Chủ tịch Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ Maria Cantwell hôm 20-3 cho biết Uỷ ban này đang cân nhắc tổ chức một phiên điều trần công khai về dự luật cấm TikTok, kênh Channel News Asia (CNA) đưa tin.
Bà Cantwell đưa ra cân nhắc trên sau khi tham dự cuộc họp kín về TikTok với các quan chức Bộ Tư pháp và tình báo quốc gia Mỹ trong cùng ngày.
Tuy nhiên bà Cantwell không cung cấp thời gian chính xác khi nào sẽ tổ chức phiên điều trần nói trên. Thượng viện Mỹ sẽ bắt đầu nghỉ vào cuối tuần này cho tới ngày 8-4.
Trước đó, hôm 13-3, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm TikTok tại Mỹ nếu ByteDance - công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc - không thoái vốn hoặc bán nền tảng này.
Hôm 14-3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã chỉ trích hành vi của Washington mang “logic của một kẻ cướp”, “đi ngược lại với các nguyên tắc cạnh tranh công bằng và các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế”.
Bình luận về dự luật cấm TikTok, TS Mark Cenite - chuyên gia giảng dạy về luật truyền thông, luật trí tuệ nhân tạo tại Trường Thông tin và Truyền thông Wee Kim Wee, ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) - cho rằng việc cấm TikTok là khó khả thi, theo CNA.
Viễn cảnh ByteDance buộc phải bán TikTok, hoặc TikTok bị cấm ở Mỹ vẫn khá xa vời.
Để dự luật cấm TikTok được chính thức ban hành cần phải có sự thông qua của Thượng viện Mỹ. Theo TS Cenite, cho đến nay, các thượng nghị sĩ ít nhiệt tình hơn về dự luật, và quá trình lập pháp có thể mất vài tháng.
Qua cánh cửa Thượng viện, dự luật sẽ được đưa đến tổng thống để ký nó thành luật. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ ký.
Tuy nhiên, ông Biden lại vừa mới tham gia TikTok vào tháng trước để vận động tranh cử. Nếu ông Biden ký vào dự luật, điều này có thể khiến một bộ phận cử tri trẻ quay lưng với ông, TS Cenite nhận định.
Vị chuyên gia cũng dự báo rằng nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, có thể ông sẽ phủ quyết dự luật. Ông Trump đã công khai thay đổi quan điểm cấm TikTok sau khi một nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa có cuộc gặp với nhà đầu tư ByteDance, ông Cenite cho hay.
Ngay cả trong trường hợp dự luật cấm TikTok được thông qua, luật này có thể đối mặt với những thách thức pháp lý về đảm bảo tự do ngôn luận.
Tu chính án thứ nhất Hiến pháp Mỹ cấm chính phủ hạn chế quyền bày tỏ và nhận thông tin của người dân. Theo một số tiền lệ, ngay cả quyền tiếp cận với công cụ tuyên truyền nước ngoài cũng phải được đảm bảo, theo vị chuyên gia.
Theo CNA, ứng dụng TikTok là trung tâm của những căng thẳng kéo dài giữa Trung Quốc và Mỹ trong những năm gần đây, liên quan các vấn đề công nghệ, thương mại và nhân quyền.