DỰ ÁN THỦY ĐIỆN ĐỒNG NAI 6 VÀ 6A

Thủy điện ồ ạt, đánh giá riêng lẻ!

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A đang được xem xét. Dù đây là bản ĐTM được hiệu chỉnh, bổ sung sau khi các nhà khoa học “điểm mặt” bản ĐTM cũ được làm ẩu tả, cắt dán từ các ĐTM khác nhưng những luận cứ, phân tích trong ĐTM mới (do Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM lập) vẫn làm nhiều người băn khoăn về tính khả thi của nó. Đặc biệt, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) nhận xét: “Các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu và ứng phó sự cố môi trường dường như rất chi tiết nhưng nhiều biện pháp mang tính lý thuyết, không chủ đầu tư nào thực hiện được”.

Tương tự, GS-TSKH Lê Huy Bá (Trưởng khoa Môi trường - ĐH Nguyễn Tất Thành) cũng cho rằng việc xem xét, đánh giá tác động của hai dự án Đồng Nai 6, 6A chỉ thực hiện riêng lẻ, không đặt trong bối cảnh sông Đồng Nai đang “cõng hàng loạt thủy điện” nên sẽ không thấy được bức tranh tác động thực của dự án.

Phụ thuộc chủ dự án, thiếu chứng minh

Sông Đồng Nai là một con sông lớn của Việt Nam nhưng việc khai thác hàng loạt các thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh của sông Đồng Nai gây ra những tác động mạnh mẽ đến môi trường. Theo VRN, thủy điện Đồng Nai 6, 6A là sự tiếp nối một chuỗi các bậc thang trên sông Đồng Nai, biến hệ thống sông này thành chuỗi các hồ chứa. Dòng chảy tự nhiên của sông sẽ trở thành nhân tạo do việc vận hành của các hồ chứa thủy điện. Như vậy, chắc chắn việc tính toán thủy văn dựa vào chuỗi đo đạc mực nước và lưu lượng nhiều năm sẽ không còn đúng.

Thủy điện ồ ạt, đánh giá riêng lẻ! ảnh 1

Nếu thực hiện dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A thì sẽ phải phá rừng, phá hủy hệ sinh thái và đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: TRẦN VĂN KỶ

Tuy nhiên, số liệu thủy văn trong ĐTM của dự án thủy điện 6A được tính toán như các thủy điện bậc thang phía thượng nguồn. Theo VRN, số liệu của trạm Tà Lài không thể đại diện để sử dụng cho dự án thủy điện dự kiến. Mặt khác, việc tính toán điều tiết, xả nước chưa xem xét đến sự vận hành liên hoàn, chưa tính toán các tác động domino khi có hư hỏng, động đất, vỡ đập do lũ vượt thiết kế… Quan trọng hơn, tính toán thủy văn trong ĐTM lại phụ thuộc vào số liệu do chủ dự án cung cấp nhưng… không có chứng minh về tính xác thực.

Lý thuyết và không tưởng

ĐTM cho rằng chủ đầu tư dự án sẽ trồng lại cây tại đất cấp tạm thời và sẽ làm giàu thêm các loài sống trong rừng. Vùng rừng mất do tích nước sẽ được trồng lại ở nơi khác. Còn động vật rừng thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm sẽ di dời vào các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Cát Tiên.

Tuy vậy, ĐTM không nêu ra những luận cứ cho thấy đã có diện tích đất dự trữ cho trồng lại rừng, phương thức nào để trồng đúng loại rừng bị mất, không thấy có bản cam kết của Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Tiên và UBND ba tỉnh liên quan về việc cho Công ty Đức Long Gia Lai trồng lại rừng. (Thực tế đến nay, chưa có thủy điện nào thực hiện đúng cam kết, trồng lại đủ diện tích rừng bị phá - NV). Ngoài ra, việc di dời chim, thú, cá… trong nhóm nguy cấp có lẽ chỉ nói “cho vui” bởi việc này gần như không tưởng. Các động thực vật rừng quý hiếm chỉ có thể tồn tại và phát triển trong các điều kiện môi trường riêng của chúng về thức ăn, nguồn nước, sinh vật, diện tích sinh sống… Việc thu thập gien và cây giống cũng không phải đơn giản như báo cáo nêu. “Chúng tôi không tán thành việc di chuyển vì chưa ai thành công trong việc di chuyển loài đặc hữu. Chúng chỉ tồn tại và phát triển ở một nơi đặc biệt thích hợp nào đó” - một chuyên gia VRN khẳng định.

Chưa quan tâm bài học “Sông Tranh 2”

Theo tính toán, nếu đập thủy điện 6A vỡ sẽ làm ngập trên 7.570 ha ở vùng hạ du, chủ yếu ở huyện Bù Đăng (Bình Phước), huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) và huyện Tân Phú (Đồng Nai). Trong đó xã Đắk Lua (huyện Tân Phú, Đồng Nai) sẽ bị ngập nhiều nhất, lên đến hơn 1.480 ha. Nếu hai đập Đồng Nai 6 và 6A cùng vỡ sẽ gây ngập cho 11.300 ha ở các huyện Bù Đăng (Bình Phước), Cát Tiên (Lâm Đồng) và Tân Phú (Đồng Nai). Nhưng biện pháp phòng ngừa vỡ đập chưa được quan tâm đúng mức.

Liên quan cộng đồng, hai đập thủy điện này do nằm gần các dãy đứt gãy, có thể xảy ra động đất cấp 7. Ở giai đoạn vận hành cũng có thể xảy ra động đất kích thích. Tuy vậy, đơn vị tư vấn chỉ dẫn số liệu thống kê về động đất ở các hồ chứa trên thế giới để “quy về” những điều kiện động đất. “Khi xảy ra động đất, mặt đất sẽ rung động trong một thời gian ngắn có thể vài giây đến vài phút (trường hợp động đất mạnh). Chấn động có thể làm ta hoảng sợ nhưng không có cách nào khác là phải đợi đến khi kết thúc…” - ĐTM viết.

Các chuyên gia VRN cho rằng chỉ dựa trên tổng kết của thế giới về điều kiện có thể xảy ra động đất kích thích mà không nghiên cứu, đánh giá là không đúng. Bài học Sông Tranh 2 cho thấy động đất kích thích phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa chất trong vùng dự án. Do vậy, VRN đề nghị ĐTM cần phải có những nghiên cứu chi tiết và kỹ lưỡng hơn về động đất và động đất kích thích cùng những giải pháp cụ thể cho vấn đề này.

Theo nhóm “Yêu quý bảo vệ Cát Tiên” (gồm nhiều chuyên gia về môi trường, địa chất, thủy văn, sinh thái…), trong danh sách những người tham gia lập ĐTM cho hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A không có ai có chuyên môn về địa chất thăm dò, địa chất công trình, trắc địa, khai thác mỏ… do đó trong ĐTM còn một số vấn đề chưa rõ ràng hoặc thiếu. Do công trình này chiếm đất vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên và nơi thi công thuộc đầu nguồn sông Đồng Nai nên nhóm đề nghị xem xét thêm những ảnh hưởng môi trường của việc nổ mìn.

Với lời kêu gọi "Cứu lấy Cát Tiên", nhóm đã lập bản kiến nghị, thu thập chữ ký kiến nghị dừng dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A để bảo vệ Vườn quốc gia Cát Tiên. Sau bốn ngày công khai kêu gọi, hiện đã có trên 2.700 người, trong đó có rất nhiều người nước ngoài, chuyên gia bảo vệ môi trường người nước ngoài ký tên ủng hộ.

MINH PHONG - TRÀ PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm