Chiều 20-7, đoàn công tác Bộ TN&MT đã làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên về nhu cầu sử dụng nước và những bất hợp lý trong vận hành các hồ chứa thủy điện trong mùa cạn trên lưu vực sông Ba.
Cả tỉnh phải căng mình chống hạn
Theo ông Lê Chí Trọng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7 vừa qua, vùng hạ lưu tỉnh này, hàng trăm hecta lúa hè thu không có nước tưới. Nhiều đoạn ở hạ lưu sông Ba - sông dài nhất miền Trung - trở thành sông chết. Nước từ thượng nguồn xuống hệ thống thủy nông Đồng Cam - nơi cung cấp nước tưới cho hơn 23.500 ha lúa - cũng ở mức rất thấp.
“Trước đây sông Ba cung cấp nguồn nước dồi dào nên hiếm khi bị thiếu. Những năm gần đây, khi có các nhà máy thủy điện, sông Ba bị thiếu nước nghiêm trọng, hiếm khi đảm bảo lưu lượng trong mùa khô nên không đáp ứng nhu cầu sử dụng nước” - ông Trọng nói.
Đoạn sông Ba ngay dưới cửa xả của nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ trở thành sông chết do nhà máy không trả nước ra sông. Ảnh: TẤN LỘC
Ông Huỳnh Dục, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, cho biết thêm: “Lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Ba xuống đập tràn thủy nông Đồng Cam - nằm ở cuối hạ lưu - cần tối thiểu 29,5 m3/s mới có thể chảy vào hai kênh chính tưới cho các cánh đồng và cần tối thiểu 40 m3/s để sông không bị chết và cung cấp cho các trạm bơm. Thế nhưng thời gian qua các nhà máy thủy điện trả nước không đảm bảo lưu lượng này. Nếu lấy được nước vào các kênh chính rồi, chúng tôi cũng phải tưới luân phiên ba ngày một lần vì không đủ nước. Nhiều cánh đồng cả tuần, thậm chí 20 ngày không có nước tưới. Do đó, vào mùa khô cả tỉnh phải huy động tối đa để chống hạn”.
Đòi cắt giảm nhu cầu sử dụng nước
Trước thực trạng trên, ông Chế Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, nhấn mạnh: “Các thủy điện phải tính toán lại để đảm bảo dân sinh vì hiện nay vào mùa khô nhiều nơi ở TP Tuy Hòa bị thiếu nước, tàu thuyền không thể ra vào cửa sông vì bồi lấp, trong khi đó nước mặn ngày càng xâm nhập sâu vào đất liền”.
Tuy nhiên, đề nghị trên đã không được đại diện các thủy điện chia sẻ. Ông Đặng Văn Tuần, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, nói: “Tại sao tỉnh cứ yêu cầu nhà máy này phải xả, nhà máy kia phải xả? Nếu nước không qua tràn hay không chảy vào các kênh chính của đập Đồng Cam, tại sao tỉnh không cải tạo lại công trình? Tỉnh cũng nên tính toán lại nhu cầu sử dụng nước; cần có giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng để giảm nhu cầu sử dụng nước”.
Đại diện Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cũng cùng chung ý kiến này. Điều ngạc nhiên là quan điểm nói trên lại được Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Bảy hưởng ứng: “Tỉnh Phú Yên đã tính toán để cải tạo lại công trình thủy nông Đồng Cam chưa? Tỉnh có cách nào để giảm nhu cầu sử dụng nước được không?”. Nhiều đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đã phì cười khi nghe ý kiến này bởi hệ thống thủy nông Đồng Cam xây dựng đã 80 năm trong khi các nhà máy thủy điện chỉ mới xây dựng vài năm gần đây. “Nếu mỗi ngày ông cục trưởng uống 1 lít nước, nay giảm bớt đi liệu có được không?” - một cán bộ tỉnh Phú Yên đã nói với phóng viên như vậy!
Phản pháo lại, ông Lê Chí Trọng bức xúc: “Từ khi có các nhà máy thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ, chế độ thủy văn của hạ lưu sông Ba bị thay đổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dân sinh, môi trường, sản xuất trong khu vực. Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có quy trình vận hành liên hồ chứa mùa cạn trên lưu vực sông Ba nên các nhà máy cứ giữ nước để chạy theo lợi nhuận. Trong việc vận hành trả nước ra sông, ưu tiên hàng đầu hiện nay là phục vụ dân sinh, sản xuất, không được để dòng sông chết chứ không phải vì quyền lợi của các anh trước!”.
Ông Hoàng Văn Bảy cho biết kết quả đợt kiểm tra, làm việc này là cơ sở để xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa mùa cạn.
Tại cuộc làm việc, nhiều đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên kiến nghị trung ương khẩn cấp xem xét việc công trình thủy điện An Khê-Ka Nak, công trình thủy điện đầu tiên trên thượng nguồn sông Ba thuộc tỉnh Gia Lai, vào mùa khô lấy nước sông Ba nhưng lại trả ra sông Kôn (Bình Định) khiến hạ lưu thiếu nước trầm trọng; trong khi mùa mưa lại xả lũ ra sông Ba đổ về Phú Yên. |
TẤN LỘC