Thượng đỉnh ASEAN sẽ dịu giọng về biển Đông

Hãng tin Reuters trích dẫn bản dự thảo thông cáo của chủ tịch hội nghị cho thấy các lãnh đạo của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về “các hoạt động leo thang” ở biển Đông, đồng thời nhấn mạnh việc giải quyết các tranh chấp hàng hải bằng biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, bản dự thảo cho thấy các nhà lãnh đạo sẽ sử dụng cách diễn đạt “nhẹ nhàng” về những căng thẳng đang leo thang ở khu vực này.

Dự thảo tuyên bố sẽ không đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc về biển Đông hồi tháng 7-2016, theo hãng tin Reuters. Phán quyết này khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông là “không có cơ sở pháp lý” và các hoạt động cải tạo của nước này là vi phạm luật biển. Trung Quốc từ khi có phán quyết đã từ chối công nhận, trong khi với Philippines, Tổng thống Duterte sau khi đắc cử đã tập trung vào việc thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh và tạm thời gác lại vấn đề này.

Quyền Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo hôm 25-4 cho biết vấn đề biển Đông sẽ được mang ra bàn luận tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN cuối tuần này. Ảnh: EPA

Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario hôm 25-4 đã kêu gọi các nước đưa phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực vào nội dung cuộc hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30. “Phán quyết đã trở thành một phần không thể tách rời của hệ thống luật pháp quốc tế. Phán quyết của tòa phải là một phần không thể tách rời của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) đang được soạn thảo” - ông Del Rosario phát biểu tại một diễn đàn hôm 25-4 trước thềm hội nghị.

Theo tờ Manila Bulletin, khác với tuyên bố tại Lào năm 2016, cuộc họp thượng đỉnh ASEAN cuối tuần này tại thủ đô Manila cũng sẽ không nhắc đến những quan ngại về việc Trung Quốc liên tục có các hoạt động cải tạo phi pháp trên các đảo và quần đảo ở biển Đông, mà thay vào đó nhấn mạnh việc hoàn tất bộ khung của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Khối ASEAN đã bày tỏ mong muốn đề ra bộ khung cho COC trong năm nay, trong khi đó Trung Quốc cũng đã đồng ý sẽ tiến hành hội nghị với các quan chức cao cấp ASEAN vào tháng 5 tới để thảo luận vấn đề này.

Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức của Ban Thư ký ASEAN cho biết bản dự thảo tuyên bố của cuộc họp vẫn đang được xem xét và “nó vẫn có thể thay đổi” trước khi được công bố chính thức vào cuối hội nghị thượng đỉnh tại Manila cuối tuần này.

Ngay trước lúc thượng đỉnh ASEAN diễn ra, tàu lặn Giao Long của Trung Quốc hôm 25-4 đã di chuyển đến địa điểm khảo sát trên biển Đông, bắt đầu chuyến thám hiểm lần thứ 38 của mình. Trung Quốc hiện không công bố chi tiết về vị trí của con tàu này trên biển Đông.

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, sau khi được tàu chuyên chở Hướng Dương Hồng 09 đưa đến địa điểm định sẵn, tàu lặn Giao Long dự kiến bắt đầu tiến hành hoạt động thám hiểm. Cuộc thám hiểm sẽ diễn ra nếu thời tiết thuận lợi, ông Wu Changbin - tổng chỉ huy giai đoạn hai của cuộc thám hiểm đại dương Trung Quốc cho biết. Con tàu dự kiến sẽ thăm dò quặng sulfua polymetallic và khảo sát địa chất và sinh học ở khu vực này.

Theo kế hoạch, tàu Giao Long sẽ hoạt động đến ngày 13-5. Con tàu này hồi năm 2012 từng lặn đến độ sâu hơn 7.000 m ở vực Mariana, vực sâu nhất đại dương ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

____________________________

Chúng tôi hài lòng với tiến trình hoàn thành bộ khung của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng COC vào tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc.

Reuters dẫn lại nội dung dự thảo tuyên bố chung thượng đỉnh ASEAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm