Chủ đầu tư thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Chính phủ bảo dừng, chúng tôi sẽ dừng!

“Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai không nắm rõ thông tin về hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Một số cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật để ngừng dự án, làm giảm uy tín doanh nghiệp (DN)” - ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long (ĐLGL - chủ đầu tư), phát biểu tại buổi họp báo công bố thông tin về dự án, ngày 8-11.

Theo ông Pháp, tổng diện tích sử dụng của hai dự án hơn 372 ha, trong đó không có đất thổ cư và đất nông nghiệp. Giá bán điện khoảng 4,4 cent/kWh thấp hơn nhiều so với các thủy điện khác. Về kinh tế, dự án đóng góp ngân sách cho Nhà nước gần 15.000 tỉ đồng trong toàn bộ chu kỳ 40 năm.

“Chúng tôi đã lấy ý kiến 137 hộ dân và 80 hộ đánh cá quanh lưu vực sông và dự án, lấy thêm ý kiến của sáu xã liên quan và 100% đồng thuận thực hiện dự án. Dự án sẽ mang lại đời sống kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội tốt hơn” - PGS-TS Nguyễn Phước, Viện Tài nguyên Môi trường ĐHQG TP.HCM (đơn vị lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án - ĐTM), nhấn mạnh.

Sau khi công bố thông tin, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã trả lời các câu hỏi của báo chí.

Ai không đồng tình đều bị cho là thiếu thông tin (!)

. Pháp Luật TP.HCM: Tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng dừng dự án vì ảnh hưởng tiêu cực đến Vườn quốc gia Cát Tiên. Điều này có mâu thuẫn với con số 100% đồng thuận trên không?

+ Ông Bùi Pháp: Tôi cho rằng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chưa nắm rõ đầy đủ thông tin về dự án. Đó là chưa kể có lợi ích nhóm và một số cơ quan báo chí đưa thông tin sai sự thật nhằm cản trở dự án, ảnh hưởng đến uy tín DN (!?). Đặc biệt, một tờ báo ở miền Nam đã có một số thông tin không chính xác, chẳng hạn như rừng bạt ngàn, cây gỗ quý 10 người ôm không xuể… Tôi đã kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND TP.HCM kiểm tra, xác minh.

Tôi cam kết chịu mọi trách nhiệm về an toàn của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Công ty sẵn sàng mời các cơ quan báo chí thật sự quan tâm và có trách nhiệm với Nhà nước, với dân vào tận nơi để khảo sát.

. Báo Người Lao ĐộngNông Thôn Ngày Nay: Đoàn ĐBQH Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, TP.HCM kiến nghị không thực hiện dự án do ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và vi phạm các điều luật về môi trường. Quan điểm của chủ đầu tư?

+ DN đã tiếp xúc với bảy bộ, ba tỉnh cũng như các già làng, trưởng bản, bà con ở các tỉnh và họ đều ủng hộ dự án. Tôi tin Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai và các tỉnh lân cận chưa có đủ thông tin. Chúng tôi đã chuẩn bị hơn sáu năm nhưng chưa được thực hiện dự án. Những ngày qua cổ phiếu của ĐLGL rớt giá liên tục, ngân hàng không cho vay tiền, cổ đông kêu ca. Tôi mong mọi người hiểu cho điều đó. Tôi đã gửi hết thông tin đến đại biểu Quốc hội và mong các đại biểu lắng nghe.

Chủ đầu tư thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Chính phủ bảo dừng, chúng tôi sẽ dừng! ảnh 1

Các nhà khoa học đã nhiều lần đến khảo sát Vườn quốc gia Cát Tiên và đa số đều cho rằng cần bảo vệ nghiêm ngặt khu dự trữ sinh quyển này. Ảnh: Vườn quốc gia Cát Tiên cung cấp

Chưa rõ ĐTM trung thực ra sao

. BáoNông Thôn Ngày Nay: Có phải chủ đầu tư lập ĐTM quá sơ sài nên bị Hội đồng Thẩm định yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung khá nhiều?

+ Dự án được phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch vào tháng 9-2009 với 137 ha rừng đặc dụng, 230 ha rừng phòng hộ, theo quy định lúc đó thì hoàn toàn đủ điều kiện triển khai (dưới 200 ha rừng đặc dụng, 500 ha rừng phòng hộ). Tuy nhiên, đến tháng 8-2010, Quốc hội ban hành nghị quyết quy định dự án trên 50 ha rừng phòng hộ, 50 ha rừng đặc dụng phải xin ý kiến Quốc hội. Vì thế Thủ tướng có văn bản giao Bộ TN&MT chỉ đạo làm lại ĐTM.

. Pháp Luật TP.HCM: Nhưng sự thật là ĐTM lần thứ nhất bị các nhà khoa học chỉ rõ đã sao chép, góp nhặt từ các ĐTM khác. ĐTM lần hai cũng không khác gì nhiều?

+ ĐTM lần thứ nhất do Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam đảm nhận, đơn vị này làm chưa đạt yêu cầu về nội dung nên chúng tôi chuyển sang thuê Viện Tài nguyên Môi trường (ĐHQG TP.HCM), là đơn vị có uy tín. Các số liệu đưa ra đều trung thực, còn mức độ trung thực ra sao thì do Hội đồng Thẩm định Nhà nước trả lời.

Không có khả năng động đất kích thích?

. Pháp Luật TP.HCM: Theo các nhà khoa học, hai dự án này nằm gần các dãy đứt gãy, có thể xảy ra động đất cấp 7. Tuy nhiên, ĐTM chưa đưa ra phương án nghiên cứu động đất kích thích?

+ Ông Nguyễn Văn Sỹ, đại diện Công ty Tư vấn và Xây dựng Thủy điện 4 (PECC4): Hiện nay các số liệu động đất kích thích đều được lấy theo chuẩn của UNESCO như chiều cao cột nước 90 m, dung tích hồ chứa hơn 1 tỉ m3... Qua sơ đồ động đất của Viện Vật lý Địa cầu, chúng tôi xác định dự án nằm trong vùng động đất cấp 7. Nhưng hai thủy điện này có hồ chứa nhỏ, dung tích từ 31 đến 64 triệu m3, cột nước cao khoảng 36-48 m nên tôi khẳng định không có khả năng gây ra động đất kích thích.

. Trường hợp Chính phủ có chỉ đạo dừng dự án, chủ đầu tư sẽ ứng xử thế nào?

+ Ông Bùi Pháp: Chúng tôi tôn trọng mọi quyết định của Chính phủ và bộ, ngành.

Đề nghị Thủ tướng không đầu tư thủy điện 6, 6A

Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, vừa có công văn đề nghị Thủ tướng quyết định không đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A.

Theo tỉnh Đồng Nai, tác động tiêu cực của dự án này rất lớn. Thứ nhất, việc thi công dự án sẽ phá hủy thảm thực vật đặc trưng đa dạng và phong phú trong vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên. Đáng lo ngại nhất là làm thay đổi dòng chảy sông Đồng Nai, ảnh hưởng đến vùng ngập nước Bàu Sấu.

Thứ hai, dự án tác động đến chế độ thủy văn và chất lượng nước sông Đồng Nai. Cùng với các đập thủy điện khác, dự án này có thể làm biến đổi hình thái của sông trái với quy luật tự nhiên, gây sạt lở đất, lũ quét, ngập úng vào mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô ở vùng hạ lưu.

TR.DUNG

Khi thẩm định ĐTM của dự án phải cân nhắc kỹ cả về pháp lý lẫn kỹ thuật. Giả sử Hội đồng Thẩm định có thông qua thì cũng chỉ mang tính tham khảo, Bộ TN&MT mới là cơ quan quyết định cuối cùng. Bộ đang lấy ý kiến các địa phương. Chúng tôi đã nhận được ý kiến bằng văn bản của Đồng Nai. Đồng Nai không nói phản đối mà chỉ đưa ra một số vấn đề cần lưu ý.

Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường MAI THANH DUNG

HOÀNG VÂNghi

Đồng Nai phản đối triển khai dự án nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia chứ không phải cho riêng Đồng Nai. Căn cứ phản đối là dự án tác động xấu tới môi trường sinh thái, cơ sở pháp lý bị hổng. Quan trọng hơn là không đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (kiên quyết bảo vệ diện tích đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng).

Việc chủ đầu tư cho rằng dự án không hề gây hại cho tỉnh Đồng Nai là thiếu thuyết phục. Vườn quốc gia Cát Tiên là một di sản quý, là tài sản của quốc gia, cần phải được bảo vệ cẩn trọng.

Ông TRƯƠNG VĂN VỞ,Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

VÕ TÙNG ghi

Hai dự án này phải được đánh giá toàn diện về các tác động đến môi trường và người dân. Không thể vì cái lợi trước mắt mà vội vã triển khai, hậu quả sẽ khôn lường. Các tỉnh liên quan phải ngồi lại đánh giá mức độ ảnh hưởng để có tiếng nói chung kiến nghị trung ương xem xét cụ thể. Đặc biệt, kết quả đánh giá ĐTM phải được công bố rộng rãi, công khai để mọi người tham gia phản biện.

GS-TSKH ĐẶNG HUY HUỲNH, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

NGUYỄN ĐỨC ghi

ĐTM của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A được lập thiếu cơ sở khoa học, pháp lý cũng không ổn. Lập luận “mực nước dâng cao sẽ tạo điều kiện cho cây rừng phát triển hơn” là ngây ngô, thiếu cơ sở khoa học. Chuyện di dời các cá thể động vật sang một môi trường khác để chúng sinh sôi nảy nở hơn là không tưởng. Di dời con người đã là chuyện khó, huống chi là di dời những sinh vật đặc hữu, quen thuộc với môi trường của nó.

TS LÊ ANH TUẤN,Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - ĐH Cần Thơ, phát biểu tại Hội thảo các khuyến nghị quá trình ra quyết định của Ủy ban thế giới về đập, ngày 8-11

NGUYỄN DÂN ghi

TRÀ PHƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm