Thực thi Hiệp định EVFTA: 'Nói dễ nhưng làm thì khó'

(PLO)- Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực sau 2 năm thực thi EVFTA và dư địa, cơ hội từ thị trường EU còn lớn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực sau 2 năm thực thi EVFTA, song theo Bộ Công Thương, những thành công trên chỉ là bước đầu. Dư địa và cơ hội từ thị trường EU còn rất rộng lớn, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc khi tiếp cận thị trường này, cả về lý do chủ quan và khách quan.

Doanh nghiệp khó xuất khẩu bằng thương hiệu

Trong Hội nghị tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sáng 27-12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá, thương hiệu Việt Nam chưa được xây dựng hoặc chưa được biết đến nhiều tại các nước châu Âu, giá trị và lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam thu về còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, mọi người đều hiểu khi sản phẩm có thương hiệu, giá trị sẽ cao hơn rất nhiều.

Nhưng thời gian qua, khi tiếp xúc với nhiều tỉnh thành, nói chuyện với nhiều doanh nghiệp và đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp không xuất khẩu bằng thương hiệu, câu trả lời nhận về đều là “nói thì dễ nhưng làm thì khó” vì doanh nghiệp muốn bán thương hiệu nhưng không ai mua.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) trình bày về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Trúc.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) trình bày về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Trúc.

Tại hội nghị cách đây hai ngày được tổ chức ở TP.HCM, đại diện thương hiệu gạo Trung An cho biết, trước đây Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã đưa các nhà nhập khẩu châu Âu vào Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu gạo sang thị trường Bắc Âu. Tuy nhiên các nhà nhập khẩu yêu cầu không để thương hiệu gạo Trung An mà phải dán thương hiệu gạo của họ.

Lúc đó, ông Phạm Thái Bình CEO của Trung An từ chối và nói rằng nếu không mua bằng thương hiệu của Trung An thì sẽ không bán. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng và bản lĩnh như vậy.

“Có doanh nghiệp sản xuất hạt điều chẳng hạn, họ nói nếu làm như Trung An thì họ chết vì họ cần xuất khẩu. Rõ ràng ở đây, xây dựng thương hiệu nó không đơn giản”, ông Khanh nói.

Hay có doanh nghiệp ở Hải Phòng hiện đang làm gia công cho đối tác Đài Loan để xuất khẩu giầy da sang châu Âu với giá trị khoảng 200 triệu USD mỗi năm. Nhưng khi thị trường biến động, đơn hàng giảm từ 50 - 80%, nhân công mất việc, nhà xưởng, máy móc thiết bị để trống.

Khi được hỏi tại sao không làm thương hiệu, họ nói rất khó mặc dù họ có cả đội thiết kế, chỉ cần có ý tưởng, có mẫu giày là họ làm được, nhưng họ không kết nối được với hệ thống phân phối tại thị trường châu Âu. Tuy vậy hiện nay, doanh nghiệp này đã có đơn hàng nhỏ tại Anh đặt hàng theo thương hiệu giày của họ.

“Đấy chính là một khởi đầu rất tốt, hãy đi từng bước nhỏ và doanh nghiệp nên đẩy mạnh theo hướng đó”, ông Khanh nói.

Cần tận dụng triệt để thuế suất 0%

Sau 2 năm thực hiện EVFTA, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU tăng mạnh, từ hơn 35 triệu USD năm 2020 lên hơn 43 triệu USD đến hết tháng 11 năm nay. EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%,chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu của cả nước (2016-2021).

Tuy nhiên, theo Vụ Chính sách Thương mại đa biên, còn rất nhiều sản phẩm có tiềm năng và dư địa lớn để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU. Đơn cử như rau quả tươi, rau củ quả chế biến, trước đây, mức thuế phải chịu lên tới 20%, nhưng với EVFTA, mức thuế này phần lớn về 0%; trong khi thị phần mặt hàng này tại EU chỉ chiếm 2,7% nên dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu là rất lớn. Các mặt hàng khác như thủy sản, dệt may, máy móc thiết bị cũng tương tự.

“Nếu không có EVFTA, chúng ta gần như không thể xuất khẩu sang EU và khó có thể cạnh tranh với gạo Campuchia. Những mặt hàng có thị phần lớn, thuế suất cao nên đẩy mạnh xuất khẩu càng nhiều càng tốt”, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu (Tập đoàn Lộc Trời) thừa nhận, còn nhiều dư địa để đưa gạo Việt Nam vào thị trường EU. Trên thực tế, thời gian qua, Tập đoàn Lộc Trời cũng đã khai thác rất tốt thị trường EU.

Cụ thể, năm 2018, tập đoàn xuất khẩu vào thị trường EU hơn 2.000 tấn gạo; 2019 là 8.000 tấn; 2020 là 11.000 tấn; 2021 là 12.000 tấn và năm 2022 tính đến thời điểm hiện tại là khoảng trên 24.000 tấn.

Rõ ràng, dư địa để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU là rất lớn, tuy nhiên, để tăng tính bền vững khi xuất khẩu vào thị trường này, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề chất lượng.

Cũng theo ông Khanh, việc Việt Nam làm gia công cho nhiều thị trường không xấu và đây cũng là một con đường để phát triển. Nhưng để phát triển công nghiệp phụ trợ, phải rút ngắn thời gian gia công và tận dụng công nghệ 4.0 để xây dựng thương hiệu riêng của mình. Bởi đối tác hôm nay có thể đặt hàng của Việt Nam, ngày mai họ có thể đặt hàng tại Campuchia, khi giá nhân công của chúng ta tăng cao hơn các nước trong khu vực, họ sẽ chuyển ngay.

“Chúng ta mất mười năm để đàm phán, tiến tới kí kết EVFTA. Đây là sự nỗ lực của bao nhiêu con người từ cấp lãnh đạo cao nhất cho đến những người kĩ thuật để tạo ra cơ hội xuất khẩu con cá, hạt gạo….ở thuế suất 0%. Nhưng những lợi thế đó sẽ không còn nếu bây giờ các đối thủ của chúng ta cũng kí được FTA với EU. Chúng ta còn thời gian trong trung hạn là 3-5 năm để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Hiện tỷ lệ thị phần nhiều mặt hàng của ta chỉ chiếm 2 - 5% tại EU, chỉ cần tăng lên đến 10%, giá trị sẽ rất khác, đời sống của người nông dân cũng khác.”

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương)

Từ những phân tích trên, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả thị trường EU thông qua EVFTA, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tập trung triển khai 4 nội dung, bao gồm:

Thứ nhất, xử lý vấn đề kết nối cho doanh nghiệp thông qua cập nhật và nâng cấp cổng thông tin FTA (FTAP), để kết nối với toàn bộ trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, hiệp hội;

Thứ hai, triển khai đánh giá việc thực thi FTA tại các tỉnh, thành phố thông qua chỉ số FTA INDEX, bộ chỉ số này dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm 2023;

Thứ ba, đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội, xây dựng các video ngắn, tập trung sâu hơn vào các khoá tập huấn, hội thảo ngắn chuyên đề thiết thực với doanh nghiệp, đặc biệt có các chương trình tập huấn dành cho các CEO, chủ doanh nghiệp;

Thứ tư, thúc đẩy các giải pháp cụ thể như triển khai tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tận dụng FTA, thúc đẩy kết nối, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm