Thừa phát lại: Quyền không quá to như lo ngại

Thông tin đại diện TAND Tối cao và Bộ Công an có ý kiến không đồng tình với dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) ở chỗ cho phép TPL được trực tiếp thi hành án (THA) và cưỡng chế THA (Pháp Luật TP.HCM ngày 13-2 đã đưa tin) làm nhiều người băn khoăn. 

Tại bàn tròn do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 14-2, nhiều chuyên gia pháp luật đã cùng trao đổi, làm rõ nội dung này.

Cưỡng chế THA: Quyền của cục trưởng THA dân sự

Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng TPL quận Bình Thạnh, cho biết: “TPL là người được Nhà nước bổ nhiệm hành nghề trong lĩnh vực tư pháp nói chung và THA dân sự nói riêng. Hoạt động của TPL được đặt dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ từ cơ quan THA dân sự cùng sự kiểm sát chặt chẽ của VKSND. TPL hay chấp hành viên đều có nhiệm vụ thực thi các quy định của pháp luật về THA dân sự. Do vậy, không thể nói giao nhiệm vụ, quyền hạn cho TPL tương tự như chấp hành viên là sai luật, sai đường lối, chủ trương...”.

Ông Từ Dương Tuấn, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp TP.HCM, lưu ý: “TPL thực hiện quyền lực công theo ủy nhiệm của Nhà nước. Nhiệm vụ, quyền hạn  của TPL đến đâu là vấn đề đã nhiều lần được bàn bạc, cân nhắc. Riêng trong lĩnh vực THA, quy định hiện hành và cả dự liệu của dự thảo thông tư liên tịch đang bàn thảo cũng chỉ giao cho TPL thực hiện một số việc chứ không hề giao cho TPL được trực tiếp tổ chức cưỡng chế THA và huy động các lực lượng tham gia bảo vệ. Trong việc này, TPL chỉ có quyền lập kế hoạch tổ chức, còn quyền phê duyệt kế hoạch đó cũng như ra quyết định cưỡng chế THA và huy động lực lượng tham gia bảo vệ thuộc về cục trưởng Cục THA dân sự. chưa kể kế hoạch đó còn phải thông qua Ban chỉ đạo THA  địa phương”.

Đồng tình, bà Phạm Thị Thanh Loan, Cục phó Cục THA dân sự TP.HCM, khẳng định: “Các ý kiến cho rằng không nên giao quyền tổ chức cưỡng chế THA và huy động lực lượng bảo vệ cho TPL là chưa chính xác bởi từ trước nay TPL không có quyền này”.

Thừa phát lại đang làm việc với đương sự tại Văn phòng Thừa phát lại quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: HTD 

Vận động THA là chủ yếu

Ông Phạm Quang Giang, Trưởng Văn phòng TPL quận 5, nêu ý kiến: “Tuy là hoạt động đặc thù, có sử dụng quyền lực tư pháp thông qua việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế THA đối với những vụ việc người phải THA không tự nguyện THA nhưng nên nhớ không phải vụ việc nào cũng áp dụng biện pháp cưỡng chế. Kỹ năng vận động, thuyết phục của chấp hành viên hay của TPL đóng vai trò quan trọng và thực tế cho thấy trước giờ các văn phòng TPL đã tổ chức thi hành được nhiều vụ việc mà không phải cưỡng chế. Từ đó, các cơ quan không nên quá lo ngại về nhiệm vụ THA của TPL. Lại nữa, lực lượng công an tham gia bảo vệ các hoạt động cưỡng chế THA nói chung cũng là thực thi chức năng đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho xã hội. Không thể nói công an làm vậy là làm theo lệnh của TPL vì TPL cũng chỉ là người thực hiện quyết định của cục trưởng Cục THA dân sự”.

Bổ sung thêm, bà Loan cho biết trình tự, thủ tục để cưỡng chế THA hiện được pháp luật quy định hết sức chặt chẽ. Trước giờ không hề có chuyện TPL có thẩm quyền huy động lực lượng công an hay “tự tung tự tác” trong việc tổ chức cưỡng chế THA. “Số vụ việc mà cơ quan THA phải huy động lực lượng cưỡng chế THA chiếm không tới 1%. Riêng đối với TPL thì từ sau nhiều năm hoạt động thí điểm chưa có vụ cưỡng chế phải huy động lực lượng nào. Vậy nên không có lý do gì để các cơ quan lo ngại về những bất ổn phát sinh từ việc giao cho TPL thực hiện một số việc trong THA” - bà Loan chia sẻ.


TPL không tự ý huy động lực lượng

Ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết: Hiện nay ở nhiều nước (khoảng 70 nước) đều có chế định TPL để đảm trách việc THA dân sự.

Bên cạnh đó, một số nước đang trong quá trình chuyển đổi từ mô hình THA nhà nước sang TPL.

Ở nước ta, chế định TPL đã có từ thời kỳ Pháp thuộc. Sau năm 1975, vì nhiều lý do khác nhau, nhà nước ta không tiếp tục duy trì mô hình này. Sau này, Đảng ta đã có chủ trương và giải pháp cụ thể về xã hội hóa một số nội dung trong hoạt động tư pháp nói chung và THA nói riêng bằng việc chính thức cho phép thí điểm chế định TPL.

. Nói TPL là tổ chức tư nhân thì có đúng không, thưa ông?

+ Cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của TPL là Nghị quyết 24/2008 và Nghị quyết 36/2012 của Quốc hội, Nghị định 61/2009 và Nghị định 135/2013 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của TPL và các văn bản pháp lý có liên quan.

Theo đó, tuy  tổ chức TPL không phải là cơ quan của Nhà nước nhưng được Nhà nước cho phép thành lập, TPL được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền thực thi các công việc do pháp luật quy định (trong đó có thẩm quyền trực tiếp tổ chức THA dân sự).

. Vậy khi thực hiện nhiệm vụ thì TPL nhân danh Nhà nước hay tư nhân?

+ Hoạt động của TPL là hoạt động đặc thù, có sử dụng quyền lực tư pháp, hay nói cách khác, tuy TPL là thiết chế xã hội hóa nhưng được Nhà nước ủy quyền và được nhân danh Nhà nước trong thực thi công việc do pháp luật quy định.

Hiện nay, pháp luật cho phép TPL thực hiện bốn loại việc quan trọng. Gồm có: Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan THA dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện THA theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức THA các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự. TPL không tổ chức thi hành các bản án, quyết định thuộc diện thủ trưởng cơ quan THA dân sự chủ động ra quyết định THA.

Việc cho phép TPL được trực tiếp thực hiện THA (trừ THA chủ động) là nhằm giúp cho quá trình thí điểm TPL được toàn diện và góp phần giảm tải áp lực THA dân sự cho các cơ quan THA dân sự của Nhà nước.

. Hiện nay có sự lo ngại đối với việc TPL tham gia trực tiếp việc THA và cưỡng chế THA. Mối lo từ việc huy động lực lượng cưỡng chế THA này có cơ sở hay không?

+ Công tác THA dân sự là công tác khó khăn và phức tạp, nhất là trong trường hợp người phải THA không tự nguyện thi hành. Do vậy, việc cho phép TPL trực tiếp THA phải bao gồm việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế THA trong trường hợp người phải THA không tự nguyện thi hành là cần thiết.

Tuy nhiên, vì TPL là thiết chế xã hội hóa và đang trong giai đoạn thí điểm nên pháp luật hiện hành quy định về vấn đề này rất thận trọng và chặt chẽ, nhất là việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp huy động lực lượng bảo vệ. Trường hợp cưỡng chế THA cần huy động lực lượng bảo vệ thì văn phòng TPL phải xin ý kiến của trưởng Ban Chỉ đạo THA dân sự cấp huyện nơi đó. Cục trưởng THA dân sự đích thân xem xét phê duyệt kế hoạch cưỡng chế và ra quyết định cưỡng chế. Về bản chất thì TPL chỉ là người thực hiện nhiệm vụ thay cho cơ quan THA dân sự, việc cưỡng chế theo chỉ đạo, kế hoạch do cơ quan này phê duyệt.

Rõ ràng không có chuyện TPL tự ý và đơn phương quyết định huy động lực lượng bảo vệ, thực chất việc cưỡng chế có huy động lực lượng bảo vệ là trên cơ sở ý kiến của trưởng Ban Chỉ đạo THA dân sự cấp huyện và sự phê duyệt của cục trưởng Cục THA dân sự.

Bên cạnh đó, hoạt động THA dân sự của TPL chịu sự quản lý nhà nước của Sở Tư pháp và bị kiểm sát chặt chẽ của VKSND. Do vậy, mối lo về những bất ổn từ việc huy động lực lượng bảo vệ phục vụ cho cưỡng chế THA là không có cơ sở.

. Xin cảm ơn ông.

KIM PHỤNG thực hiện

 

Cần hỗ trợ để đạt hiệu quả

TPL đang hoạt động thí điểm theo chủ trương xã hội hóa công tác THA dân sự được minh định trong nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn. Từ thí điểm và qua thực tiễn, chúng ta sẽ đánh giá đúng bản chất, đầy đủ được mô hình này có hiệu quả, có vững chắc hay không để tính đến chuyện làm đại trà. Đây cũng là cách chúng ta đã từng làm đối với xã hội hóa công chứng và hiện nay mô hình này đang phát huy tác dụng tích cực. Chính vì thế mà TPL rất cần sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực của các cơ quan nhà nước có liên quan, đặc biệt là tòa án, cơ quan THA dân sự và chính quyền địa phương.

Qua gần bốn năm thí điểm, hoạt động TPL tại TP.HCM đã được Chính phủ tổng kết, đánh giá là có hiệu quả. Mô hình này đang được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành khác như Bình Dương, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh... và được người dân hưởng ứng tích cực.

TS LÊ TIẾN CHÂUCục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp

K.PHỤNG ghi

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm