Chiều 23-11, tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức diễn đàn “Phát triển thị trường khí tại Việt Nam: Nút thắt, giải pháp phát triển hoạt động kinh doanh khí hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam”.
Ảnh hưởng đến công ty làm ăn chân chính
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết thị trường LPG tại Việt Nam liên tục đạt mức tăng trưởng cao trong giai đoạn gần đây (khoảng 10%) so với mức tăng trưởng trung bình của thế giới và khu vực (khoảng 4%).
Tuy nhiên, cùng với mức tăng trưởng trên thì hoạt động kinh doanh LPG đang tồn tại nhiều hạn chế. Đơn cử như chi phí kinh doanh, chi phí bán hàng còn cao so với giá thành sản phẩm; giá và cơ chế giá LPG trong nước phụ thuộc hoàn toàn sự biến động giá thế giới, thiếu tính linh hoạt và ổn định… Cạnh đó, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chiếm dụng chai LPG, chiết nạp lậu…vẫn còn diễn ra phức tạp và chưa có giải pháp căn cơ để xử lý triệt để.
“Vi phạm này đã xuất hiện ở cả ba vùng miền, ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến thị trường và tình hình kinh doanh khí tại nước ta. Mặc dù đã có nhiều đề xuất, giải pháp nhưng vấn đề này vẫn còn nhiều tồn tại. Chúng tôi sẽ hướng đến các quy định chặt chẽ hơn về thị trường khí trong thời gian tới” - ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), cũng chỉ ra nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đơn cử như sử dụng logo của thương hiệu uy tín tùy tiện nhằm gây nhầm lẫn để lôi kéo khách hàng; thu mua vỏ bình của hãng khác rồi thay tên đổi họ, gây nhầm lẫn cho khách hàng khi nhận diện sản phẩm….
“Chúng tôi từng tiếp nhận và xử lý một số vụ việc khiếu nại về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường gas. Theo đó, một công ty kinh doanh gas đã thực hiện hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của đơn vị khác bằng cách gây nghẽn mạng hotline đặt hàng của doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas khác. Cụ thể, DN này đã thuê các đối tượng liên tục gọi vào số đường dây nóng của DN khác để tạo nên tình trạng hotline bận. Vì vậy, người tiêu dùng không thể liên lạc tới số đường dây nóng để đặt mua gas của DN sở hữu số hotline” - ông Tân kể.
Nhiều thủ đoạn tinh vi để sang chiết gas trái phép
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, cũng thông tin hiện các DN phân phối, chiết nạp chưa có quy định rõ ràng trong việc trao đổi trả chai LPG hoặc hợp đồng trao đổi chai không được một số DN thực hiện nghiêm túc. Điều này dẫn đến tình trạng chiếm dụng chai LPG của nhau, khó kiểm soát hoạt động kinh doanh.
“Các đối tượng sang chiết gas trái phép ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Đơn cử như họ tận dụng bãi đỗ xe trống trải cách xa khu dân cư, các khu nhà trọ, bãi đất trống để tiến hành sang chiết gas trực tiếp từ xe bồn chứa LPG vào bình gas loại 12 kg một cách nhanh chóng, tiện lợi thu gọn hiện trường hoặc sang chiết gas mini trái phép. Mặt khác, việc sang chiết được thực hiện lén lút, ngoài giờ, thường xuyên thay đổi địa điểm nên rất khó phát hiện, gây khó khăn trong công tác kiểm tra và xử lý” - ông Minh nói.
Báo cáo của Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam cũng cho biết trước đây lãi ròng từ đơn vị đầu mối đến tổng đại lý khoảng 50 USD/tấn và ít chịu sự cạnh tranh của thị trường. Do vậy, các tổng đại lý sẵn sàng bỏ vốn của mình để đầu tư với niềm tin sẽ nhận được lợi nhuận ổn định cao trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, hiện nay chi phí bán hàng rất cao, lãi gộp ngày càng thu hẹp chỉ còn 15-20 USD/tấn đã dẫn đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Các nhà phân phối sẵn sàng dùng chiêu trò, thủ đoạn để chiếm dụng vỏ bình, cắt tai, mài vỏ, sơn từ thương hiệu này sang thương hiệu khác vô cùng bát nháo, mất kiểm soát. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng và hình ảnh của DN lớn, uy tín.
Thị trường gas tại Việt Nam liên tục đạt mức tăng trưởng cao trong giai đoạn gần đây. Ảnh: T.U
Kiến nghị xử lý mạnh tay
Ông Đào Đình Thiêm, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam, chỉ rõ LPG là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Hiện đã có nhiều văn bản luật cũng như dưới luật nhằm quản lý thị trường gas, tuy nhiên từ văn bản tới thực tế quản lý là cả một khoảng cách rất xa. Mặt khác, sự thay đổi điều chỉnh pháp luật trong quản lý kinh doanh khí trong những năm gần đây đã khiến các DN kinh doanh khí rất bị động và gặp rủi ro.
Trước thực trạng trên, Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam đã đưa ra giải pháp số hóa quản lý và truy xuất nguồn gốc bình LPG bằng số sêri. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng gặp không ít khó khăn do số sêri đục trên tai bình bị mờ do sơn sửa nhiều lần, số sêri trùng nhau; trong trạm chiết không được dùng điện thoại di động, không Wi-Fi và số lượng sản xuất, chiết nạp, phân phối ngày càng lớn.
Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam kiến nghị cần ban hành quy định về xử lý trách nhiệm hình sự một số hành vi vi phạm trong kinh doanh gas. Đồng thời, có chế tài xử phạt nặng để răn đe, hạn chế tái phạm tình trạng chiếm dụng vỏ bình gas, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Giảm thiểu thiệt hại cho công ty chân chính Trước các kiến nghị của DN kinh doanh gas, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh giải pháp thiết lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi LPG. Theo đó, tại sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử có các thông tin về LPG chai như chủ sở hữu, loại chai, số sêri chai, hạn kiểm định trên chai… “Giải pháp này nhằm kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng cháy nổ mất an toàn trong sản xuất, kinh doanh cũng như giảm thiểu thiệt hại cho các DN làm ăn chân chính” - vị đại diện Tổng cục Quản lý thị trường lý giải. |
(PLO)- Phạt tiền gấp hai lần mức quy định trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.