Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Còn rối!

Theo đánh giá của giới khoa học, việc chủ đầu tư và đơn vị lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho rằng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không ảnh hưởng đến Vườn quốc gia Cát Tiên vì cách xa 50-60 km là hoàn toàn thiếu cơ sở. Các lập luận khác như hồ chứa nhỏ, không có khả năng gây động đất kích thích, giá điện bán thấp… cũng chỉ để minh chứng cho lợi ích kinh tế của dự án.

Thủy điện “băm nát” sông Đồng Nai

Hiện trên sông Đồng Nai có khá nhiều thủy điện bậc thang lớn nhỏ, riêng dòng chính đã có tới 14 công trình/420 km. Do vậy, việc tiếp tục triển khai thủy điện Đồng Nai 6, 6A sẽ ảnh hưởng trầm trọng thêm đối với sinh thái môi trường lưu vực sông. Điều đáng lo ngại nhất là tuy đập hai thủy điện không cao, hồ chứa nhỏ hơn các nhà máy khác nhưng dự án lại chiếm dụng diện tích rừng không nhỏ của Vườn quốc gia Cát Tiên.

Với quy hoạch phát triển như hiện nay, hệ thống bậc thang thủy điện Đồng Nai đang đặt tài nguyên nước lưu vực trước thách thức lớn. Mật độ thủy điện trên sông này rất dày, phần thượng và trung lưu của dòng chính và các chi lưu đã bị chia cắt hoàn toàn. Sự phát triển mạnh mẽ của thủy điện đang phá vỡ sinh thái, cảnh quan của phần lớn khu vực thượng và trung lưu của hệ thống sông Đồng Nai. Nó còn tạo ra thay đổi lớn về cơ cấu dòng chảy tự nhiên xuống các khu vực hạ lưu theo chiều hướng bất lợi như tăng khả năng đe dọa lũ mùa mưa và thiếu nước mùa khô.

Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Còn rối! ảnh 1

Khu vực thượng nguồn của Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: TRUNG THANH

Các địa phương cũng đã có những động thái lo ngại. “Việc xây dựng nhiều công trình thủy điện trên đầu nguồn sông Đồng Nai đã và đang tác động lớn đến môi trường sinh thái, nguồn nước bị ô nhiễm, làm diện tích rừng bị suy giảm. Việc tích nước, xả nước trong quá trình vận hành các nhà máy là nguyên nhân gây lũ lớn trong mùa mưa bão và gây cạn kiệt nước trong mùa khô hạn cho vùng hạ lưu...” - Sở Công Thương TP.HCM nêu quan điểm tại Công văn 1683/2010 gửi UBND TP.

Sở Công Thương cũng kiến nghị xem xét điều chỉnh quy hoạch, hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình bậc thang ở vùng thượng nguồn sông Đồng Nai.

Nhiều luận cứ khó tin

Dù đã được nghiên cứu suốt sáu năm nhưng đến nay những luận điểm mà chủ đầu tư đưa ra vẫn chưa thuyết phục. Gần đây, ĐTM đã được chủ đầu tư bổ sung gửi Bộ TN&MT nhưng xét trên tổng thể ĐTM lần hai không khác trước là mấy.

Phải xác định rõ hai dự án này nằm trong khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên, thuộc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Việc điều chỉnh diện tích đất của Vườn quốc gia làm thủy điện là vi phạm Điều 11 Luật Đa dạng sinh học và nghị quyết của Quốc hội. Chủ đầu tư cho rằng diện tích sử dụng chỉ hơn 372 ha, giảm 1.580 ha so với ban đầu nhưng thực tế diện tích bị chiếm dụng vẫn rất cao. Với diện tích sử dụng tạm thời hơn 48 ha, việc chủ đầu tư hứa trồng lại rừng, phục hồi hệ sinh thái là hoàn toàn không tưởng.

Về thủy văn, chủ đầu tư lấy số liệu trạm Tà Lài để tính toán cho hai dự án này là điều khó chấp nhận bởi nó không đại diện cho cả dòng sông. ĐTM chưa đưa được các thông tin đầy đủ về tác động văn hóa, xã hội của dự án, trong khi khu vực này đang được thế giới xem xét công nhận là di sản thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới. Bên cạnh đó, các tính toán về động đất, động đất kích thích cũng chưa được phân tích và nghiên cứu đầy đủ.

Sông Đồng Nai là lưu vực sông nội địa lớn nhất Việt Nam với diện tích 43.681 km2, tổng lượng dòng chảy hằng năm khoảng 37,4 tỉ m3. Lưu vực sông Đồng Nai là có tính đa dạng sinh học cao, trong đó có Vườn quốc gia Cát Tiên. Tuy nhiên, so với các khu vực khác của Việt Nam, tài nguyên nước trên đầu người lưu vực sông Đồng Nai lại vào loại rất thấp, trung bình 2.296 m3/người/năm so với 9.650 m3/người/năm (2009) và ngày càng giảm dần.

TS ĐÀO TRỌNG TỨ, (Chuyên gia thủy điện, cố vấn cao cấp Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam)

TRÀ PHƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm