Thời gian vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm và hết sức lo ngại trước sự xuất hiện đoạn lừa đảo mới xảy ra trên mạng viễn thông. Đó là có những người mạo danh là giáo viên gọi điện cho phụ huynh thông báo là con của họ bị tai nạn ở trường học, đã được đưa đi cấp cứu tại các bệnh viện tại các cơ sở y tế và cần gấp khoản tiền để phẫu thuật...
Để tìm hiểu rõ hơn về các chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo, báo Pháp luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an.
Bất chấp mọi thủ đoạn để lừa đảo
Theo thượng tá Đào Trung Hiếu, nghiên cứu cho thấy đây là thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện ở Việt Nam, loại tội phạm này có tính chất tinh vi thông qua thủ đoạn lừa đảo. Những người lừa đảo mạo danh giáo viên ở những cơ sở đào tạo và có con em của nạn nhân đang học hành.
Đây là hành vi đáng lên án, thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức của một bộ phận trong xã hội. Họ bất chấp mọi thủ đoạn để lừa đảo.
Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an. Ảnh NVCC |
“Khi nhận cuộc gọi đọc đúng tên con mình, nói rõ địa chỉ lớp học, trường học thì nhiều người mặc định tin tưởng ngay.
Những người lừa đảo tạo ra tình huống khẩn cấp, rất cần gấp một khoản tiền để đóng viện phí cho con được phẫu thuật, phụ huynh không có thời gian để do dự hay kiểm tra lại thông tin.
Đó là sự tinh quái của thủ đoạn lừa đảo, khai thác tối đa các điểm yếu trong tâm lý của con người. Khi đặt ra tình huống con bị tai nạn, rất ít người còn đủ tỉnh táo để kiểm tra kiểm chứng về mặt thông tin”- Thượng tá Hiếu nói.
Theo thượng tá Hiếu, mấu chốt của trò lừa đảo trên là phải sở hữu được các thông tin cá nhân của nạn nhân.
Thông tin cá nhân của học sinh, phụ huynh có thể bị lộ lọt từ nhiều nguồn, trong đó có nhà trường, ban đại diện phụ huynh. Các nhà trường hiện nay hầu như đều có những nhóm chát zalo, có danh sách học sinh, số điện thoại.
Ngoài ra, có thể qua quá trình sửa chữa máy tính, điện thoại, do hacker tấn công chiếm quyền quản trị, hoặc do chính những người nắm quyền quản trị bán thông tin ra ngoài...
Thượng tá Hiếu cho hay, trong những năm gần đây xuất hiện một loại “thị trường ngầm”, đó là thị trường cung cung cấp những tệp dữ liệu thông tin cá nhân trên không gian mạng.
Có những người đã khai thác thông tin, danh sách học sinh của ở các lớp học và bán cho thị trường lừa đảo trên.
Loại tội phạm này cũng như các tội phạm sử dụng công nghệ cao đang phát triển và diễn biến phức tạp, phi truyền thống.
Đặc trưng của tội phạm sử dụng công nghệ cao là tính ẩn danh, đối tượng lên không gian mạng đều sử dụng nick name, không dùng tên thật. Bị hại và người lừa đảo không tiếp xúc trực tiếp.
Tính quốc tế hóa cũng rất cao, chỉ cần một click chuột, một người ở nước ngoài có thể tấn công xâm nhập vào một tài khoản ngân hàng Việt Nam và thực hiện lệnh chuyển khoản…
Các đối tượng có thể sử dụng những phương thức gọi điện qua internet và sử dụng các phần mềm để giả lập số điện thoại.
Hãy chậm lại một nhịp để tội phạm hết “đất diễn”
Về biện pháp phòng ngừa, theo thượng tá Hiếu, quan trọng nhất là tự mỗi người dân phải nâng cao ý thức cảnh giác, đây chính là “bức tường lửa” để bảo vệ túi tiền của mình.
Muốn làm được điều này, cần phải tìm hiểu thông tin về tình hình an ninh trật tự, những chiêu trò gì cũng như những thủ đoạn nào đang diễn ra trong xã hội, những khuyến cáo của cơ quan chức năng...
“Có người coi tội phạm lừa đảo là một thứ gì đấy xảy ra với người khác, nó trừ mình ra.
Vì vậy, sinh ra tâm lý chủ quan cho đến khi bản thân họ trở thành nạn nhân thì mới giật mình, khi đó đã muộn. Chính sự thiếu hiểu biết, chủ quan của nạn nhân đã tạo điều kiện cho người lừa đảo gây án”- Thượng tá Hiếu khẳng định.
Do đó, thượng tá Đào Trung Hiếu khẳng định nguyên tắc số một là tuyệt đối không dễ tin những gì nhìn thấy, đọc được, nghe được thông qua viễn thông nếu như không kiểm chứng, mỗi người phải tập cho mình một kỹ năng kiểm chứng nguồn tin từ nhiều nguồn khác nhau, không nên dễ dãi làm theo yêu cầu của những người lạ, đánh giá tính hợp lý của của thông tin.
Ví dụ: Có thể hỏi lại họ là ai, chức trách, nhiệm vụ làm gì ở trường học, tên, số máy điện thoại của hiệu trưởng… người lừa đảo thường chỉ có thông tin học sinh, phụ huynh.
Bên cạnh đó, để kiểm chứng tính chính xác thông tin, phụ huynh có thể gọi điện đến lớp học, gọi cho con, giáo viên chủ nhiệm, đường dây nóng, phòng y tế của nhà trường hoặc của bệnh viện, có thể tới trực tiếp kiểm tra nếu có điều kiện.
“Hãy chậm lại một nhịp, đừng làm theo yêu cầu của người lạ ngay. Thời gian chậm lại để ta kiểm chứng thông tin, nếu ai cũng cẩn trọng như vậy thì tội phạm sẽ hết đất diễn”- ông Hiếu cho hay.
Bên cạnh đó, mỗi người cũng có thể đưa câu chuyện của mình vừa gặp phải tới cơ quan chức năng, lên trang cá nhân để cảnh báo cộng đồng cùng ngăn chặn, phòng ngừa.
Trường hợp khi sự việc không may xảy ra, các ngành liên quan như công an, giáo dục, y tế…. cần khẩn trương ra thông báo, gửi văn bản hỏa tốc tới các đơn vị trực thuộc, triển khai tới các trường, lớp học, giáo viên chủ nhiệm, nhóm phụ huynh học sinh để cảnh báo, có các biện pháp đối phó.
Đặc biệt, mỗi người dân cần hỗ trợ, phối hợp cùng cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý tội phạm.
“Có người coi tội phạm lừa đảo là một thứ gì đấy xảy ra với người khác, nó trừ mình ra.
Vì vậy, sinh ra tâm lý chủ quan cho đến khi bản thân họ trở thành nạn nhân thì mới giật mình, khi đó đã muộn. Chính sự thiếu hiểu biết, chủ quan của nạn nhân đã tạo điều kiện cho người lừa đảo gây án”- Thượng tá Đào Trung Hiếu.
6 lời khuyên từ chuyên gia công nghệ
Anh Vũ Danh Đức, đang làm việc tại một công ty công nghệ ở Hà Nội đưa ra các biện pháp phòng ngừa, phòng ngừa tội phạm lừa đảo như sau:
- Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì.
- Trước khi chuyển tiền cho người thân hoặc bạn bè, cần gọi điện thoại cho người đó trước, xác nhận lại nội dung chuyển tiền.
- Cảnh giác với các cuộc điện thoại từ số máy lạ, đặc biệt là các số máy có đầu số nước ngoài.
- Không cung cấp tên đăng nhập (username), mật khẩu truy cập/mã PIN Internet banking, mã OTP cho người khác, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ nhân viên ngân hàng.
- Không nhập tên đăng nhập, mật khẩu truy cập/mã PIN Internet banking, mã OTP, số tài khoản…của mình vào trang web hoặc liên kết khác với những trang web chính thống của ngân hàng đã và đang sử dụng.
- Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến các hành vi lừa đảo trên, người bị hại cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất…