Hải quan chuyển đổi số mạnh, doanh nghiệp hưởng lợi

(PLO)- Ngành hải quan đặt mục tiêu “phi giấy tờ”, 100% thủ tục hải quan được thực hiện trên môi trường mạng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi, thủ tục nhanh chóng, không phải chờ đợi, không phàn nàn. Đó là những gì các doanh nghiệp (DN) thông tin với chúng tôi khi được hỏi về thủ tục hải quan những năm qua.

Cơ quan hải quan đang hướng đến 100% hàng hóa rủi ro cao vận chuyển bằng container được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại. Ảnh: Q.HUY

Cơ quan hải quan đang hướng đến 100% hàng hóa rủi ro cao vận chuyển bằng container được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại. Ảnh: Q.HUY

Doanh nghiệp không còn phàn nàn

Là DN chuyên xuất mặt hàng thực phẩm vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Sài Gòn (TP.HCM), cho biết khâu thủ tục hải quan rất quan trọng. Những năm qua, thủ tục hải quan đều điện tử hóa, không cần phải đến trực tiếp, chờ đợi nộp tờ khai nên hoạt động xuất khẩu của DN rất thuận lợi.

“Tờ khai hải quan của DN đã được xử lý thông qua hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS). DN được xếp vào luồng xanh nên thời gian thông quan được rút ngắn chỉ vài giây” - ông Long chia sẻ.

Ngoài ra, hải quan điện tử còn giúp DN phát triển mô hình quản lý nội bộ tích hợp với khai báo và thông quan, chia sẻ thông tin để từ đó hiện đại hóa hệ thống quản lý của mình. Với dữ liệu kê khai, DN có thể thực hiện thống kê, báo cáo và phân tích để có được kết quả và phương án kinh doanh tốt hơn.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai báo, giám sát hải quan... đã phát huy hiệu quả rất tốt trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát. Hải quan điện tử giúp hàng hóa của DN vẫn đảm bảo thông quan kịp thời.

Đại diện một công ty chuyên nhập khẩu nguyên liệu phụ gia chế biến thực phẩm rất lớn cho biết mỗi tháng công ty phải mở vài trăm tờ khai nhập khẩu. Ngoài thủ tục hải quan điện tử thì Cục Hải quan TP.HCM còn có đề án tạo thuận lợi thương mại trong hoạt động logistics, chống ùn tắc tại cảng Cát Lái. Dù có số lượng hàng hóa thông quan mỗi ngày rất lớn nhưng DN không gặp khó khăn gì về thủ tục hải quan. Tất cả khâu từ mở tờ khai, nộp thuế, thông quan... đều được thực hiện trên phần mềm điện tử.

Hải quan điện tử minh bạch trong thực hiện thủ tục, giảm bớt tiếp xúc trực tiếp giữa DN và công chức hải quan.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết cục đã triển khai VNACCS/VCIS từ năm 2014. Thời gian qua, Cục Hải quan TP đã thực hiện thông quan cho lượng hàng hóa với kim ngạch và số thu thuế tương đương 1/3 cả nước.

So với thủ tục hải quan truyền thống, sử dụng giấy tờ như trước đây thì hải quan điện tử đem lại cho DN rất nhiều lợi ích, có thể làm thủ tục từ xa, tiết kiệm chi phí và thời gian. Thứ hai, DN chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh nhờ nắm được thông tin phản hồi về kết quả thông quan nhanh hơn. Tốc độ thông quan nhanh hơn rất nhiều so với thực hiện thủ công.

“Đặc biệt, hải quan điện tử minh bạch trong thực hiện thủ tục, giảm bớt tiếp xúc trực tiếp giữa DN và công chức hải quan” - đại diện Cục Hải quan TP.HCM chia sẻ.

Theo Tổng cục Hải quan, đến nay đã hoàn thành mục tiêu 5E, gồm: Thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn bằng phương thức điện tử (e-Declaration); triển khai mạnh mẽ thanh toán điện tử (e-Payment); e-C/O - cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) bản điện tử; bản lược khai hàng hóa điện tử (e-Manifest); cấp giấy phép các bộ, ngành (e-Permit). Đồng thời xây dựng được một hệ thống công nghệ thông tin tập trung cấp tổng cục, phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động ổn định, thông suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan.

Phấn đấu làm hài lòng 95% DN trở lên

Đến năm 2030, Tổng cục Hải quan phấn đấu hoàn thành hải quan thông minh và mức độ hài lòng của DN đạt từ 95% trở lên.

100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa. 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động. 100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Ngành hải quan đặt mục tiêu hải quan số, hải quan thông minh trong những năm tới nhưng vẫn còn khó khăn cần khắc phục. Cụ thể như hệ thống thông quan tự động đã trải qua một quá trình vận hành dài (gần tám năm) và bộc lộ một số hạn chế, cần được nâng cấp, cải tiến.

“Ngoài ra, khối lượng hàng hóa ngày càng tăng, nguồn nhân lực lại sụt giảm, áp lực ngày càng lớn đòi hỏi cơ quan hải quan phải có những hệ thống thông tin đủ mạnh, hiện đại và thông minh mới có thể đáp ứng được” - đại diện Cục Hải quan TP.HCM thông tin.

Để tiến tới hải quan số, hải quan thông minh, Cục Hải quan cần phải được bổ sung thêm lực lượng lao động có trình độ phù hợp cũng như đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ hiện tại.

Về cơ sở vật chất, cơ quan hải quan phải được đầu tư trang thiết bị hiện đại, có thể kết nối và liên thông dữ liệu với hệ thống hải quan thông minh như các hệ thống giám sát bằng hình ảnh có khả năng nhận diện đối tượng, hệ thống định vị thông minh, hệ thống máy soi hành lý, hàng hóa tích hợp trí tuệ nhân tạo…

Cục Hải quan TP cũng đề xuất cần có hành lang pháp lý mới, phù hợp để chuyển đổi mô hình hiện tại lên mô hình hải quan số, hải quan thông minh.

Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), cho biết hải quan luôn tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong sáu tháng đầu năm 2022, tổng lượng tờ khai hàng hóa xuất khẩu là khoảng 4 triệu. Trong đó, tỉ lệ tờ khai luồng đỏ phải kiểm tra thực tế hàng hóa chỉ chiếm hơn 2%; tỉ lệ luồng vàng 18,6%; riêng tờ khai luồng xanh chiếm gần 80%.

Từ đầu năm 2022, ngành hải quan đã triển khai cung cấp phần mềm miễn phí cho DN để thực hiện kê khai hải quan. Việc này nhằm giúp DN giảm chi phí liên quan đến mua sắm, nâng cấp trang thiết bị, phần mềm sử dụng khai hải quan cũng như hỗ trợ DN tiếp cận với định hướng sắp tới của cơ quan hải quan.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp với các cơ quan, ban ngành thực hiện cắt giảm hồ sơ thủ công bằng giấy, định hướng sang thủ tục điện tử; các giấy phép kiểm tra chuyên ngành sẽ chuyển sang số hóa và chứng từ hóa” - ông Tám nói.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ngành hải quan còn chủ động triển khai nhiều giải pháp xử lý để hỗ trợ DN nhanh chóng thông quan hàng hóa khi xảy ra ùn tắc tại các cửa khẩu thời gian qua. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra. Vì thế, DN mong muốn cơ quan hải quan, các bộ, ngành liên quan tăng cường đối thoại, hợp tác với cơ quan chức năng của các nước để có giải pháp tháo gỡ, tăng cường xúc tiến thương mại.•

Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM:

Hải quan điện tử giúp loại bỏ tiêu cực

Nếu trước đây nói đến hải quan các DN đều kêu ca, phàn nàn về thủ tục thì từ khi triển khai hải quan điện tử việc này đã chấm dứt. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của các DN dệt may đều thuận lợi, hiệu quả thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng từng năm.

Một điểm tích cực khác là loại bỏ tâm lý xin - cho khi DN chờ làm thủ tục giấy. Hải quan điện tử giúp giảm tiếp xúc trực tiếp giữa DN và cán bộ hải quan, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tăng năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài.

Hải quan thế giới đua nhau sử dụng AI, máy bay không người lái

Theo Tổng cục Hải quan, hải quan một số nước phát triển trên thế giới đã, đang và sẽ đẩy nhanh quá trình ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), giao diện lập trình ứng dụng mở (open API)...

Hải quan Mỹ ứng dụng hệ thống xác định trọng điểm tự động toàn cầu; hệ thống kiểm soát không phận không người lái; hệ thống thông tin trước về hành khách có giao diện với Interpol; các hệ thống kiểm tra không xâm nhập...

Hải quan Mỹ cũng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh trắc vân tay, các thiết bị cảm biến, hệ thống camera theo dõi, thiết bị hồng ngoại và các thiết bị phóng xạ để phát hiện các hành vi vi phạm tại biên giới.

Tại Nhật, hải quan nước này cũng sử dụng trí tuệ nhân tạo vào soi chiếu thông minh và xác định trọng điểm các lô hàng.

Trong khi đó, hải quan Trung Quốc áp dụng từ sớm các công nghệ hiện đại như truy xuất nguồn gốc, robot, máy bay không người lái, công nghệ big data, chia sẻ dữ liệu...; tích hợp quản lý thông minh, tối ưu quản lý nguồn nhân lực, kiểm soát rủi ro nội bộ; cảnh báo sớm, quản lý chuỗi logistics…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm