Phát biểu tại Philippines ngày 2-10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông đã nhận được sự đồng cảm và ủng hộ của cả Nga và Trung Quốc khi ông phàn nàn về Mỹ với hai nước này, theo hãng tin Reuters (Mỹ).
Theo ông Duterte, trong một cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng trước tại Lào, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đồng cảm và đồng ý với ông khi ông phàn nàn Mỹ.
“Bây giờ tôi tiết lộ với quý vị, tôi gặp Medvedev. Tôi kể với ông ấy về tình hình: Họ (ám chỉ Mỹ) đưa tôi vào cảnh khó khăn, họ không tôn trọng tôi, họ không biết xấu hổ. Ông ấy đáp: Đó là bản chất thật của người Mỹ. Rồi ông ấy nói: "Chúng tôi sẽ giúp ông"".
Ông Duterte không nói chi tiết những phàn nàn của mình.
Ngoài Nga, ông Duterte cho biết ông còn phàn nàn về Mỹ với Trung Quốc. Và Trung Quốc nói Philippines sẽ không có lợi khi đứng về phía Mỹ, theo ông Duterte. Không rõ đây là lời nói của quan chức nào của Trung Quốc và nói khi nào.
Ông Duterte từng đề cập trong nhiều phát biểu gần đây là có kế hoạch mở các liên minh mới với Nga và Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, một phần trong quá trình theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập của ông Duterte.
Một số nguồn tin ngoại giao và thương mại xác nhận với Reuters rằng sẽ có một đoàn doanh nghiệp Philippines tháp tùng ông Duterte trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 19 đến 21-10 tới.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (giữa), Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (trái) và Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) trong bữa tiệc tối dịp hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào ngày 7-9. Ảnh: AFP
Reuters nhận định đây lại là một động thái nữa kiểm tra tính bền vững của liên minh Mỹ-Phi, vốn được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đánh giá vài ngày trước là cứng như “được bọc sắt”.
Từ khi nhậm chức ông Duterte đã có chủ trương đưa Philippines độc lập hơn với Mỹ, tuy nhiên bức xúc của ông Duterte với Mỹ tăng cao sau thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ nêu lo ngại về cuộc truy quét tội phạm ma túy của ông Duterte trong cuộc gặp tại Lào.
Tuy nhiên, cuộc gặp đã bị phía Mỹ hủy sau khi ông Duterte gọi ông Obama là “đồ con hoang”, cảnh cáo ông Obama tốt hơn không nêu vấn đề này ra nếu không muốn bị chửi thẳng mặt.
Tuần trước, ông Duterte tuyên bố cuộc tập trận chung với Mỹ trong tháng 10 này sẽ là cuộc tập trận cuối cùng giữa hai nước.
Mới đây ông Duterte nói ông sẽ xem lại Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng, cho rằng thỏa thuận này có thể không có giá trị pháp lý vì không có chữ ký của vị tổng thống nào. Thỏa thuận này được ký giữa bộ trưởng Quốc phòng Philippines khi đó và đại sứ Mỹ tại Philippines chứ không phải giữa hai tổng thống hai nước.
Thỏa thuận này được hai bên ký ít ngày trước khi Tổng thống Obama thăm Philippines năm 2014, cho phép lính Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines, đồng thời cho phép Mỹ xây dựng các trung tâm phục vụ an ninh hàng hải và các chiến dịch cứu trợ nhân đạo và thảm họa.
Ngày 25-9 vừa rồi, hai máy bay vận tải C-130 và 100 quân nhân Mỹ đã đến một căn cứ ở miền Trung Philippines để tập trận theo tinh thần thỏa thuận này.
Theo đánh giá của các nhà phân tích thì thỏa thuận này là nhằm ngăn cản Trung Quốc bớt hung hăng ở biển Đông. Nếu thỏa thuận này bị hủy bỏ thì đây sẽ là một đòn mạnh vào nỗ lực của Mỹ nhằm tăng ảnh hưởng ở châu Á và đối phó với một Trung Quốc đang lớn mạnh nhanh.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook tự tin Mỹ và Phi có một lịch sử dài hợp tác về các vấn đề an ninh, cho biết cuộc đối thoại giữa hai bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Phi tại Hawaii cuối tuần rồi rất tích cực.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tôn trọng các cam kết trong liên minh và chúng tôi hy vọng phía Philippines cũng sẽ làm thế. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt với chính phủ Philippines để giải quyết các vấn đề họ gặp phải” - theo ông Cook.
Philippines là đồng minh quân sự lớn nhất của Mỹ ở Đông Nam Á. Những lời của ông Duterte đến trong thời điểm quan hệ quốc phòng của Mỹ với Thái Lan -một đồng minh truyền thống nữa của Mỹ bị thu giảm quy mô sau cuộc đảo chính năm 2014 ở Thái Lan.