Thuê xe đạp công cộng ở TP.HCM với giá 5.000 đồng

Sáng 16-12, Sở GTVT TP.HCM và Công ty CP Tập đoàn Trí Nam đã chính thức khai trương thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng ở TP.HCM. Ngày đầu khai trương, nhiều bạn trẻ đã hào hứng trải nghiệm dịch vụ này.

Dễ dàng sử dụng dịch vụ

Bạn Nguyễn Thị Ngọc (tham gia trải nghiệm đi xe đạp công cộng tại buổi khai trương) cho biết: “Xe đạp không chỉ là phương tiện đi lại mà chúng ta còn có thể sử dụng để rèn luyện sức khỏe. Ngọc sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ này trong thời gian tới”.

Công ty CP Tập đoàn Trí Nam cho biết người dùng có thể tải app TNGO và liên kết với các tài khoản là có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng.

Khách hàng có thể thanh toán dịch vụ thuê xe qua các kênh như tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, nộp tiền trực tiếp. Giá vé là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút và sẽ miễn phí trong 15 phút sử dụng đầu tiên.

Công ty đã triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại 43 vị trí với 500 xe. Các xe đạp công cộng được đặt trên vỉa hè ở địa bàn quận 1 trong thời gian 12 tháng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Trí Nam, cho biết đi xe đạp công cộng rất thân thiện với môi trường, giúp người dân nâng cao sức khỏe. Đặc biệt giúp cho TP phát triển du lịch và tạo thiện cảm cho khách du lịch nước ngoài khi đến với TP, mà chi phí đi lại vô cùng tiết kiệm.

Chỉ cần tải app TNGO là người dân có thể tham gia dịch vụ xe đạp công cộng ở trung tâm TP.HCM. Ảnh: ĐT

Theo ông Dân, trên xe cũng có định vị GPS nên có thể dễ dàng theo dõi, quản lý. Người dùng có thể dễ dàng thuê xe và thanh toán qua app, khi trả xe chỉ cần khóa xe lại là dịch vụ sẽ ngừng cung cấp.

“Tôi kỳ vọng dự án này phổ cập toàn TP và tương lai xa là toàn quốc. Tôi cũng kỳ vọng từ một app, người dân có thể sử dụng nhiều dịch vụ trên toàn TP. Sau này người dân có thể đi metro, xe buýt và tiếp tục sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng tới nhiều điểm đến khác” - ông Dân nhấn mạnh.

Ông Dân cho biết thêm: Ngay trong ba ngày thử nghiệm đã có 841 tài khoản mới với 320 chuyến di chuyển, tổng 817 km. Có một vị khách chạy xe đạp hơn 15 km và có chuyến đi lâu nhất là hơn 400 phút.

Xe đạp công cộng trở thành phương tiện kết nối

Ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, cho rằng việc phát triển xe đạp công cộng sẽ hỗ trợ kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng. Đây là một trong những nhiệm vụ phù hợp với định hướng xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

Xe đạp công cộng theo hình thức xã hội hóa đã tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông cho người dân đi lại và du khách tham quan khu vực trung tâm TP.

Mô hình này sẽ giúp tăng cường hiệu quả việc sử dụng xe buýt và các phương tiện công cộng trong tương lai (MRT, BRT, vận tải hành khách công cộng đường thủy) theo hướng văn minh, hiện đại. Mô hình này cũng giúp hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nhận định thời gian qua TP.HCM là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19. Trong đó, ngành giao thông cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, đến nay TP xuất hiện loại hình phương tiện giao thông mới giúp người dân có thêm phương thức lựa chọn di chuyển.

“Xe đạp là một phương tiện công cộng, quản lý bằng công nghệ hiện đại nên rất phù hợp với TP của chúng ta. TP.HCM đã xác định phải phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc giao thông, đạt mục tiêu TP văn minh, hiện đại” - ông Lâm cho hay.

Theo ông Lâm, thời gian tới TP sẽ có metro, xe buýt và trước tết sẽ khai trương loại hình xe buýt điện. Có thể thấy rằng TP đang từng bước tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.

“Tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của Tập đoàn Trí Nam trong việc bỏ chi phí đầu tư. Đây là mô hình thí điểm và TP.HCM sẽ tính toán triển khai thêm một số khu vực. Đồng thời, TP sẽ tính toán đến việc có làn đường dành riêng cho xe đạp, tiến tới hạn chế xe công cộng, xe cá nhân” - ông Lâm nói.

Ông Lâm cũng cho rằng thời điểm khai trương xe đạp công cộng rất phù hợp, bởi đường bay quốc tế đã mở lại và du lịch cũng đã khởi động nên xe đạp công cộng sẽ là phương tiện đi lại của khách du lịch trong thời gian tới” - ông Lâm nhấn mạnh.•

Xây dựng mạng lưới giao thông công cộng

Theo quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020: Dự kiến TP sẽ xây dựng tám tuyến đường sắt đô thị (MRT) xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP.

Bên cạnh đó, TP cũng có ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (tramway hoặc monorail) và sáu tuyến xe buýt nhanh (BRT). Đồng thời, TP sẽ xây dựng hệ thống giao thông công cộng khác như xe buýt, taxi, vận tải đường thủy, dịch vụ xe đạp (mô tô điện) công cộng... Tất cả tạo thành hệ thống mạng lưới vận tải hành khách công cộng hoàn chỉnh và liên thông, đáp ứng nhu cầu giao thông đô thị.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm