Thương hiệu Việt tự tin vươn biển lớn

(PLO)- Đặt quyết tâm chinh phục thị trường quốc tế, các doanh nghiệp Việt thu được nhiều thành quả đáng tự hào.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều sản phẩm Việt Nam (VN) ngày càng có vị thế tốt trong tâm trí người tiêu dùng nước ngoài, bởi các sản phẩm này đã chinh phục những thị trường khó tính bằng chất lượng tốt, cách làm mới. Điều này cho thấy doanh nghiệp (DN) Việt đang hoàn toàn tự tin khi vươn ra biển lớn.

Nhiều sản phẩm trái cây Việt Nam đã và đang chinh phục được những thị trường khó tính. Ảnh: Q.HUY

Nhiều sản phẩm trái cây Việt Nam đã và đang chinh phục được những thị trường khó tính.
Ảnh: Q.HUY

Tem chỉ dẫn địa lý, các logo nhãn mác là những tiêu chí cần để sản phẩm đứng vững tại thị trường quốc tế. Ảnh: Q.HUY

Tem chỉ dẫn địa lý, các logo nhãn mác là những tiêu chí cần để sản phẩm đứng vững tại thị trường quốc tế. Ảnh: Q.HUY

Nỗ lực và thành quả

Sau sáu năm gầy dựng vùng trồng cà phê Arabica tại Sơn La, Công ty Phúc Sinh đã chứng kiến quả ngọt khi sản phẩm được tiêu thụ hết tại các thị trường khó tính. Thế nhưng, điều quan trọng hơn, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh, cảm thấy hạnh phúc khi giúp nông dân tại đây sống và làm giàu được bằng nghề trồng cà phê.

“Tôi đã từng nhận lời khuyên đừng kinh doanh xuất khẩu cà phê Arabica vì không thể cạnh tranh được với các tập đoàn nước ngoài” - ông Thông chia sẻ về thời điểm khởi đầu xây dựng nhà máy sản xuất cà phê tại vùng Sơn La.

Theo ông Sinh, sự ngăn cản này cũng hợp lý vì trước đó nhiều công ty VN từng sản xuất nhưng không thành công. “Thế nhưng, tôi quyết tâm làm khi nhận thấy khu vực Sơn La có vùng trồng cà phê Arabica có thể cho ra chất lượng sản phẩm tốt. Nông dân ở đây với hàng chục năm sống bằng nghề này vẫn vật lộn với khó khăn tiêu thụ” - ông Thông kể.

Ông Thông nhận thấy cần xây dựng thương hiệu để giải quyết các bài toán khó khăn cho vùng trồng này với cách làm khác biệt. Ông xây dựng thương hiệu vùng trồng VN tương tự thương hiệu cà phê nổi tiếng tại Colombia bằng cách mua máy móc, sử dụng quy trình trồng trọt, thuê kỹ sư từ Colombia sang để ứng dụng tại đây.

Cách này giống như việc đứng trên vai người khổng lồ nhưng hiệu quả đem lại rất lớn. Khách hàng nước ngoài ngay lập tức ấn tượng với sản phẩm vì tính đồng nhất với thương hiệu cà phê Colombia. Hàng sản xuất đến đâu bán hết đến đó với giá ngang ngửa với các thương hiệu cà phê ngoại. “Nhờ đó, người nông dân tại đây không còn lo bị ép giá như trước” - ông Thông chia sẻ.

Nhiều sản phẩm thương hiệu Việt Nam đã chinh phục những thị trường khó tính bằng chất lượng tốt, cách làm mới.

Tự tin gọi vốn quốc tế

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN (Mỹ) mới đây, bà Lê Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành VinFast, cho biết diễn biến giá cổ phiếu VinFast tăng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Mỹ. Điều này một mặt chứng minh tính hấp dẫn và năng lực của công ty, mặt khác giúp công ty dễ dàng huy động nhiều tiền hơn từ giới đầu tư quốc tế.

“Mỹ là một thị trường rất khó tính, rất thách thức. Nếu chúng tôi có thể thành công ở đó thì chúng tôi gần như có thể xây dựng thương hiệu của mình và quảng bá nó ở bất cứ đâu. Chúng tôi sẽ sớm đưa sản phẩm hiện diện tại châu Âu, châu Á và khu vực Trung Đông” - bà Thủy khẳng định.

Hãng tin CNN cũng cho biết VinFast hiện là một trong những công ty dẫn đầu xu hướng và cổ phiếu được theo dõi nhiều nhất trên Stocktwits - mạng xã hội dành cho các nhà đầu tư.

TS Majo George, ĐH RMIT VN, cho biết IPO ở nước ngoài có thể được coi là một trong những bước đi hàng đầu để tăng vốn cho công ty. Để IPO thành công cần phụ thuộc vào góc nhìn của nhà đầu tư. Xác suất niêm yết và thành công của các đợt IPO có liên quan cùng chiều đến tiềm năng tăng trưởng của công ty.

“Tuy nhiên, dũng cảm ra nước ngoài với IPO là một trong những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự tự tin và tầm nhìn của bất kỳ công ty nào. Quyết định IPO ở nước ngoài sẽ mở ra cánh cửa để thu hút số lượng vốn rất lớn từ nước ngoài. Từ đó giúp ích cho sự phát triển và tăng trưởng của công ty để đa dạng hóa và đầu tư vào các thị trường mới” - TS Majo George đánh giá.

Sầu riêng Việt cạnh tranh
khốc liệt tại Trung Quốc

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, cho biết: Lũy kế bảy tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt 1,1 tỉ USD, hầu hết sang thị trường Trung Quốc. Sự tăng trưởng thần tốc này là do sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo nghị định thư ký kết vào tháng 7-2022.

Tuy nhiên, tại thị trường rộng lớn này, người tiêu dùng chủ yếu biết đến sầu riêng Thái Lan và Malaysia nhờ cách xây dựng quảng bá thương hiệu. Sầu riêng VN có giá trị kinh tế cao và chất lượng ngon không thua kém nhưng chưa có thương hiệu.

Do vậy, sầu riêng VN muốn thắng trên thị trường Trung Quốc thì phải có thương hiệu. Đồng thời, tiếp tục cải thiện trong quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã, giữ được sản lượng ổn định nhằm xuất khẩu quanh năm.

Cạnh tranh sòng phẳng

Từ tháng 9-2020, Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo vào châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do VN - Liên minh châu Âu (EVFTA). Trong hai năm, Tập đoàn Lộc Trời đã bán hơn 80.000 tấn gạo các loại vào thị trường này. Đến tháng 9-2022, Tập đoàn Lộc Trời tự tin bước vào “sân chơi quốc tế” bằng việc bán gạo mang thương hiệu riêng của tập đoàn là “Cơm ViệtNam Rice” vào Carrefour và Leclerc (hai hệ thống lớn với gần 800 đại siêu thị và hơn 3.000 siêu thị cùng chuỗi cửa hàng tiện tích trên toàn nước Pháp).

Năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục đưa vào EU các sản phẩm mới dưới thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” và vào các thị trường mới như Đức, Áo.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ: Để sản phẩm thương hiệu Việt tới tận tay người tiêu dùng quốc tế thì chất lượng phải đi đầu. Các quy trình canh tác phải đáp ứng được tiêu chí chất lượng của các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc...

Lộc Trời là đơn vị duy nhất trên thế giới triển khai canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform) đạt kết quả 100 điểm hoàn hảo trong ba năm liên tục (2020-2022).

“Vua xuất khẩu trái cây” - ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T, kể: “Năm 2017, lần đầu Vina T&T Group đưa trái dừa Bến Tre vào thị trường Mỹ thì bị nhiều đối tác chê không ngon như dừa Thái Lan. Tôi thấy làm lạ vì dừa Bến Tre ngọt, thanh không thua kém. Hóa ra trước đó, do không cạnh tranh giá được với Thái Lan nên một số DN Việt mang trái dừa kém chất lượng, bán giá rẻ hơn”.

DN quyết lấy lại hình ảnh dừa Bến Tre, chào hàng với những trái dừa chất lượng tốt nhất, hơn hẳn đối thủ. Hiện nay, dừa tươi Bến Tre đã cưa đôi thị phần với dừa Thái Lan tại thị trường Mỹ.

“Ngoài chất lượng ổn định thì nông sản Việt cần phải đầu tư công nghệ bảo quản; đáp ứng các chứng nhận GlobalG.A.P., tem chỉ dẫn địa lý, các logo nhãn mác đầy đủ mới đứng vững tại thị trường quốc tế” - ông Tùng lưu ý.•

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế:

Nắm thông lệ quốc tế để thích ứng môi trường toàn cầu

Thực tế từ VinFast cho thấy DN Việt muốn ra biển lớn phải có năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe và nhiều áp lực. DN phải nắm chắc luật pháp của nước sở tại nơi đầu tư, nắm luật pháp và thông lệ quốc tế để từ đó thích ứng với môi trường toàn cầu.

Bản thân DN xuất khẩu phải có năng lực, kỹ năng về quản lý nhân sự đáp ứng nhu cầu của nước sở tại; đáp ứng năng lực tài chính, sản phẩm, dịch vụ, thị trường và khách hàng.

Chuyên gia kinh tế TRẦN THANH HẢI:

Để bán được hàng giá cao ở thị trường quốc tế

DN Việt cần phân tích tiềm năng của các thị trường khác nhau bao gồm quy mô thị trường, hành vi của người tiêu dùng, sự cạnh tranh... Nghiên cứu thị trường có thể giúp DN xác định các thị trường mục tiêu có tiềm năng bán hàng và thâm nhập thị trường một cách hiệu quả.

Ngoài ra cần chú ý xây dựng thương hiệu vì một thương hiệu mạnh được công nhận và tin cậy ở thị trường nước ngoài có thể giúp DN tăng khả năng cạnh tranh và bán hàng giá cao. DN cũng nên đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, đây là một chiến lược thiết yếu để phát triển bền vững.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm