấy bất cập rõ ràng thì cũng phải sửa, không cứng nhắc”. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn cho các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những vấn đề đã kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết.

Về xây dựng bộ máy, tổ chức, biên chế của Bộ Tư pháp, theo Thủ tướng cần trên tinh thần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm trung gian, xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đầu mối bên trong. Từ cơ sở đó, xây dựng vị trí việc làm, miêu tả khung năng lực để xác định biên chế, gắn với việc nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, một người làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao một người. Theo Thủ tướng, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu, đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…

Xây dựng nguồn nhân lực mạnh, hội nhập nhanh

Theo Thủ tướng, bộ, ngành tư pháp cần coi trọng công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức; lưu ý dùng chung nguồn lực, tránh tình trạng phân tán nguồn lực tại các cơ sở đào tạo.

Cạnh đó, cần coi trọng công tác hội nhập và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, xử lý các vấn đề luật pháp liên quan đến lợi ích hợp pháp của công dân và của đất nước ta.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, cần đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền, coi trọng xây dựng, củng cố, hoàn thiện bộ máy của cơ quan tư pháp các cấp.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Bộ Tư pháp. Trong đó, Thủ tướng bày tỏ “rất tâm đắc, tán thành ngay” và cho biết sẽ có ngay văn bản giao các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm