Xâm nhập mặn gia tăng, dân gồng mình vì thiếu nước sinh hoạt

Đối phó hạn mặn gay gắt ở ĐBSCL - Bài 1

Xâm nhập mặn gia tăng, dân gồng mình vì thiếu nước sinh hoạt

(PLO)- Tại hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, xâm nhập mặn vào sâu 70-76 km tùy theo sông, đặc biệt tại Bến Tre xâm nhập mặn tương đương năm 2016.

LTS: Từ đầu mùa khô năm 2024, ở ĐBSCL đã xảy ra hai đợt xâm nhập mặn tăng cao (từ ngày 8 đến 13-2 và từ ngày 10 đến 14-3). Những đợt xâm nhập mặn này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân. Xâm nhập mặn năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Đợt xâm nhập sâu nhất xuất hiện từ ngày 8 đến 13-3 với ranh mặn 4‰ vào sâu 40-66 km, có nơi sâu hơn.

Theo Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 22-3, nhiều khu vực trên cả nước có nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn. Đáng chú ý là vùng ĐBSCL có hơn 29.260 ha lúa và 43.300 ha vườn cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn mặn.

“Khát nước” sinh hoạt

Giữa cái nắng gay gắt của tháng 3, nước trên sông Hương Điểm tại khu vực lấy nguồn nước thô của Nhà máy nước Tân Hào, huyện Giồng Trôm (thuộc Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường tỉnh Bến Tre) độ mặn có thời điểm lên đến 6,5‰. Nước ngọt để Nhà máy nước Tân Hào cấp đến hơn 4.200 hộ dân các xã Tân Hào, Long Mỹ, Tân Lợi Thạnh, Thạnh Phú Đông và Tân Thanh “mặn chát”.

P8-bai1_nhomPV-hanman_h1-thylan.jpg
Người dân xã Long Đại, huyện Bình Đại, Bến Tre phải đi lấy từng can nước sạch về sinh hoạt. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Nhà máy nước Tân Hào tăng cường vận hành hệ thống lọc mặn RO với công suất 10 m3/giờ để có nước ngọt và mở vòi nước ngay tại cổng nhà máy để người dân đến lấy về sử dụng. Nguồn nước ngọt khan hiếm này phần nào giải cơn khát nước ngọt trong thời điểm hạn mặn gay gắt như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Trường (52 tuổi, người dân ở ấp 1, xã Tân Hào) chia sẻ: “Nước máy mặn đắng, chỉ có thể tắm giặt chứ không thể dùng nấu cơm được, gạo không chín. Biết nhà máy nước mở vòi cho người dân lấy nước ngọt nên cách hai ngày tôi đến lấy khoảng 150 lít nước về dùng để nấu ăn và xả lại nước ngọt sau khi tắm bằng nước máy”.

Còn tại huyện Bình Đại, nguồn nước sinh hoạt của người dân các xã Long Định, Long Hòa, Châu Hưng, Phú Thuận đều được cung cấp từ Nhà máy nước Long Định với công suất 120 m3/giờ. Nguồn nước thô lấy từ vàm sông An Hóa tiếp giáp sông Tiền, mấy ngày gần đây độ mặn tăng cao nên nguồn nước sinh hoạt cho người dân ở đây đều bị mặn. Thiếu nước ngọt, nhiều ngày nay hệ thống lọc mặn RO tại Nhà máy nước Long Định chạy liên tục, bơm bổ cấp vào phuy dự trữ. Nhà máy mở ba vòi nước ngay trước cổng để phục vụ nước ngọt miễn phí cho bà con đến lấy về sinh hoạt.

Bà Huỳnh Thị Đen (người dân ở ấp Long Nhơn, xã Long Hòa) chia sẻ: “Nước máy mặn lắm, hơn một tháng nay tôi phải đi xin nước ngọt nhiều nơi. Nay nhà máy nước cho lấy nước ngọt tại đây, tôi rất mừng, cứ hai ngày là tôi mang ba can nước tới lấy nước chở về nấu ăn”. Bà Đen cho biết dù phải đi xe máy đến lấy từng lít nước ngọt tại nhà máy nước nhưng bà vẫn vui vẻ vì thời điểm này có nước ngọt cho sinh hoạt là rất quý.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre, cho biết hiện trung tâm đang quản lý, vận hành 32 nhà máy nước với tổng công suất hơn 3.000 m3/giờ, phục vụ cho trên 98.000 hộ dân. Cao điểm xâm nhập mặn thời điểm này nên nguồn nước thô của các nhà máy nước của trung tâm đa phần bị ảnh hưởng của nước mặn, chỉ còn hai nhà máy không bị nhiễm mặn là Nhà máy nước Tân Thanh Tây (huyện Mỏ Cày Bắc) và Nhà máy nước Phú Đức (huyện Châu Thành) do nằm trong hệ thống thủy lợi khép kín.

“Hiện trung tâm đã thực hiện giải pháp thuê sà lan luân phiên chở mỗi chuyến 700 m3 nước ngọt về Nhà máy nước Tân Hào ở huyện Giồng Trôm và Nhà máy nước Long Định ở huyện Bình Đại để xử lý cấp bổ sung nước ngọt cho người dân” - ông Hòa cho hay.

Xâm nhập mặn.JPG
Xâm nhập mặn gia tăng, người dân lo không còn nước để tưới cho cây trồng. Ảnh: ĐÔNG HÀ


Không còn nước ngọt để tưới cây

Một tháng trở lại đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Long An cũng lao đao vì thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu cho cây trồng bởi xâm nhập mặn gia tăng.

Ngày 22-3, có mặt tại huyện Bến Lức vào thời điểm ông Nguyễn Thanh Tuấn (xã Tân Hòa) phải dùng xe để chở nước ngọt về sinh hoạt và tưới tiêu cho cây trồng. Theo ông Tuấn, nguồn nước kênh có nhưng độ mặn cao nếu tưới cho cây trồng sẽ ảnh hưởng, do đó nhiều người dân phải sử dụng thêm nguồn nước giếng pha trộn với nước dưới các con kênh để giảm độ mặn. “Nhiều loại rau bông như cải, rau muống chúng tôi mới trồng nhưng nắng nóng, thiếu nước tưới, cây cối trong vườn cũng khô héo, nước chứa trong các ao, hồ cũng cạn dần. Bây giờ phải nghĩ tới chuyện tiết kiệm từng giọt nước ngọt” - ông Tuấn nói.

Từ kết quả đo đạc cho thấy tình trạng hạn mặn trên địa bàn TP.HCM đang có xu hướng tiếp tục tăng, có khả năng vượt năm 2023. Có thể tiệm cận giá trị độ mặn cao nhất của trung bình nhiều năm.

Hiện nay, với nồng độ mặn này tuy có tăng nhưng do kịp thời chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thủy lợi để phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đảm bảo nhiệm vụ cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống cháy rừng và dân sinh mùa khô năm 2024. Vì vậy, hoạt động sản xuất nông nghiệp, dân sinh trên địa bàn TP.HCM đến nay vẫn ổn định và chưa ghi nhận thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Ông NGUYỄN ĐỨC VŨ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT TP.HCM

Tương tự, hai xã Tân Tập và Phước Vĩnh Tây của huyện Cần Giuộc cũng khan hiếm nước, các ao, hồ trữ nước ngọt, bể và lu chứa nước mưa đều cạn đáy. Trên các sông, kênh rạch nguồn nước đều bị nhiễm mặn. Người dân địa phương phải mua nước ngọt sinh hoạt với giá cao, có lúc lên đến 200.000-300.000 đồng/m3.

Theo dự báo ranh giới độ mặn g/l xâm nhập sâu vào nội đồng 82 km ở Vàm Cỏ Tây xã Lợi Bình Nhơn (TP Tân An), hơn 80 km ở sông Vàm Cỏ Đông xã Lương Hòa, xã Thạnh Hòa (huyện Bến Lức). Dự báo ranh giới độ mặn g/l xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 100 km ở sông Vàm Cỏ Tây xã Thủy Đông (huyện Thạnh Hóa), hơn 100 km ở sông Vàm Cỏ Đông các xã Hòa Khánh, Đức Hòa, Bình Hòa Nam (huyện Đức Huệ).

Độ mặn ven biển tăng cao bất thường

Tại huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), độ mặn tăng cao bất thường ở khu vực các kênh 15, 16, 17A, 17B thuộc các vùng đệm xã Minh Thuận và xã An Minh Bắc. Độ mặn tầng đáy kiểm tra vào ngày 27 và 28-2 ở mức từ 2,0/14,5‰. Nguyên nhân nhiễm mặn sơ bộ ban đầu là do ảnh hưởng nước biển dâng, mặn tăng cao trong những ngày gần đây.

Tại huyện Hòn Đất, độ mặn ven biển tăng cao từ giữa tháng 2-2024 đến nay do triều cường, kết hợp nước biển dâng làm cho khu vực cống 282, cống 287, cống Tám Nguyên thuộc xã Lình Huỳnh, xã Bình Sơn, từ cống vào phía nội đồng từ 100/300 m có độ mặn từ 1,0/2,0‰.

Tại Sóc Trăng, từ ngày 8-2 đến 1-3, xâm nhập mặn bắt đầu vào sâu trong nội đồng trên tuyến sông Hậu, có xu hướng ngày càng tăng làm ảnh hưởng trực tiếp đến cung cấp nước sản xuất cho địa bàn Long Phú - Tiếp Nhật và Kế Sách. Ranh mặn 4 g/lít dịch chuyển thường xuyên trên địa bàn xã Nhơn Mỹ - Song Phụng gây khó khăn cho việc cung cấp nước khu vực Long Phú - Tiếp Nhật.

Theo quan trắc và dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, các đợt xâm nhập mặn cao nhất năm trên tuyến sông Hậu tập trung trong tháng 2 và tháng 3-2024. Cụ thể, độ mặn tại Đại Ngãi, Nhơn Mỹ thường xuyên ở mức trên 8 g/lít, từ đó gây khó khăn trong việc vận hành công trình thủy lợi lấy nước phục vụ sản xuất vùng Long Phú - Tiếp Nhật.•

ĐBSCL sẽ xuất hiện thêm vài đợt xâm nhập mặn cao

Theo ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - Tổng cục Khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ đầu năm 2024 đến nay ở khu vực ĐBSCL hầu như không mưa (hụt chuẩn 60%-95%), ngày nắng kéo dài, nắng nóng làm cho một lượng lớn nước mặt tích trữ trong các ruộng, kênh, hồ bị bốc hơi. Đồng thời nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm kết hợp với thời kỳ triều cường là nguyên nhân chính gây ra tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn tại đây.

Ông Đại cho biết từ nay đến cuối mùa hạn mặn năm 2024, lượng dòng chảy từ thượng nguồn Mekong về ĐBSCL tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Tình trạng nắng nóng vẫn còn tiếp diễn, do đó ở ĐBSCL sẽ còn khoảng vài đợt xâm nhập mặn tăng cao (từ ngày 8 đến 14-4, từ ngày 23 đến 28-4, từ ngày 6 đến 12-5). Khả năng đợt xâm nhập cao nhất vào thời kỳ từ ngày 8 đến 14-4, với ranh mặn 4 g/lít tại các cửa sông ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn năm 2023.

Cụ thể, trên các sông Vàm Cỏ ranh mặn 80-100 km, các cửa sông Cửu Long 48-70 km, sông Cái Lớn 50-57 km, ảnh hưởng lớn đến dân sinh, sản xuất nông nghiệp tại khu vực. “Các tỉnh bị tác động nhiều nhất là Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau” - ông Đại nhận định.

Đọc thêm