Thuế, hải quan cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

(PLO)- Thời gian tới, ngành thuế sẽ triển khai áp dụng trí tuệ nhân tạo và các cơ quan thuế sẽ hoạt động 24/7.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-10, Diễn đàn Thuế - hải quan với chủ đề “Chính sách thuế - hải quan hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” được tổ chức tại Hà Nội. Tại đây, một số hiệp hội, doanh nghiệp (DN) đã nêu ra những thắc mắc, trăn trở chung của cộng đồng DN đối với lĩnh vực hải quan, thuế.

Đại diện các doanh nghiệp phát biểu tại Diễn đàn Thuế - hải quan ngày 19-10. Ảnh: CL

Đại diện các doanh nghiệp phát biểu tại Diễn đàn Thuế - hải quan ngày 19-10. Ảnh: CL

Xe xếp hàng dài chờ thông quan

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải Việt Nam, cho hay: Vấn đề khó khăn hiện nay mà các đơn vị kinh doanh vận tải đang gặp phải là khi xe vận chuyển hàng hóa đến biên giới, cửa khẩu Trung Quốc thường phải xếp hàng dài chờ thông quan, có khi 7-10 ngày. Điều này làm chi phí tăng lên rất nhiều.

“Từ thực tế trên, chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với nhau cho phép hàng hóa khai báo trước, đồng thời phối hợp để thông báo cho DN biết thời gian có thể giao được hàng. Qua đó để tránh tình trạng hàng ngàn xe lên cửa khẩu biên giới mà chả biết bao giờ được thông quan” - chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải Việt Nam kiến nghị.

Thời gian tới, người dân và DN có thể tiếp xúc với ngành thuế mọi lúc, mọi nơi.

Giải đáp về vấn đề này, ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, giải thích rằng vấn đề chậm thông quan không hẳn có lỗi từ phía hải quan Việt Nam, bởi các thủ tục phân luồng đã rất rõ ràng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: Trung Quốc cho đến giờ này vẫn thực hiện chính sách “zero COVID”, nên cả về thủ tục thông quan lẫn phương thức vận chuyển hàng hóa cũng rất khác trước đây.

“Chẳng hạn có khi Trung Quốc cho phép một ngày thông quan 200 xe hàng. Nhưng điều kiện là khi xe hàng Việt Nam chạy sang, phía Trung Quốc cho xe đầu kéo ra vận chuyển hàng về và xe đầu kéo của Việt Nam chạy về lại. Nhiều khi phía Trung Quốc bố trí 200 xe đầu kéo để vận chuyển hàng cũng không phải là dễ dàng” - ông Tưởng nói.

Vẫn theo ông Tưởng, phía hải quan Việt Nam luôn cố gắng đồng hành, tạo mọi điều kiện để các DN vận tải thông quan thuận lợi.

Theo Bộ Tài chính, ước tính các chính sách đã ban hành giảm, giãn thuế, phí cho các DN và người dân trong năm 2022 lên đến quy mô khoảng 233.000 tỉ đồng. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay.

Chính sách thuế phải công bằng

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, đặt vấn đề về việc làm sao để khắc phục độ trễ của các chính sách, chẳng hạn như các gói phục hồi kinh tế.

Đáp lời, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng: Khi triển khai và thực thi cũng có những chính sách làm rất nhanh, chẳng hạn việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT). Nhưng cũng có những chính sách như hỗ trợ người dân, hỗ trợ DN vay vốn để trả công, trả lương cho người lao động… hầu như rất ít DN được hưởng. Nguyên nhân chủ yếu do thủ tục dẫn đến chậm trễ hoặc lo ngại hỗ trợ nếu sai đối tượng lại bị xử lý.

“Quốc hội luôn yêu cầu Chính phủ báo cáo việc thực thi các chính sách. Nếu vướng về luật thì Quốc hội điều chỉnh, còn nếu không vướng gì về luật thì Chính phủ phải giải trình với đối tượng thụ hưởng chính sách. Nếu không giải trình được với đối tượng thụ hưởng thì giải trình với Quốc hội. Nếu không giải trình được với Quốc hội thì Quốc hội sẽ xem xét tín nhiệm” - ông Cường nói.

Đại diện Hiệp hội Ô tô vận tải Việt Nam thì đề nghị có cơ chế, sự phối hợp để bảo đảm công bằng trong thực hiện thuế giữa các DN vận tải và các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách. Đây là vấn đề được các đơn vị DN vận tải phản ánh nhiều năm nhưng hiện tại nghĩa vụ thuế chưa bảo đảm sự công bằng.

“Chúng tôi đã nghiên cứu và thấy là 1 triệu xe vận tải hàng hóa thì có tới 50% là hộ kinh doanh, xe tham gia hợp tác xã vận tải thì cũng là xe cá nhân, hộ kinh doanh. Tôi cho rằng nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa thuế và giao thông vận tải để nắm thật chắc, anh nào là DN, hợp tác xã tập trung thì kê khai theo thuế DN; anh nào là hộ kinh doanh thì khai thuế theo hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có cách quản lý riêng giữa DN vận tải và các DN cung cấp dịch vụ kết nối vận tải” - đại diện Hiệp hội Ô tô vận tải Việt Nam nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng đây là vấn đề lớn. Bởi với hộ kinh doanh, trước hết là việc kinh doanh để bảo đảm an sinh cho gia đình. Hiện có hơn 2 triệu hộ kinh doanh đã đăng ký kê khai thuế, trong nhóm đó có những hộ thực hiện khoán.

“Chúng tôi động viên các hộ kinh doanh chủ động kê khai, rồi sau đó mới động viên hộ kinh doanh chuyển lên DN. Quản lý thuế đối với hộ kinh doanh phải có thời gian dài và giải pháp tổng thể” - ông Minh giải thích.

Về kiến nghị ngành thuế phối hợp với ngành vận tải để tìm ra cách quản lý thuế đối với DN vận tải và DN cung cấp dịch vụ kết nối vận tải, ông Minh cho hay: Kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngành thuế sẽ phối hợp với ngành giao thông vận tải để bàn giải pháp; và hóa đơn điện tử là một giải pháp sẽ được triển khai rộng rãi từ nay đến cuối năm.•

Thuế sẽ hoạt động 24/7

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết tới đây ngành thuế sẽ áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) và các cơ quan thuế sẽ hoạt động 24/7. Như vậy người dân và DN có thể tiếp xúc với thuế ở mọi lúc, mọi nơi.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế thông tin thêm: Việc thanh tra, kiểm tra bây giờ không phải thích thanh tra DN nào cũng được, mà phải dựa trên nguyên tắc quản trị rủi ro, theo kế hoạch, bỏ qua ý chí chủ quan của cán bộ thuế.

“Khi xử lý khiếu nại, chúng tôi cũng quán triệt phải đối thoại trực tiếp với người dân và DN công khai, minh bạch” - ông Minh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm