Vào giai đoạn hoàng kim rực rỡ của cải lương (thập niên 1950-1970), nếu soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng nổi như cồn với những tuồng cải lương xã hội, được xem như vua của loại tuồng này thì soạn giả Yên Lang cũng nổi bật với những vở tuồng cải lương hương xa, kiếm hiệp được đông đảo khán giả yêu thích.
Giai đoạn này, cải lương chia ra hai dòng chính là cải lương tâm lý xã hội và cải lương hương xa, kiếm hiệp. Những vở tuồng tâm lý xã hội của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng lừng danh là bệ đỡ cho những nghệ sĩ của hai đại bang cải lương xã hội Đoàn Thanh Minh Thanh Nga, Đoàn Dạ Lý Hương với những nghệ sĩ như Thanh Nga, Thành Được, Bạch Tuyết, Thanh Sang, Dũng Thanh Lâm...
Riêng với dòng cải lương hương xa, kiếm hiệp, những vở tuồng của soạn giả Yên Lang chính là bệ phóng cho tên tuổi những nghệ sĩ có giọng ca "hay nhức nhối" như Minh Cảnh, Tấn Tài, Minh Phụng, Mỹ Châu, Minh Vương, Lệ Thủy...
Những năm 1960-1970, nhiều vở tuồng của soạn giả Yên Lang được thu đĩa với những giọng ca danh tiếng và sống mãi trong lòng khán giả. Ảnh tư liệu.
Với giọng văn ướt át, sầu bi như chất chứa bao nỗi niềm sầu thương, ai oán đi cùng những câu chuyện tình ngang trái, những tình tiết kịch bi thương, các vở tuồng của ông đã khiến những giọng ca ngọt ngào, ướt rượt của các danh ca Minh Phụng, Mỹ Châu, Minh Vương Lệ Thủy... như rót mật vào tim, ru hồn người nghe bởi những chuyện tình lâm ly, mùi mẫn.
Với những tuồng tích, lời văn dễ nghe, dễ xem, gần gũi với tâm lý công chúng, bối cảnh hương xa, kiếm hiệp kỳ tình... những vở tuồng của ông góp phần không nhỏ làm nên sự lớn mạnh của đại bang cải lương Kim Chung một thời.
Không chỉ có thế, mà sau 1975, tuy có giai đoạn cải lương hương xa, kiếm hiệp không được phép diễn, nhưng những vở tuồng của ông vẫn được nhiều đoàn cải lương ở các tỉnh âm thầm dựng lại khi đi lưu diễn. Không ít vở tuồng của ông vẫn còn ăn khách cho đến tận hôm nay.
Nghệ sĩ Minh Vương - Lệ Thủy trong một trích cải lương hương xa của soạn giả Yên Lang dựng vào năm 2009. Ảnh: Hòa Bình.
Sự lâm ly, ray rứt trong lời văn của Yên Lang rất dễ đi vào lòng khán giả. trong vở Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, lời của tiểu muội Phùng Cẩm Loan nói với sư huynh Trác Phùng Quân khi sắp phải theo chàng về Bạch Mã Sơn làm lễ cưới dù lòng đã yêu người khác: “Trác đại sư ca, bỗng dưng tiểu muội thấy mình buồn rưng rức, khi biết mình sắp phải xa lìa những tình thương nơi cố hương. Từ bây giờ, đến sau này, quê hương cách trở bóng chim bay. Xót xa tâm sự chút hoài hương thêm nhớ thương. Mùa thu này, lá rụng nhiều, đường xa hun hút bóng câu. Xót xa ly biệt nỗi buồn theo bóng trăng”...
Soạn giả Yên Lang còn là một người ý thức rất rõ về nghề nghiệp của mình cũng như có sự yêu quí cải lương trong tận sâu máu thịt. Những năm 1960, soạn giả cải lương bị o ép tiền tác quyền chỉ còn có 5% doanh thu/suất hát ở 50 suất hát đầu, sau đó chỉ còn 4%. Yên Lang đã vận động giới sọan giả như Mộc Linh, Hà Triều, Hoa Phượng, Tuấn Khanh, Hoàng Khâm, Ngọc Điệp, Loan Thảo, Yên Ba, cùng hai ký giả kịch trường Hoài Ngọc, Phong Vân đồng loạt yêu cầu nâng tiền bản quyền lên 6% doanh thu của mỗi suất hát không hạn định thời gian. Cuộc đấu tranh này kéo dài cả năm và đạt được thành công, có ảnh hưởng đến cách tính tác quyền của giới biên kịch hôm nay.
Nhóm cải lương Thắp Sáng Niềm Tin của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang dựng lại Mùa thu trên Bạch Mã Sơn vào năm 2007. Ảnh: HÒA BÌNH.
Lúc sinh thời, soạn giả Yên Lang nói: "Kịch bản là tiền đề của sân khấu, diễn viên là yếu tố trọng tâm, do đó, sự ràng buộc giữa soạn giả và diễn viên và những bộ phận khác phải có, và bắt buộc phải có. Trong đó, quan trọng vô cùng là các nhạc sĩ cổ nhạc, vì nếu thiếu dàn cổ nhạc thì các diễn viên không biết làm sao phải ca hát được".
Ông cũng từng thổ lộ về tình yêu cải lương: "Cải lương là tim, là xương, là máu của tôi. Cuộc đời tôi, gia đình tôi, các con của tôi trước đây đều được nuôi sống nhờ đồng tiền của cải lương. Nhờ khán giả yêu mến cải lương mà gia đình tôi ngày xưa sống cũng tương đối khá. Tôi thấy cuộc đời mình mắc nợ tấm màn nhung sân khấu, nên mỗi lần đặt bút viết là được công chúng đón nhận. Ai từng thiếu nợ đều khổ, còn với tôi cứ mong mình mắc nợ hoài để còn được… trả nợ".
Nhận xét về soạn giả Yên Lang, soạn giả Viễn Châu nói: “Yên Lang được khán giả khắp nơi ái mộ không chỉ bằng ngòi bút trữ tình, sâu lắng, mà còn là một bậc thầy chuyên sáng tác kịch bản màu sắc kiếm hiệp kỳ tình. Ông là người đã đưa thể loại này lên đỉnh cao, và đã từng tạo cơ hội vàng cho nhiều nghệ sĩ trở nên nổi tiếng. Kịch bản của Yên Lang đa phần quen thuộc, gần như phản ảnh một nét văn hóa của người Sài Gòn những năm 1960-1970, đó là yêu thích chuyện tình lâm ly nhưng giàu nghị lực”.
Yên Lang mất tại Mỹ do bệnh nặng, song nghệ sĩ, giới cải lương Việt Nam cũng như khán gỉa cải lương ở khắp nơi trên thế giới đều rưng rưng nói lời đưa tiễn.
Soạn giả Yên Lang tên thật là Nguyễn Ngọc Thanh, sinh năm 1940 tại Bạc Liêu. Ông từng làm văn thơ viết báo kịch trường và viết tuồng cải lương tại Sài Gòn vào những năm 1960. Ông trở nên nổi tiếng với hơn 30 tuồng cải lương chủ yếu là tuồng kiếm hiệp kỳ tình, hương xa như: Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Người phu khiêng kiệu cưới, Tâm sự loài chim biển, Bẻ kiếm bên trời, Nắng thu về ngõ trúc, Bão cát, Băng Tuyền nữ chúa, Manh áo quê nghèo, Kỷ niệm thời con gái… Ông viết hơn 100 bài vọng cổ với những bài quen thuộc đã được thu băng đĩa với những giọng ca nổi tiếng như: Chiều lên bản Thượng, Đám cưới trên đường quê, Hương cau quê ngoại, Quán nước quê nghèo, Tình nghệ sĩ, Trăng phương Nam… |