Còn tại Đan Mạch, người dân nước này sẽ đứng trên ghế và chờ đúng khi kim đồng hồ chỉ 12 giờ đêm thì đồng loạt nhảy xuống. Hành động này có nghĩa là bật nhảy vào một năm mới theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ngoài ra người Đan Mạch còn có một cách chào đón năm mới khôi hài khác là ném đĩa vào nhà bạn bè lúc nửa đêm. Càng có nhiều mảnh đĩa vỡ ngoài cửa điều đó có nghĩa là bạn càng được yêu mến.
Trong khi đó người Hà Lan lại dùng chính cây thông Noel để đốt những đống lửa lớn và ăn bánh rán bọc đường. Đây cũng là một trong số nhiều nền văn hóa tin rằng việc ăn một đồ ăn gì đó có hình tròn trong năm mới sẽ đem lại may mắn.
Người Tây Ban Nha thì sẽ nhai ngấu nghiến 12 trái nho ngay trước thời điểm giao thừa. Mỗi trái tượng trưng cho một tháng trong năm và có thể là ngọt ngào hay chua chát.
Còn tại Philippine, những người đón năm mới tin rằng mặc những chiếc quần chấm bi sẽ đem lại may mắn, nhiều tiền tài. Tương tự, người dân một số quốc gia Nam Mỹ tin rằng mặc những quần áo màu sắc sặc sỡ có thể thu hút được may mắn, màu đỏ thể hiện bạn muốn có tình yêu và màu vàng sẽ cho thành công về mặt tài chính.
Dù có những khác biệt về vùng miền và văn hóa, hầu hết các lễ hội đón năm mới là dịp tốt để xả hơi trước khi chu kỳ của một năm nữa lại bắt đầu. “Đây là một kỳ nghỉ để thư giãn và xả hơi”, Amitai Etzioni, nhà xã hội học tại đại học George Washington khẳng định.
“Cả năm con người đã bị ràng buộc bởi những yêu cầu xã hội, đạo đức, luật pháp…” và năm mới là dịp mọi người đều nói hôm nay, trong vòng 24 giờ, trong tối nay, mọi thứ đều không quan trọng, tất cả ràng buộc đều bị phá bỏ. “Nhưng ngày tiếp theo chúng ta lại trở về với trật tự”.
Các nhà sử học cho biết con người bắt đầu có hành động ăn mừng năm mới từ hàng nghìn năm trước. Người La Mã cổ đại, những người sử dụng lịch dương cũng ăn mừng như cách chúng ta hiện nay.
“Đó là một ngày cả cộng đồng ăn mừng. Người ta dành cả ngày chơi, ăn và uống”, nhà sử học người Pháp John Scheid tại College de France cho biết. “Ở thời kỳ của các đế chế, 4 thế kỷ đầu tiên sau công nguyên, những phong tục có gốc của người La Mã đã trở thành lễ hội chung của toàn bộ đế chế của La Mã. Và đó là lí do nó tồn tại đến tận ngày nay”.
Ngày 1/1 đã được cộng nhận rộng rãi là ngày Năm Mới lần đầu vào năm 46 trước Công nguyên khi hoàng đế Julius Caesar đưa vào áp dụng hệ thống lịch mới. Trước đó ngày đầu tiên của năm luôn là ngày 1/3.
Ở châu Âu thời Trung Cổ, người dân tiếp tục ăn mừng năm mới vào những ngày có ý nghĩa đặc biệt về tín ngưỡng, trong đó có ngày Chúa Giáng Sinh. Năm 1582, Giáo Hoàng Gregory XIII thay thế lịch của Julius Caesar bằng lịch Gregory với những điều chỉnh để loại trừ sự không nhất quán về toán học.
Hầu hết các quốc gia đạo Thiên Chúa ngay lập tức áp dụng lịch này và ngày 1/1 là ngày khởi đầu nhưng những nước theo đạo Tin lành thì chỉ áp dụng một từng bước. Nước Anh và sau đó là các thuộc địa của họ, bao gồm cả Mỹ chính là những người cuối cùng áp dụng lịch mới vào năm 1752.
Hiện tại, mặc dù hầu như mọi quốc gia đều xem ngày 1/1 là ngày đầu tiên của năm, một số nước vẫn tổ chức ngày lễ vào các dịp khác. Các nhà thờ giáo hội Chính thống vẫn ăn mừng vào ngày 14/1 (là ngày 1/1 theo lịch của Julius Caesar) trong khi người dân nhiều nước châu Á ăn mừng năm mới vào bất kỳ ngày nào trong khoảng 21/1 – 20/2, tùy theo vị trí của Mặt trăng. Năm nay ngày Năm mới của người Trung Quốc rơi vào ngày 10/2.
Theo Thanh Tùng (Dân trí / AFP)