Thuốc đông y nhiễm thủy ngân, Arsenic… nguy hiểm

BS Vy dẫn chứng, một nữ bệnh nhân 65 tuổi đã uống An Cung Ngưu Hoàng Hoàn (người nhà cho biết đây là thuốc của Trung Quốc) để điều trị suy giãn tĩnh mạch hai chân. Cách nhập viện hai tháng, bệnh nhân uống bốn viên An Cung Ngưu Hoàng Hoàn, mỗi viên cách nhau một tuần. Tuy nhiên, sau khi uống hai viên, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng: Mệt, lở miệng, nổi mụn nhọt quanh miệng, hai chân tê nhiều hơn và yếu dần.

Bệnh nhân tiếp tục uống và các triệu chứng trên diễn tiến nặng hơn, xuất hiện thêm ho, đau ngực khi ho, chán ăn, sụt đến 3 kg/tháng, chân bệnh nhân yếu nhiều hơn, không tự đứng dậy và không đi được nên nhập viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhân được theo dõi điều trị nội khoa nhưng tình trạng bệnh đáp ứng kém, xét nghiệm máu bệnh nhân cho thấy lượng Arsenic (AS) là 0,13 mg/l và thủy ngân (Hg) thì âm tính. Diễn tiến bệnh nhân trở nặng và tử vong do tình trạng nhịp tim chậm, dẫn đến suy tâm thu trong ngộ độc AS.

Trước đây, thuốc An Cung Ngưu Hoàng Hoàn đã được Viện kiểm nghiệm Trung Ương làm xét nghiệm phân tích có hàm lượng Hg là 33,2 mg/g và AS là 38,9 mg/g, và Bộ Y tế đã có lần cho thu hồi toàn bộ lô thuốc An Cung Ngưu Hoàng Hoàn vì phát hiện này.

Ngoài ra, một nữ bệnh nhân khác 26 tuổi nhập vào BV Chợ Rẫy trong tình trạng lupus ban đỏ biến chứng nặng và đồng thời nghi ngờ nhiễm độc kim lọai nặng do sử dụng thuốc đông y.

Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết mình có tiền căn bị lupus ban đỏ, nhưng tự ý kết hợp sử dụng thuốc đông y gia truyền điều trị. Bệnh nhân uống tổng cộng 120 viên thuốc đông y mỗi ngày với sáu loại. Sau uống hai tuần, bệnh nhân xuất hiện tiểu nhiều lần, tiểu rát, sau đó tiến triển dần thêm các triệu chứng như chán ăn, yếu dần hai chân và đến yếu liệt, rụng tóc, kém tập trung, thay đổi trạng thái tâm lý và loét vùng cùng cụt.

Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân biểu hiện viêm cơ tim, tràn dịch màng ngoài tim lượng ít. Tuần thứ 11 sau nhập viện, kết quả xét nghiệm AS và Hg máu bệnh nhân đều cho âm tính. Nhưng đến tuần thứ 13 xét nghiệm AS trong tóc là 0,41ug/g và Hg trong tóc là 0,57ug/g.

Kiểm nghiệm tất cả sáu mẫu thuốc đông y mà bệnh nhân uống đều có chứa AS và Hg. Mặc dù tình trạng bệnh nhân được cải thiện sau khi điều trị hỗ trợ và ngưng dùng thuốc đông y, tuy nhiên, tình trạng liệt chân của bệnh nhân không cải thiện sau khi xuất viện.

BS Vy khuyến cáo, dân gian thường hay quan niệm thuốc đông y (sử dụng động thực vật, khoáng chất) là vô hại, uống vào như uống nước lã. Tuy nhiên, một số vị thuốc có nguồn gốc từ khoáng chất sẽ có chứa các kim loại nặng như Hg và AS, chì…

Vì đặc điểm của thuốc đông y là sử dụng lâu dài, được làm bằng tay nên nồng độ trong tất cả các viên thuốc không giống nhau. Tác dụng của thuốc cũng tùy vào cơ địa của bệnh nhân nên có thể gây tình trạng ngộ độc cấp tính có thể tử vong hay nhiễm độc mạn tính gây các bệnh như suy thận mạn do nhiễm độc thủy ngân, ung thư da do nhiễm độc AS chẳng hạn. Do vậy, cần cẩn trọng khi sử dụng và không nên tùy tiện sử dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới