Bộ GTVT vừa có văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng trả lời về việc cử tri bày tỏ lo lắng khi sắp tới đưa vào vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Theo cử tri, nếu không kiểm tra, giám sát và vận hành chặt chẽ, kỹ lưỡng và chính xác thì khi có sự cố từ trên cao khả năng gây ra hậu quả, thiệt hại là rất lớn. Đề nghị Bộ GTVT xem xét, hết sức thận trọng khi đưa vào vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Đảm bảo an toàn mới khai thác
Trả lời về vấn đề trên, Bộ GTVT khẳng định đây là dự án cấp đặc biệt, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới và là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác tại Việt Nam.
Sau thời gian dài chạy thử đến nay dự án vẫn chưa đi vào khai thác thương mại. Ảnh: V.LONG
Với vai trò chủ đầu tư dự án, Bộ GTVT nhận thức rõ trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Trong thời gian triển khai, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có nhiều đoàn thường xuyên, định kỳ kiểm tra dự án.
Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH kiểm tra về công tác an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Bộ TN&MT kiểm tra về tác động môi trường. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu và chất lượng thi công. Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của dự án...
Mặt khác, để đảm bảo tuyệt đối an toàn trước khi bàn giao dự án đưa vào vận hành khai thác thương mại, Bộ GTVT đã thuê tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (tư vấn độc lập của Pháp) để tiến hành đánh giá an toàn từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị và vận hành toàn bộ hệ thống.
“Trong thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, quán triệt các đơn vị tham gia thực hiện dự án và các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT, nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát về mặt an toàn, tiến độ, chất lượng công trình nhằm đảm bảo chất lượng, tuyệt đối an toàn, sớm đưa dự án vào vận hành khai thác…”- Bộ GTVT khẳng định.
Trước đó, trả lời báo chí cuối tháng 4, Thứ trưởng, Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết để đưa dự án vào khai thác thương mại còn nhiều việc phải làm. Trong đó, quan trọng nhất không chỉ khâu xây dựng mà là thủ tục nghiệm thu để đưa vào khai thác.
“Quan điểm là phải thực hiện đẩy nhanh dự án nhưng không thể đưa một dự án chưa đảm bảo an toàn, chưa nghiệm thu vào khai thác thương mại được…”-ông Đông nhấn mạnh.
Tổng thầu chưa có kinh nghiệm về công tác bàn giao
Theo một nguồn tin, thời gian qua tổ chức chứng nhận an toàn độc lập đã theo sát các hoạt động hiện trường để thu thập hồ sơ tài liệu, các chứng chỉ an toàn, thực hiện các thí nghiệm, thử nghiệm an toàn làm cơ sở đánh giá, cấp chứng nhận an toàn.
Tuy nhiên, công tác này hiện đang gặp khó khăn do Tổng thầu (Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc) chưa hoàn thành các công việc còn lại, chưa khắc phục hết các tồn tại.
Đặc biệt là Tổng thầu chưa cung cấp được đầy đủ hồ sơ tài liệu an toàn, chưa thực hiện được một số thử nghiệm quan trọng của đoàn tàu, chưa vận hành thử toàn bộ hệ thống, chưa có đủ hồ sơ hệ thống quản lý an toàn vận hành dẫn đến chưa đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ an toàn hệ thống để cấp chứng nhận an toàn theo quy định.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, một phần do Tổng thầu quá chú trọng vào công tác thi công mà chưa quan tâm thích đáng đến công tác hồ sơ nghiệm thu theo quy định.
Nguyên nhân được cho là do Tổng thầu chưa có kinh nghiệm với hệ thống quy định hiện hành của Việt Nam. "Đặc biệt là chưa có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện hợp đồng EPC dẫn đến tình trạng có hạng mục đã thi công xong nhưng hồ sơ hoàn công chưa hoàn thiện kịp thời nên gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình hoàn thành và ảnh hưởng đến thanh toán giải ngân dự án...", nguồn tin cho biết.
Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435 mm và 12 nhà ga trên cao; có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có 4 toa, tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ. UBND Hà Nội cũng đã công bố mức giá vé bình quân toàn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là trên 10.000 đồng với cự ly 5,3 km. Hà Nội dự kiến mức chi hỗ trợ cho hành khách sử dụng tàu điện Cát Linh - Hà Đông gần 14,5 tỉ đồng/năm. |