Pháp Luật TP.HCM xin trích dẫn một vài ý kiến liên quan vấn đề trên:
Thuốc lá thế hệ mới: không hẳn vô hại nhưng hàm lượng độc chất có giảm thiểu
Khói thuốc lá là tác nhân gây nên bệnh ung thư, tim mạch và các vấn đề sức khoẻ khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Trong đó, chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính của ung thư bắt nguồn từ sự phơi nhiễm với các chất hóa học có hại trong cơ thể. Nghĩa là, nếu con người giảm thiểu tác động của việc phơi nhiễm các chất độc sinh ra từ khói thuốc lá đốt cháy thì đồng nghĩa với việc giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn.
GS. Mikheil Tsverava, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu Tim mạch ở Georgia, Mỹ cho biết, các chất có trong khói của thuốc lá điếu đốt cháy làm tăng nguy cơ phát triển chứng xơ vữa động mạch, khối u và các bệnh lý khác. Ông phân tích, những chất hóa học này góp phần vào sự phát triển của các khối u ác tính và của bệnh lý xơ vữa động mạch.
Nhiều chuyên gia của các tổ chức y tế quốc tế cho rằng, đã có nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử) mặc dù không hoàn toàn vô hại, nhưng giảm thiểu đáng kể hàm lượng độc chất so với thuốc lá điếu đốt cháy. Từ đó giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn bệnh ung thư, hạn chế sự phát triển của khối u ác tính. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, mục tiêu cải thiện sức khoẻ cộng đồng của thuốc lá thế hệ mới liên quan tới vấn đề về khói thuốc lá chỉ xảy ra với điều kiện thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và các sản phẩm không khói khác được quản lý phù hợp để những người đang hút thuốc lá điếu đốt cháy chuyển đổi.
David Khayat, nguyên Viện trưởng Viện Ung bướu quốc gia Pháp chia sẻ: “cần cung cấp thông tin cho những người hút thuốc về phát kiến đổi mới giảm thiểu tác hại”
David Khayat, nguyên Viện trưởng Viện Ung bướu quốc gia Pháp, chia sẻ rằng trong một thế giới lý tưởng, tất cả người dùng nên cai thuốc lá điếu đốt cháy hoàn toàn để giảm thiểu tác hại. Tuy nhiên, điều này là không thể. Vì thế, cần phải nâng cao nhận thức cộng đồng, cung cấp thông tin cho những người hút thuốc về những phát kiến đổi mới nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của họ đến các thiết bị này. "Điều đó sẽ làm giảm nguy cơ đến từ việc hút thuốc lá điếu đốt cháy xuống mức tối thiểu", ông nhấn mạnh.
GS. Mikheil Tsverava cũng nhận định các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ít có hại hơn vì không chứa các hợp chất tạo ra do quá trình đốt cháy.
Tại Việt Nam, đến nay chưa thực hiện bất kỳ nghiên cứu khoa học chính thống nào về khả năng giảm thiểu tác hại của những sản phẩm này. Một số chuyên gia y tế cho rằng, tác dụng lâu dài có làm giảm tần suất COPD hay ung thư phổi cần có theo dõi dọc một thời gian dài mới chứng minh được. Thế nhưng, về mặt logic, với nồng độ những chất gây COPD hay ung thư trong thuốc lá làm nóng thấp hơn nhiều so với thuốc lá điếu đốt cháy thì khả năng gây bệnh cũng sẽ giảm theo. Đây cũng là nhận định của PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí.
Quản lý sớm để tránh nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Trong năm 2020, đã có nhiều hội thảo khoa học diễn ra xoay quanh vấn đề giảm thiểu tác hại của thuốc lá thế hệ mới; các biện pháp quản lý phù hợp cho thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu đang ngày càng gia tăng hiện nay.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng cần được quản lý sớm để tránh nguy cơ tiềm ẩn
Đến nay, Chính phủ cũng đã có công văn chính thức chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp cùng các cơ quan ban ngành để sớm đề ra phương pháp quản lý. Theo ý kiến một số bộ ngành, cần xem xét thuốc lá thế hệ mới có theo định nghĩa của luật phòng chống tác hại thuốc lá hay không.
Theo ghi nhận, hiện thuốc lá làm nóng đã được tổ chức Hải quan quốc tế (WCO) phân loại theo mã sản phẩm “thuốc lá khác”. Còn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá nên cần chịu sự điều chỉnh của FCTC (Công ước khung về kiểm soát thuốc lá). Ngoài ra, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã công nhận sản phẩm thuốc lá làm nóng (chỉ đối với sản phẩm đã đệ trình sở cứ khoa học lên FDA và được thẩm định) giảm thiểu sự phơi nhiễm của các chất có hại hoặc có tiềm năng gây hại lên cơ thể so với thuốc lá điếu đốt cháy.
Tại Việt Nam, thuốc lá làm nóng do có chứa nguyên liệu thuốc lá nên đang nằm trong định nghĩa của Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Do đó, việc quản lý sớm thuốc lá làm nóng là hoàn toàn phù hợp trên cả góc độ luật trong nước và quốc tế cũng như khía cạnh khoa học.