Có những người lính đã hy sinh cả tuổi xuân, sức khỏe, một phần cơ thể và có những người đã vĩnh viễn nằm lại nơi lòng đất, để đổi lấy độc lập, bình yên cho Tổ quốc hôm nay.
Bà Thạch Thị Lâm đang chia sẻ với đoàn. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Ngày 6-8, theo chân đại diện Hội Cựu chiến binh Sở Tư pháp TP.HCM về thăm Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu), chúng tôi mới thấm thía nỗi đau chiến tranh để lại.
Bà Thạch Thị Lâm (66 tuổi) gắn bó với trung tâm đã 25 năm nay, bà xem đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Sinh ra trên mảnh đất Diễn Châu, Nghệ An, 17 tuổi bà tham gia kháng chiến. Tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào, bà làm giao liên dẫn đường.
Ở cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt, bà là một trong những người lính năm ấy. “Vào năm 1971, tôi đi đầu thăm dò và dẫn đường đưa một đoàn cán bộ qua Lào vào chiến trường B. Lúc gần đến nơi tôi vấp phải một quả mìn, quả mìn phát nổ, tôi ngất lịm. Khi tỉnh lại, hốt hoảng hỏi tình hình mới biết còn ba người nữa cũng bị thương, nhưng tôi bị nặng nhất, mất chân phải”, bà Lâm nhớ lại.
Từ khi mất chân phải, sức khỏe của bà trở nên yếu hơn. Bà phải đi lại bằng xe lăn. Những ngày trở lạnh, vết thương nhức nhối không ngủ được. Thường bác sĩ phải tiêm thuốc giảm đau nhưng sợ lờn thuốc và những tác dụng phụ, bà và các cô chú phải dùng đá lạnh hoặc nước nóng chườm vào để giảm đau.
Bà chia sẻ bệnh tình của bà chỉ là trường hợp nhẹ so với những đồng chí đồng đội đang điều trị ở đây. “Có những người mất cả hai tay, hai chân, có những người bị tổn thương tủy sống, liệt nửa người phải ngồi xe lăn suốt đời, cũng có những người dường như không còn ý thức…” - bà Lâm nghẹn ngào.
Ông Nguyễn Cảnh Hòa - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất.
Ông Nguyễn Cảnh Hòa - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất cho biết: Hiện nay, trung tâm đang chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng cho 60 thương binh nặng, trong đó có 20 thương binh nặng đặc biệt: bị liệt, tâm thần mạn tính… Người ít tuổi nhất đã 60, người lớn nhất cũng đã gần 80 tuổi.
Ngày 6-8, đại diện Hội Cựu chiến binh của Sở Tư pháp TP.HCM gồm: Ông Hoàng Chương - Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM và ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Sở Tư pháp TP.HCM đã đến thăm hỏi, tặng quà nhằm hỗ trợ chăm sóc cho các thương binh nặng đang điều trị, điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất. Quà gồm một ít sữa, bánh, nước yến… và 10 triệu đồng tiền mặt do một công ty địa ốc hỗ trợ. Buổi thăm hỏi, tặng quà này nằm trong chuỗi các hoạt động của chương trình “Nghĩa tình đồng đội” do Hội Cựu chiến binh Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27-7-2016). Ông Hoàng Chương, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM bày tỏ sự xúc động khi về thăm trung tâm. Thay mặt đoàn, ông gửi lời chia sẻ, động viên các anh chị, các cô chú, các bác thương binh tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, cố gắng điều trị, vượt qua bệnh tật. Ông Hoàng Chương (trái) - Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM trao quà tặng trung tâm. Ảnh: NGUYỄN TRÀ “Chúng tôi hy vọng món quà nhỏ có thể góp phần hỗ trợ những bữa ăn của các thương binh, để thêm miếng thịt, con cá trên mâm cơm của những đồng đội”, ông chia sẻ. Ông Nguyễn Cảnh Hòa - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất thay mặt anh chị em thương binh đang điều dưỡng ỡ trung tâm bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Hội Cựu chiến binh Sở Tư pháp TP.HCM và doanh nghiệp hỗ trợ. Sự động viên thăm hỏi và những món quà là động lực để các đồng đội tiếp tục phấn đấu vượt qua bệnh tật, sống lạc quan, yêu đời. |