… Từ xóm nghèo ấy có một Yên Lang với dòng cải lương “kiếm hiệp kỳ tình” như Máu nhuộm sân chùa, Mùa thu trên Bạch Mã sơn, Người phu khiêng kiệu cưới... một thời làm nên tên tuổi nhiều nghệ sĩ Diệp Lang, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Vương, Minh Cảnh... Và cũng từ cái xóm nghèo ấy không chỉ có soạn giả Yên Lang với những vở cải lương đi vào lòng người mà còn có nhiều tài danh cổ nhạc và cải lương như Bảy Cao, Hữu Nghĩa, Lam Tuyền (con Yên Lang), Quốc Khánh.
Đưa phim vào sân khấu cải lương
Loằng ngoằng một hồi sau mấy đoạn đường đan uốn lượn theo xe soạn giả Quốc Khánh, chúng tôi tấp vô nhà ông trưởng khóm Bảy Châu (Quách Văn Bảy, 60 tuổi). Nhà ông ở xóm Cầu Kè - Giồng Me (nay thuộc phường 2, TP Bạc Liêu, Bạc Liêu), cách nhà Yên Lang xưa chỉ vài căn. Cái xóm nằm vắt mình theo con kênh đào nối từ sông Bạc Liêu. Hỏi chuyện xóm nghèo xưa, miệng phà khói thuốc, ông chậm rãi: “Hồi đó, con kênh trước nhà này do Pháp đào. Ngoài vàm có hai cây kè lớn. Cách vàm chừng vài trăm mét dân đắp một con đập để ngăn không chuyển lương thực cho Pháp. Khi khai đập, người dân đốn hai cây kè bắc ngang kênh để qua lại nên quen gọi xóm Cầu Kè. Ở đây, xưa có giồng cát ven biển người ta trồng nhiều me chua nên gọi xóm Cầu Kè - Giồng Me là vậy”.
Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận kể, xóm xưa vắng lắm, chỉ vài chục căn nhà về đây sinh cơ lập nghiệp làm muối và hải sản nhưng lại hội tụ nhiều nhân tài lĩnh vực nhạc cổ, cải lương. Một nhân vật khá nổi ngày xưa là ông Bảy Cao. Ông là người đưa phim ảnh của phương Tây vào kịch bản cải lương duy nhất và sớm nhất. Thời đó chỉ hát bội, cải lương thuần túy thôi nhưng riêng ông này những đoạn chiến trường ở Tây Âu, Đông Âu như ở Đức, Pháp… thì ông đưa xen hình ảnh phim vào. Lúc đó diễn viên dạt vô cánh gà, đèn phụt tối, phim chiếu sáng hiện ra. Những hình ảnh chiến trường xuất hiện với máy bay bỏ bom, oanh tạc, hấp dẫn lắm. Mỗi lần ổng về người ta xem đặc cứng luôn. Ai muốn coi phải mua vé trước chớ không thôi không có vé mà vô.
Trầm ngâm chút, ông Thuận kể tiếp: Khoảng trước năm 1960, ông Bảy Cao là một diễn viên sân khấu, hát một cặp với Năm Nghĩa (cha Thanh Nga, Bảo Quốc). Ông là người xây dựng đoàn cải lương đầu tiên ở Bạc Liêu có vị trí rất lớn ở thời kỳ đó là đoàn Hoa Sen.
Ông già Bảy Cao làm nghề thợ mã, ban đêm quy tụ rất nhiều người biết ca hát. Họ vừa cắt giấy, cắt sậy dán lâu đài, nhà, quần áo, giày dép… vừa ca hát cho đỡ buồn ngủ lúc trời khuya thanh vắng.
Phong trào đờn ca tài tử cải lương không ngừng phát triển ở miền Tây Nam Bộ. Ảnh: THU ĐÔNG
Soạn giả, đạo diễn, diễn viên Quốc Khánh (bên phải) theo con đường nghệ thuật từ xóm nghèo cải lương ngày nào. Ảnh: NGUYÊN VẸN
Xóm nghèo và “Kiếm hiệp kỳ tình” Yên Lang
Nhà Yên Lang ngày xưa chỉ cách nhà ông Cao Văn Lầu - người sáng tác bài Dạ cổ hoài lang chỉ chừng 500 m đường chim bay. Nơi chôn nhau cắt rốn của Yên Lang lại là nơi sinh sống của hậu tổ cổ nhạc - Nhạc Khị (Hai Khị), Ba Chột, Cao Văn Lầu… Hỏi soạn giả Yên Lang nay bao nhiêu tuổi rồi, ông Bảy Châu vội chạy sang nhà bên cạnh (bà con bạn dì ruột với Yên Lang) hỏi vọng vào: “Ông Cuội năm nay nhiêu tuổi vậy?”. Một lúc ông quay ra: 76 tuổi rồi. Thì ra không chỉ có tên khai sinh Nguyễn Ngọc Thanh, soạn giả Yên Lang còn có cái tên cúng cơm quê nhà xưa là Cuội. Hiện ông đang định cư tại Mỹ.
Giữa trưa hè ở miền quê bất chợt nghe lời ca đối đáp trong một bản vắn vở tuồng Đêm lạnh chùa hoang: “Kìa ông, tiệc rượu đêm nay chưa tàn cuộc, sao Sơn Ca đành vội vã bỏ đi sao…” hay “Bảo Xuyên ơi, đêm nay giữa canh trường cô liêu, ta gối đầu trên đá thèm giấc mơ yêu. Đắm hồn vào mộng liêu trai. Để yêu em được trọn lòng…”, tôi sực nhớ đến nhận xét của ông Trần Phước Thuận: “Lời ca của Yên Lang êm như thơ”. Quả thế, lời ca của ông mộc mạc, trữ tình, sâu lắng nhưng chứa đựng nhiều tự sự về tình yêu quê hương đất nước, về số phận những con người luôn khát khao kiếm tìm hạnh phúc. Ông Thuận còn bảo rằng cái đặc biệt của Yên Lang là “lấy cái tích do mình đặt ra rồi gắn vào một triều đại nào đó”.
Cũng tại cái xóm nghèo này, từ những tuồng tích để đời của Yên Lang, từ giọng ca truyền cảm của những anh trai làng nơi đây đã tạo nên một diễn viên, soạn giả, đạo diễn Quốc Khánh của ngày hôm nay. Quốc Khánh nhớ lại: “Hồi đó, cạnh nhà có một máy cát sét hay mở các tuồng như Xin một lần yêu nhau, Máu nhuộm sân chùa… nghe mà mắc ghiền nhưng đâu có biết nhà ông soạn giả Yên Lang lại sờ sờ gần nhà mình. Ngang nhà, bên kia bờ kênh có anh Hiệp ca rất hay, ca đâu đạt giải đó. Cứ mỗi lần bên đó ổng cất tiếng ca lên là bên này mình muốn chết luôn thôi! Máu ca hát như quyện vô người từ hồi nhỏ rồi. Xóm tôi nhiều người ca hát lắm. Lạ một điều là có người không hề biết một chữ nhưng ca rất hay, đờn lại giỏi chứ”.
Tên gọi vọng cổ có từ khi nào?
Bạc Liêu, vùng đất đã sản sinh ra bản vọng cổ - “bài ca vua” của sân khấu cải lương. Có một điều khá thú vị là cả một quá trình chuyển đổi từ nhịp hai bài Dạ cổ hoài lang của ông Cao Văn Lầu đến bài ca cổ nhịp 32 ngày nay đều là người Bạc Liêu. Trong đó có những người con từ cái xóm nghèo cải lương này.
Vào năm 1918, sau khi ông Cao Văn Lầu sáng tác bài Dạ cổ hoài lang nhịp 2 thì khoảng vài năm sau đó, ông Trịnh Thiên Tư sáng tác bài Dạ cổ hoài lang nhịp 4. Nhạc bản nhịp 4 này được nhiều soạn giả đặt lời ca để phục vụ đờn ca tài tử hoặc trong các kịch bản cải lương.
Mãi đến năm Giáp Tuất (1934), ông Năm Nghĩa (Lư Hòa Nghĩa, cha Thanh Nga - Bảo Quốc) dựa vào bản nhịp 4 chế tác thành nhịp 8 với bài ca nổi tiếng Văng vẳng tiếng chuông chùa. Chuyện kể rằng trong một đêm tối trời của năm đó, Năm Nghĩa đến hàn huyên và hòa tấu với ông Sáu Lầu (Cao Văn Lầu). Mải say sưa trong cung đàn tiếng nhạc, trời tối, mưa to không về được, Năm Nghĩa phải ngủ lại nhà người bạn cạnh nhà Sáu Lầu (vì nhà Sáu Lầu chật quá). Ngoài trời mưa vẫn rơi, bên trong Năm Nghĩa cứ trằn trọc mãi tới khi tiếng chuông chùa gần đó vang lên. Trong giây phút bất chợt ngẫu hứng, Năm Nghĩa cho ra đời 20 câu ca cho bản dạ cổ nhịp 8 Văng vẳng tiếng chuông chùa.
Vào ngày lễ giỗ tổ cổ nhạc 12-8 năm Ất Hợi (1935) tại Bạc Liêu, Trịnh Thiên Tư là người đầu tiên đề xuất các bản Dạ cổ hoài lang đã mở sang nhịp 4, nhịp 8 mang tên Vọng cổ - tức trông về xưa. Một thuật ngữ để chỉ các bài bản có nguồn gốc từ bản Dạ cổ hoài lang. Đề nghị này được nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng nhiều nghệ sĩ tán thành. Kể từ đó cái tên Vọng cổ được gọi cho đến ngày nay.
Từ vọng cổ nhịp 8 đến vọng cổ nhịp 32 “Sau khi bản Vọng cổ nhịp 8 của Năm Nghĩa ra đời, tuy là một phát kiến lớn nhưng Mộng Vân nói độ mùi chưa đủ nên sau đó ít lâu, ông đã lập nhạc bản Vọng cổ nhịp 16” - nhạc sĩ Trần Tấn Hưng có lần xác nhận việc ra đời bản Vọng cổ nhịp 16 như vậy. Đây có lẽ là soạn giả có nhiều kịch bản cải lương nhất Việt Nam (68 kịch bản). Một hội thảo “Hiện tượng Mộng Vân” đã được tổ chức tại TP.HCM vào tháng 3-1991. Bởi trong sách Guinness Việt Nam thế kỷ 20 thì hai soạn giả viết nhiều vở cải lương nhất là Hà Triều - Hoa Phượng (TP.HCM) gần 100 vở. Riêng soạn giả Viễn Châu viết hơn 50 vở. Trở lại bài Vọng cổ, sau nhịp 16 của Mộng Vân, ông Trần Tấn Hưng đã chế tác tiếp nhịp 32 là bài Vọng cổ phổ biến hiện nay. Sau đó, đến khoảng 1950, Nhạc Khị tiếp tục nghiên cứu biên soạn bài Vọng cổ 6 câu nhịp 64. Tuy nhiên bản Vọng cổ nhịp 64 chưa được phổ biến rộng, chưa thay thế được vị trí của bản nhịp 32 như ngày hôm nay. |