Thực phẩm giả có thể được chế biến từ hóa chất hoặc các nguyên liệu khác. Từ những món ăn cao cấp, đắt tiền như vi cá, tổ yến, bào ngư… cho đến món bình dân đậu hũ, trứng, cá… và cả gạo đều đã từng lên danh sách hàng giả “made in China”. Nhiều trong số đó vượt xa trí tưởng tượng của con người. Lẽ tất nhiên, thực phẩm giả luôn tiềm ẩn những nguy cơ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng gần như chúng ta cũng chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để ngăn chặn...
Gạo làm từ nhựa
Báo cáo thường nhật tại Hồng Kông vào năm 2009 đã thông tin truyền thông Singapore phát hiện việc sản xuất hàng loạt các loại gạo giả ở Thái Nguyên, Thiểm Tây (Trung Quốc).
Điều tra thực tế cho thấy đây là một loại hỗn hợp bao gồm khoai tây và khoai lang được đúc thành hình dạng có cùng kích cỡ với hạt gạo thông thường. Để loại gạo giả dễ dàng qua mắt người dùng, nhà sản xuất đã trộn thêm những hạt nhựa công nghiệp để tăng độ cứng cho những hạt “khoai” này.
Mặc dù vẻ ngoài rất khó phân biệt song gạo giả sẽ “lộ mặt” ngay khi được nấu lên. Vừa qua tại Việt Nam cũng đã rộ lên tin đồn gạo giả Trung Quốc đã đến Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở kinh doanh gạo ở Hà Nội, TP.HCM, Tây Nguyên, miền Tây, Đông Nam Bộ đề nói họ chưa từng nhìn thấy gạo giả như thế nào. Ngày 20-5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh thông tin gạo giả xuất hiện ở Việt Nam.
Thịt, chà bông từ bìa các tông
Các xưởng sản xuất thức ăn nhanh của Trung Quốc đã “đi đầu” trong việc chế tác ra những món thịt từ giấy các tông. Các tấm giấy này được ngâm qua một lượt với xút ăn da, băm nhỏ ra và tẩm ướp các loại gia vị cùng với hương liệu thịt để chế thành những viên xá xíu hoặc nhân bánh bao. Bìa các tông cũng được sử dụng để làm… ruốc chà bông, món ăn rất phổ biến ở Việt Nam.
Năm 2008, một cơ sở sản xuất chà bông ở phường Thới An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã bị tố cáo là dùng thịt heo hư trộn lẫn giấy bìa các tông sấy khô, tẩm ướp gia vị để xuất xưởng thành ruốc chà bông. Tại thời điểm kiểm tra, xưởng sản xuất này chỉ có một máy xay trộn mà không có các vật dụng thiết yếu khác như xoong nồi, chảo sấy... để chế biến chà bông.
Cá, mực, bạch tuộc… từ cao su
Công nghệ làm mực giả này đã có ở Việt Nam. Mực giả bằng cao su có phần lưng màu đỏ tía, luộc lâu màu vẫn không phai, khi chưa luộc mực có độ đàn hồi rất cao, co giãn mạnh khi dùng tay kéo.Đặc biệt khi nướng, mực không cong vào tự nhiên mà vẫn thẳng đuột, có mùi cháy khét chứ không thơm. Nếu nhìn bằng mắt thường, ít ai có thể phân biệt được mà chỉ khi chế biến, mực giả mới “lộ mặt”.
Với sản phẩm mực xé sợi tẩm ướp thì khi ngâm vào nước, sợi mực sẽ nở to, trở thành một sợi cao su bóng, sáng.Giá của loại mực giả này chỉ từ 140.000 - 200.000 đồng/kg, trong khi mực thật giá dao động từ 450.000 - 700.000 đồng/kg.
Ở Trung Quốc từng xảy ra nhiều vụ người dân phản ánh qua đường dây nóng việc họ mua phải một loại cá có mùi nhựa, nghi ngờ là cá giả được làm từ chất keo, giá bán chỉ bằng 1/3. Những con cá này có độ dai hơn bình thường, dùng tay bóp không nát, kéo mạnh mới đứt. Đặc biệt khi được hơ trên lửa, phần đuôi cá nhanh chóng teo lại, nhưng thân cá gần như không biến đổi.
Trứng gà từ thạch cao
Công thức làm trứng gà giả là sự pha trộn giữa calcium carbonate, bột thạch cao và sáp nến làm vỏ trứng, trộn gelatin, phèn và axit benzoic làm ruột trứng. Để tạo lòng đỏ, người ta trộn lẫn loại màu vàng chanh thực phẩm và canxi clorua sẽ cho ra kết quả như thật.
Loại trứng gà này có các đặc điểm vật lí không khác gì loại trứng thông thường, chỉ to hơn trứng gà công nghiệp của Việt Nam một chút. Trứng giả không có một dưỡng chất nào và kèm theo vô số nguy cơ khi ăn phải các loại hóa chất công nghiệp.
Tháng 7-2014, một người dân ở Bạch Mai, Hà Nội phát hiện trong giỏ trứng chị được cho có một quả rất…lạ. Khi luộc lên, lòng đỏ trứng gà dẻo quánh, bóp mạnh không vụn vỡ mà chỉ nứt ra như bị rách, lấy lửa đốt thì trứng bắt lửa, cháy xèo xèo, khét lẹt như mùi nhựa cao su. Khi người này công bố thông tin trên mạng xã hội, nhiều người cho biết cũng từng mua phải quả trứng như vậy. Tại Việt Nam, thông tin có trứng gà giả xuất hiện trên thị trường rộ lên từ năm 2011. Sau thời gian dài im ắng, nay loại trứng được nghi ngờ là giả bỗng xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng chưa có kiểm nghiệm và công bố chính thức về việc có trứng gà giả hay đó chỉ là một dạng đột biến.
Mật ong làm từ…củ cải
Trung Quốc là nước sản xuất mật ong lớn nhất thế giới và chủ yếu là để xuất khẩu. Giới chức nước này từng phát hiện nhiều cách làm mật ong giả của Trung Quốc, từ việc giả 100% đến pha trộn một phần các tạp chất khác.
Người sản xuất thường trộn vào mật thật siro làm từ đường, gạo hoặc củ cải hay chế ra mật ong từ nước, đường phèn và phẩm màu nhân tạo. Chất lượng mật không được đảm bảo thậm chí còn gây hại cho người tiêu dùng do sử dụng nhiều phụ gia và phẩm màu nhân tạo. Sản phẩm mật ong giả của Trung Quốc đã từng xuất hiện cả trên thị trường Mỹ và Pháp. Do đó các láng giềng như Việt Nam, Singapore, Malaysia…đều rất có khả năng trở thành nạn nhân.
Quả óc chó xi măng
Đây là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao. Người ta có thể trộn lẫn giữa quả óc chó thật với những sản phẩm nhân tạo được làm từ xi măng và giấy. Việc làm giả quả óc chó đã nhanh chóng trở nên ngày càng phổ biến hơn, khi mà giá trị trên thị trường của nó ngày một tăng lên và những vụ bắt bớ cũng ngày càng nhiều lên. Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều biện pháp mạnh tay để ngăn chặn các hoạt động sản xuất đặc sản giả này song vẫn chưa thể giải quyết nó triệt để.
Vi cá ngâm nước không tan Đây cũng là một món ăn cao cấp, thôi thúc lòng tham của những người chuyên chế biến thực phẩm giả. Theo điều tra của phóng viên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, vi cá mập giả được làm từ gelatine, sodium alginate, chất màu và tất nhiên hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng.
Ngoài thủ đoạn làm giả vây cá mập tinh vi trên, ở Trung Quốc, tiểu thương còn làm giả vây cá mập từ cao su, sợi nhựa vô cùng độc hại.
Các loại thực phẩm giả trên, một vài mặt hàng được xác định đã có mặt ở Việt Nam qua con đường nhập khẩu hoặc “chuyển giao công nghệ”, một số khác đang ở diện rà soát. Dù ở dạng nào thì thực phẩm giả cũng là nỗi lo sợ thường trực của người tiêu dùng.