Từ Bắc Kinh (Trung Quốc) trưa 29-5, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol lên máy bay sang Mỹ, theo Yonhap. Nếu thông tin này chính xác, ông Kim Yong-chol là quan chức Triều Tiên cấp cao nhất sang Mỹ kể từ khi Phó nguyên soái Jo Myong Rok sang Mỹ gặp Tổng thống Bill Clinton năm 2000.
Cánh tay phải ông Kim Jong-un sang Mỹ
Từng là một lãnh đạo tình báo quân đội, ông Kim thời gian qua là một nhân vật quan trọng trong việc làm ấm lên quan hệ liên Triều cũng như quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ. Ông Kim tháp tùng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cả hai lần lãnh đạo Kim gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Bàn Môn Điếm, cũng như tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Bình Nhưỡng đầu tháng này. Vì bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ và Hàn Quốc liên quan các chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, ông Kim bị cấm sang các nước này. Việc ông Kim sang Mỹ cho thấy Mỹ đã thống nhất miễn trừng phạt ông này.
Diễn biến ông Kim sang Mỹ cũng đúng với dự đoán trước đó của nhiều nhà quan sát rằng ông Kim sẽ có cuộc gặp tham vấn sau cùng với phía Mỹ sau các cuộc gặp, làm việc giữa các phái đoàn Mỹ, Triều Tiên. Và nếu theo dự đoán này thì người ông Kim sẽ gặp là Ngoại trưởng Pompeo.
Tối trước đó, cũng từ Bắc Kinh, một phái đoàn Triều Tiên do ông Kim Chang-son, quan chức cấp cao trong Ủy ban Các vấn đề nhà nước Triều Tiên, Chánh Văn phòng nội các Triều Tiên, dẫn đầu bay sang Singapore đối thoại với phái đoàn Mỹ. Phái đoàn Mỹ do Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin dẫn đầu, bay sang Singapore từ sân bay căn cứ không quân Yokota của Mỹ ở Nhật. Cuộc gặp diễn ra ngày 29-5. Yonhap dẫn nguồn tin ngoại giao Singapore cho biết hai phái đoàn bàn về ngày, địa điểm cụ thể gặp thượng đỉnh, cũng như thủ tục ngoại giao và an ninh.
Cuộc gặp ở Singapore diễn ra song song với một cuộc tham vấn nữa cũng giữa hai phái đoàn Mỹ và Triều Tiên tại làng Bàn Môn Điếm ở biên giới liên Triều. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia cuộc gặp tại làng Bàn Môn Điếm là cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc và hiện là đại sứ Mỹ tại Philippines - ông Sung Kim. Dẫn đầu phái đoàn phía Triều Tiên là Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui. Nội dung gặp nhau bàn về các phương pháp và lịch trình giải trừ hạt nhân cũng như đảm bảo an ninh cho Triều Tiên.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại lễ bế mạc Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang (Hàn Quốc) ngày 25-2. Ảnh: REUTERS
Mỹ ngày 28-5 quyết định hoãn vô thời hạn gói trừng phạt mới với Triều Tiên nhằm tránh tổn hại đến đối thoại chuẩn bị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Wall Street Journal cho biết. Trước lệnh hoãn này, Bộ Tài chính Mỹ đã sẵn sàng gói trừng phạt nhắm vào hơn 30 mục tiêu có liên quan đến Triều Tiên, trong đó có cả nhiều công ty Nga và Trung Quốc. Nếu không bị hoãn, gói trừng phạt này được thông báo vào ngày 29-5.
Liệu có vội vàng?
Các diễn biến trên là tín hiệu cho thấy cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều khả năng lớn sẽ diễn ra. Điều đang được các nhà quan sát quan tâm nhiều nhất là quan điểm hai bên về giải trừ hạt nhân. Cuối tuần rồi, Tổng thống Moon đã đề nghị Triều Tiên và Mỹ đối thoại thêm để thỏa hiệp chuyện giải trừ hạt nhân.
Trong phái đoàn Mỹ gặp Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm, ngoài Đại sứ Sung Kim còn có quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Randall Schriver, chuyên gia Triều Tiên Allison Hooker tại Hội đồng An ninh Quốc gia. Theo cựu phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khu vực Đông Á Abraham Denmark, việc gửi một phái đoàn nhiều kinh nghiệm cho thấy Mỹ nghiêm túc về khả năng đạt thỏa thuận với Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Denmark cũng lo ngại với thực tế chỉ còn hai tuần nữa đến ngày gặp thượng đỉnh, hai bên không còn đủ thời gian thống nhất quan điểm.
Dù Mỹ và Triều Tiên đang có hàng loạt hoạt động hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh, ông Rodger Baker, Phó Chủ tịch phân tích chiến lược tại Công ty tình báo địa chính trị Stratfor (Mỹ), vẫn nhận định hai bên thiếu chuẩn bị. Theo ông, quan hệ Mỹ-Triều quá phức tạp, không thể giải quyết chỉ với việc hai ông Trump và Kim ngồi xuống với nhau, chưa kể việc thiếu chuẩn bị sẽ khiến cuộc gặp thượng đỉnh đi vào bế tắc hoặc đổ vỡ. Có quá ít lý do để Mỹ có thể tin Triều Tiên thật sự muốn từ bỏ hạt nhân khi nước này chi quá nhiều tiền và tâm huyết chính trị vào để phát triển. Triều Tiên cũng không có nhiều lý do để tin tưởng vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ.
Theo ông Baker, bản thân cuộc gặp thượng đỉnh không phải là giải pháp mà chỉ là một sự kiện bắt đầu sự gắn kết ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên. Một cuộc gặp thượng đỉnh vội vàng rồi đi đến thất bại chẳng những không thay đổi được tình trạng hạt nhân Triều Tiên mà còn làm Mỹ bi quan hơn về khả năng tìm kiếm thỏa thuận giải trừ hạt nhân Triều Tiên thông qua ngoại giao. Khi đó Mỹ khả năng lớn sẽ thiên về phương án dùng quân sự với Triều Tiên. Vì thế, theo ông, hai bên cần có thêm thời gian và thêm nhiều hoạt động đặt nền tảng nữa trước khi tổ chức gặp thượng đỉnh.
Điện đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày 28-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa sẽ gặp ông Abe trước khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra. Hai ông Trump và Abe cùng chia sẻ tính cấp thiết phải đạt được thỏa thuận giải trừ hoàn toàn và vĩnh viễn vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học cũng như chương trình tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Báo Rodong Sinmun (Triều Tiên) ngày 29-5 cho biết Triều Tiên yêu cầu Mỹ ngưng các cuộc tập trận chung trong tương lai với Hàn Quốc nếu thật sự muốn đối thoại với Triều Tiên. Phần mình, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói chưa có kế hoạch thay đổi lịch tập trận chung với Mỹ. |