Ông Trần Du Lịch, Phó đoàn, thẳng thắn đề nghị các đại biểu thay đổi cách suy nghĩ để góp ý sửa luật một cách toàn diện, triệt để: “Những khoản nào đưa về trung ương 100% hoặc giữ lại cho địa phương 100% thì khỏi bàn nữa. Nhưng những khoản thu phải nộp về trung ương theo tỉ lệ thì nên góp ý thay đổi cách thu-chi ngân sách”.
“Khi quy định tỉ lệ thì những tỉnh thiếu tiền sẽ xin giảm tỉ lệ nộp cho trung ương, nhóm dư tiền nhiều thì bị đòi tăng tỉ lệ nộp về trung ương. Phải làm sao cho các tỉnh muốn tìm cách tăng thu chứ không phải làm các tỉnh tìm cách đi xin cho được” - ông Lịch giải thích.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Cục phó Cục Hải quan, cho rằng với những khoản điều tiết 100% về trung ương, ví dụ khoản thu về xuất nhập khẩu, nếu cho phép địa phương để lại cho riêng địa phương dễ dẫn đến việc các tỉnh giành cảng, giành cửa khẩu về cho tỉnh mình, không có lợi cho quốc gia.
Một số đại biểu cũng góp ý nên để HĐND TP toàn quyền quyết các khoản chi của địa phương mà không cần Bộ Tài chính duyệt.
Chiều cùng ngày, tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM khẳng định đến nay chất lượng tín dụng đã tập trung vào sản xuất, kinh doanh chiếm tới 80%, chỉ còn 20% còn lại đi vào phí sản xuất. Đặc biệt mức lãi suất cho vay dưới 8%/năm chiếm 30% tổng dư nợ, lãi suất 8%-12% chiếm 50%, lãi suất trên 12% chiếm 20% chủ yếu là lĩnh vực chứng khoán, tiêu dùng, bất động sản.
Mặc dù mức lãi suất đang ở mức khá thấp nhưng ông Nguyễn Phước Hưng, Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng nên tiếp tục hạ thêm 1%-2%/năm lãi suất VND. Hiện nay lãi suất ngoại tệ vẫn còn cao. Ngoài ra, cần đơn giản thủ tục và có giải pháp xử lý nợ xấu, nợ cũ để giúp dòng vốn lưu thông trong nền kinh tế.
Q.NHƯ - Y. TRANG