Nhóm cũng đề nghị sớm có cơ chế, chính sách phù hợp để quản lý và phát triển bền vững phức hợp Vườn quốc gia Cát Tiên.
Nhóm Yêu quý Bảo vệ Cát Tiên có đội ngũ cố vấn là các chuyên gia hàng đầu về môi trường, địa chất… như GS-TS Nguyễn Trường Tiến - Chủ tịch Hội Cơ học Địa chất Việt Nam; GS-TSKH Lê Huy Bá - Trưởng khoa Môi trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM; GS-TS Nguyễn Thế Hùng - Trưởng bộ môn Kỹ thuật thủy lợi ĐH Bách khoa Đà Nẵng; PGS-TS Hà Đình Đức - thành viên của các tổ chức quốc tế bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm… Đại diện nhóm, ông Nguyễn Huỳnh Thuật, cán bộ Vườn quốc gia Cát Tiên, cho rằng kiến nghị trên nhằm giữ an toàn vườn Cát Tiên, một địa danh hiếm có đã được công nhận, trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như di tích quốc gia đặc biệt, khu Ramsar, khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Theo nhóm, cả hai dự án trên đều chưa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo nghị quyết của Quốc hội. Các dự án này cũng vi phạm các cam kết và công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, như Công ước Ramsar, Công ước Đa dạng sinh học, Công ước Bảo vệ di sản… Mặt khác, hai dự án trên có thể đe dọa an ninh nước sạch, an toàn của hàng triệu người vùng hạ lưu sông Đồng Nai, dồn ép nhiều loài quý hiếm và đặc hữu đến bờ tuyệt chủng.
Nhóm cho rằng vườn Cát Tiên đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, đang hoàn tất hồ sơ đề cử di sản thiên nhiên thế giới, với hai dự án xâm phạm vùng lõi vườn thì khả năng hồ sơ bị loại sẽ rất cao. Tổng công suất hai dự án thủy điện trên chỉ chiếm hơn 0,3% tổng công suất các nhà máy điện quy hoạch tới năm 2020, chiếm 0,061% tổng công suất các nhà máy điện quy hoạch tới năm 2030; tức lượng điện hai dự án tạo ra rất nhỏ, có thể thay thế bằng các dự án khác bền vững hơn. Nhóm cũng đề xuất xem xét, ưu tiên cho chủ đầu tư các vị trí khác làm thủy điện và đền bù những thiệt hại (nếu có) không do lỗi của chủ đầu tư.
M.PHONG