Thuận thiên để không còn oằn mình chống mặn

(PLO)-  Nếu thực hiện đúng phân vùng theo Quy hoạch tích hợp ĐBSCL theo tinh thần thuận thiên của Nghị quyết 120, chúng ta không cần phải bị ám ảnh hạn mặn và không cần phải oằn mình chống mặn mỗi mùa khô đến.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm nay có hạn mặn nhưng đến muộn và không gay gắt như các đợt xâm nhập mặn lịch sử 2016-2020. Để ứng xử với tình hình hạn mặn mỗi khi mùa khô đến thì con đường để ĐBSCL thích ứng tốt nhất với hạn mặn là thực hiện đúng Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đã được Thủ tướng công bố hồi tháng 6-2022 tại TP Cần Thơ.

Theo đó, Quy hoạch tích hợp chia ĐBSCL thành ba vùng. Vùng thứ nhất là vùng lõi ngọt ở phía thượng lưu, là vùng luôn luôn có nước ngọt kể cả những năm cực đoan. Vùng này ưu tiên cho cây lúa, cây ăn trái, thủy sản nước ngọt.

Vùng thứ hai là vùng lợ với chế độ nước luân phiên; nước ngọt vào mùa mưa có thể trồng lúa, nước mặn, lợ vào mùa khô. Đối với vùng này cần chuyển đổi hệ thống canh tác sang thích ứng với nước mặn, lợ vào mùa khô để nước mặn, lợ là cơ hội chứ không phải là nỗi ám ảnh.

Vùng thứ ba là vùng sát ven biển, đây là vùng mặn quanh năm, do đó phải phát triển hệ thống canh tác thích ứng với chế độ mặn quanh năm.

Để thích ứng với tình hình hạn mặn ở ĐBSCL, chúng ta có hai chọn lựa. Một là nếu tiếp tục “cố thủ” và “chiến đấu” với hạn mặn bằng công trình ở vùng ven biển thì đồng nghĩa là đang dịch chuyển vấn đề hạn mặn vào sâu hơn trong đất liền, vì đê sông và cống ngăn mặn ven biển làm thủy triều không có không gian lan tỏa thì chạy sâu vào đất liền theo dòng chính. Cạnh đó, các vùng ngọt hóa sẽ ngày càng mong manh hơn.

Còn nếu thực hiện đúng phân vùng theo Quy hoạch tích hợp ĐBSCL theo tinh thần thuận thiên của Nghị quyết 120, chúng ta không cần phải bị ám ảnh hạn mặn và không cần phải oằn mình chống mặn mỗi mùa khô đến. Thay vào đó, có thể tận dụng được cơ hội kinh tế trong nước mặn.

Vấn đề còn lại cần giải quyết là nước sinh hoạt cho người dân. Việc này cần được tách riêng khỏi các công trình ngăn mặn phục vụ sản xuất, vì nước bên trong các công trình ngăn mặn bị tù đọng, ô nhiễm, không phù hợp cho sinh hoạt.

Trong mùa khô năm nay, ở ĐBSCL có xảy ra hiện tượng sụt lún đất nghiêm trọng trong các vùng ngọt hóa, điển hình là vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Việc sụt lún nghiêm trọng bên trong các vùng ngọt hóa từng xảy ra vào mùa khô năm 2020 ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) và ở Gò Công (Tiền Giang).

Nguyên nhân của hiện tượng sụt lún này khá đơn giản. Theo đó, trước đây các vùng này có hai mùa mặn - ngọt. Mùa mưa thì ngọt nhờ nước mưa nhưng đến mùa khô, khi nước mưa bốc hơi hết thì còn lại nước mặn từ biển vào. Sau khi các vùng này được bao đê để trữ nước mưa để ngọt hóa quanh năm thì nước mặn không còn vào được nữa.

Trong những năm El Niño khô hạn cực đoan, lượng nước mưa từ mùa mưa trước đã bị cạn kiệt ngay đầu mùa khô năm sau. Từ đó, kênh mương nội đồng bị cạn, có khi đáy kênh cũng nứt đất làm cho đất bị “co ngót”, dẫn đến sụt lún toàn vùng. Tại những vị trí đắp đất làm đường giao thông ven kênh, sụt lún diễn ra càng mạnh hơn và làm hư hại đường sá.

Cần lưu ý hiện tượng sụt lún trong các vùng ngọt hóa này là sụt lún cục bộ bên trong vùng ngọt hóa, không liên quan đến tình hình sụt lún chung của toàn ĐBSCL do khai thác nước ngầm tầng sâu gây nên.

Nguyên nhân vùng ngọt hóa Gò Công trong mùa khô năm nay đến thời điểm hiện tại vẫn chưa ghi nhận sụt lún là vì vẫn còn nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Tiền qua cống Xuân Hòa. Do vậy, khi nào mặn lấn sâu qua cống Xuân Hòa, không còn lấy nước ngọt được nữa và nếu nắng nóng kéo dài một thời gian làm cho các kênh nội đồng, như kênh 14 bị cạn kiệt, thì vùng ngọt hóa Gò Công cũng sẽ bị sụt lún như từng xảy ra vào năm 2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm