Vào tháng 8-2011, Nguyên bị bắt giam và sau đó bị truy tố tội hiếp dâm trẻ em. Tháng 4-2013, TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên phạt Nguyên 13 năm tù. Tháng 7-2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) xử phúc thẩm đã hủy án để điều tra lại. Đến tháng 7-2014, Nguyên được đình chỉ điều tra và trả tự do sau gần ba năm bị tạm giam. Giữa tháng 12-2015, TAND huyện Phú Tân tuyên buộc TAND tỉnh Cà Mau bồi thường cho Nguyên gần 300 triệu đồng. Nguyên kháng cáo lên TAND tỉnh và đang chờ xét xử phúc thẩm.
LS Trí đã theo vụ án này ngay từ đầu đến khi Nguyên được đình chỉ điều tra và trả tự do. Đúc kết lại toàn bộ quá trình theo đuổi vụ án này hơn ba năm trời, LS Trí nói: “HĐXX phúc thẩm khách quan, sáng suốt là yếu tố quan trọng nhất đã giúp Nguyên được giải oan. Tôi nhớ hoài phiên tòa hôm đó, để làm rõ các chứng cứ, HĐXX đã mời mọi người rời khỏi phòng xử án, tách các nhân chứng chưa thành niên ra xét hỏi riêng. Khi đó các lời khai bộc lộ rõ sự khập khiễng, gượng gạo, vô lý. Vấn đề tôi thấy qua vụ án ấy là mối quan hệ mang tính chân lý giữa khách quan, trong sáng và sự thật”.
“Thế vai trò của ông trong vụ án này thế nào?” - tôi hỏi. LS Trí từ tốn: “Tôi chỉ làm hết trách nhiệm với thân chủ của mình. Tuy nhiên, trong vụ án này, vai trò của LS là khá lớn. Tại khâu kiểm chứng chứng cứ, tôi đã phát hiện và xác lập những luận cứ mà sau này HĐXX đã dựa vào đó để hủy án. Tôi nhớ rõ các em khai rằng Nguyên đưa bốn em bé, lúc ấy chỉ từ bảy đến chín tuổi vào phòng, tắt đèn, sau đó trói một em lại, bịt miệng để giao cấu. Có em V. khai rất rõ thấy Nguyên “hì hục” như thế nào đến từng chi tiết. Tôi đã đến hiện trường, tự thực nghiệm lại đúng cái phòng xảy ra vụ án. Tôi tắt hết đèn và ngồi trong phòng hơn 30 phút mà mắt vẫn chẳng thể nhìn thấy được cái bàn tay của chính mình. Vậy thì làm sao một đứa trẻ có thể nhìn rõ hành vi của bị cáo trong bóng tối?”.
LS Trí khi đó cũng xác minh được một trong ba nhân chứng chưa thành niên đã khai với cơ quan điều tra (CQĐT) trong lúc cha mẹ em ngồi ngoài phòng lấy lời khai. Khi khai xong, có biên bản rồi thì cha mẹ em mới được đề nghị ký tên làm người giám hộ. CQĐT cũng chưa làm rõ Nguyên dùng loại dây gì để trói, khăn gì để bịt miệng nạn nhân…
Từ phân tích của LS, HĐXX phúc thẩm đã nhận định các nhân chứng khai bất nhất; CQĐT chưa làm rõ và thuyết phục trong bóng tối như vậy sao có thể nhìn thấy hành động giao cấu của Nguyên, dây trói loại gì, được lấy từ đâu, vải bịt miệng là vật dụng gì… Từ đó tòa tuyên hủy án sơ thẩm. Và sau đó Nguyên được đình chỉ điều tra, trả tự do và được minh oan.
“Thế LS rút ra kinh nghiệm gì trong vụ án nói trên?” - tôi hỏi. LS Trí bảo: “Chứng cứ là quan trọng nhất trong mọi vụ án. Với LS thì khâu kiểm chứng chứng cứ đóng vai trò quyết định”.