Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiểm tra hạn mặn tại Bến Tre

(PLO)- Trên các sông chính trên địa bàn tỉnh Bến Tre, nước mặn 1‰ xâm nhập sâu vào nội đồng, cách các cửa sông chính khoảng 70-79 km.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 12-3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công tác phòng chống hạn mặn mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Xâm nhập mặn đến sớm

Bến Tre là một trong những địa phương ở ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của xâm nhập mặn mùa khô năm nay.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre mùa khô năm 2023-2024 đến sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Tình hình xâm nhập mặn tăng cao và đạt đỉnh trên các sông chính trong tháng 3-2024.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra hạn mặn tại Bến Tre
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra hạn mặn tại Bến Tre. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Hiện nay độ mặn 4 ‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 55 - 69 km; độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 70 - 79 km.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, nhờ chủ động sớm trong công tác phòng chống hạn mặn cùng với các giải pháp công trình, phi công trình đã giúp Bến Tre ứng phó linh hoạt, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Cũng theo ông Tam, ngay từ đầu năm địa phương đã vận động nhân dân trữ nước mưa, đào ao trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Địa phương cũng chủ động đắp các đập tạm trên kênh, rạch trữ nước ngọt để bảo vệ cây ăn trái theo từng vùng.

“Nhờ chủ động sớm đảm bảo nguồn nước ngọt, đến nay hạn mặn chưa gây ảnh hưởng đến cây trồng trên địa bàn tỉnh”- ông Tam khẳng định.

Cũng theo ông Tam, thời gian qua với sự quan tâm của Trung ương, Bộ NN&PTNT đã đầu tư cho Bến Tre nhiều công trình thủy lợi. Các công trình này tuy chưa khép kín nhưng vẫn phát huy được hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt theo từng vùng.

cong-ngăn-man-ben-ro-7.gif
Người dân chủ động bơm nước, trữ ngọt bảo vệ vùng trồng sầu riêng đặc sản của huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng các hồ chứa nước ngọt Kênh lấp ở huyện Ba Tri được đầu tư xây dựng năm 2016, với dung tích thiết kế 811.800 m3 đã và đang phục vụ rất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu dùng nước cho 200.000 dân trong mùa khô 2023 - 2024.

Hiện tỉnh cũng đang triển khai xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri chứa khoảng 10 triệu khối nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân huyện Ba Tri. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2025.

Cũng theo ông Tam, hiện nay tỉnh vẫn đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Đặc biệt tỉnh rất chú trọng 2 nhà máy nước lớn của tỉnh là Nhà máy nước Sơn Đông và An Hiệp phục vụ nước sinh hoạt cho TP Bến Tre và các huyện lân cận, nước cung cấp cho các Khu, cụm công nghiệp hoàn toàn chủ động được.

Hiện tỉnh đã có đập tạm Thành Triệu và đập Cái Cỏ để chứa lượng lớn nước ngọt trong các dòng sông để cung cấp cho các nhà máy nước này.

Đồng thời tỉnh cũng có kế hoạch nếu không còn nguồn nước ngọt sẽ cho sà lan chở nước ngọt về cung cấp cho các nhà máy nước để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt của nhân dân.

cong-ngăn-man-ben-ro-6.gif
Nông dân trồng sầu riêng lo lắng trước diễn biến của hạn mặn. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Theo ông Tam, hiện nay hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre đầu tư còn dở dang và Dự án quản lý nước (JICA3) đang trong giai đoạn triển khai,… do đó tỉnh chưa thể chủ động kiểm soát hoàn toàn được nguồn nước ngọt trong tình huống xâm nhập mặn diễn biến gay gắt.

Về lâu dài, ông Tam cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm triển khai các cống còn lại thuộc dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA-3) gồm: Cống âu thuyền An Hóa, cống Bến Tre, cống Thủ Cửu, cống Cái Quao… và các cống còn lại của dự án thủy lợi Nam và Bắc Bến Tre.

Đồng thời, ông Tam cũng đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu xây dựng cống ngăn mặn tại cửa sông Hàm Luông kết hợp với cầu Hàm Luông trên tuyến đường bộ ven biển ngăn nước mặn xâm nhập vào cửa sông này vào nội đồng.

Sớm hoàn thành các công trình thuộc dự án JICA -3

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, Bến Tre là một trong hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn khốc liệt nhất của khu vực ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị, tỉnh Bến Tre đặc biệt quan tâm đến nguồn nước ngọt phục vụ người dân trong sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô năm nay, không để người dân thiếu nước sạch, nước ngọt cho trồng cây ăn trái.

Về lâu dài tỉnh cần có giải pháp công trình, khép kín hệ thống thủy lợi Nam và Bắc Bến Tre, đồng thời tính đến giải pháp xây cống ngăn mặn tại cửa sông Hàm Luông để tạo hồ chứa nước ngọt trên tuyến sông này.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho biết, Bộ sẽ cố gắng hoàn tất các thủ tục để cơ bản đến năm 2026 sẽ xây dựng hoàn thành các công trình thuộc dự án JICA -3, cùng với các công trình khác cơ bản khép kín hệ thống thủy lợi tiểu vùng Bắc Bến Tre.

Đối với tiểu vùng Nam Bến Tre, Bộ sẽ dùng vốn đầu tư Trung hạn và xin ý kiến Chính phủ bổ sung hơn 2.000 tỉ nữa để đầu tư các dự án thủy lợi cho tiểu vùng này. Như vậy dự kiến đến năm 2027 cơ bản toàn tỉnh Bến Tre sẽ ổn định được nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trước diễn biến của xâm nhập mặn.

Sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đến kiểm tra công trình cống ngăn mặn Tân Phú tại thượng nguồn sông Ba Lai (thuộc xã Tân Phú, huyện Châu Thành).

Đây là 1/8 công trình cống ngăn mặn thuộc dự án quản lý nước Bến Tre sử dụng vốn vay Chính phủ Nhật Bản (JICA-3). Công trình vừa được xây dựng hoàn thành đi vào vận hành cùng với cống Bến Rớ (thượng nguồn sông Ba Lai, thuộc xã Tiên Long) giúp ngăn nước mặn từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai, cung cấp nước ngọt cho hàng chục ngàn ha diện tích trồng cây ăn trái sầu riêng, chôm chôm… của các xã thượng nguồn sông Ba Lai của huyện Châu Thành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm