Thủy điện Tây Nguyên và hệ lụy - Bài 3: Nhường đất cho thủy điện rồi… đói

Tháng 6-2006, khi thủy điện Plei krông (Kon Tum) chặn dòng sông Krông PôKô tích nước phát điện cũng là lúc 6.000 người dân phải vào khu tái định cư trên đồi núi cao ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, nhường đất cho dự án.

Dân đói

Năm năm trôi qua, những mùa rẫy thất bát vì đất cằn, những khó khăn ngày càng chồng chất. Anh A Lâm (thôn Ka Bay) cho biết nhà có tám miệng ăn nhưng chỉ có 400 m2 đất nên không biết phải làm gì, hằng ngày cả nhà vào rừng kiếm củi và săn bắt thú, hái rau rừng đổi gạo. “Lúc đưa dân đi thì hứa đời sống ở nơi ở mới sẽ gấp nhiều lần nơi cũ nhưng giờ muốn về nơi cũ thì nước đã ngập rồi” - A Lâm kể.

Toàn xã hiện có hơn 211 hộ mới tách khẩu không có đất, 89 hộ dân chưa nhận đất sản xuất do đất khô cằn; 35 hộ chưa nhận tiền bồi thường do đền bù không hợp lý.

Ông A Thút, Chủ tịch HĐND xã Hơ Moong, cho biết có 42 hộ dân với 260 nhân khẩu đã chuyển đến sống ở ven hồ thủy điện Plei Krông để đánh cá, không chịu trở lại khu tái định cư vì sợ không có đất sản xuất.

Theo ông Niệm, Chủ tịch xã Hơ Moong: “Dù chủ đầu tư có hỗ trợ lương thực một năm đầu nhưng không thấm vào đâu. Chủ đầu tư khai hoang đất cấp cho dân nhưng khô cằn không trồng được, dân phải xuống gần khu vực lòng hồ bắt cá và trồng sắn đắp đổi”.

Thủy điện Tây Nguyên và hệ lụy - Bài 3: Nhường đất cho thủy điện rồi… đói ảnh 1

Hàng trăm dân ở khu tái định cư Đăk P’lao (Đắk Nông) phải vào lập làng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Tính đến đầu tháng 11-2011, hơn 80% dân toàn xã thuộc diện hộ nghèo, hơn 800 thanh niên ở xã không có công ăn việc làm.

Địa phương rối ruột, chủ đầu tư thờ ơ

Ông A Cang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, kể: “Huyện và tỉnh nhiều lần làm việc với tập đoàn điện lực nhưng họ hứa mãi rồi quên. Địa phương đang cố gắng quy hoạch 100 ha nhưng phần lớn là đất rừng tái sinh. Lấy mất rừng thì sẽ gây thiên tai, không lấy thì không có đất sản xuất”.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, địa phương đang cố gắng hết khả năng để đảm bảo cho người dân ổn định đời sống, trong khi đó chủ đầu tư chỉ có việc đưa dân đến rồi lo phát điện mà thiếu quan tâm đến đời sống của họ.

Tình trạng chủ đầu tư chây ỳ không lo đất sản xuất cho người dân vùng tái định cư cũng xảy ra tương tự ở thủy điện Đồng Nai 3. Sau hơn một năm tích nước phát điện, gần 5.000 dân xã Đăk P’lao, huyện Đăk G’long (Đắk Nông) vẫn chưa được bố trí đất sản xuất, nước sinh hoạt thì phải đi mua. Có hơn 60% hộ dân đói ăn thường xuyên. Hàng trăm hộ bỏ vào Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng lập làng, làm rẫy dù biết là rừng cấm. Hàng trăm đứa trẻ theo cha mẹ vào rừng và không trở lại trường học. Ông Đàm Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Đăk G’long, bất bình: “Địa phương đang cố gắng tạo quỹ đất cho dân, chủ đầu tư đã đẩy hết mọi trách nhiệm cho địa phương là hết sức vô trách nhiệm. Gặp được chủ đầu tư khó vô cùng”.

Ông Lê Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, thì cho hay tỉnh đã làm việc nhiều lần với chủ đầu tư và yêu cầu họ phải làm hết trách nhiệm trong việc phối hợp với địa phương lo sinh kế lâu dài cho người dân nhưng họ chỉ hứa. Ông Diễn đề nghị phải có chế tài nặng cho các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm đến việc tái định cư cho dân.

Tháng 10-2011, Thanh tra Ủy ban Dân tộc của Quốc hội kết luận: Tại dự án thủy điện Đồng Nai 3, việc giao đất sản xuất cho các hộ còn chậm. Đến thời điểm kiểm tra, vẫn còn 24 tỉ đồng chưa giải ngân cho dân, việc thiết kế, thi công xây lắp đối với một số công trình chưa phù hợp, chưa dứt điểm.

Phóng viên đã cố gắng liên hệ với các chủ đầu tư nhưng rất khó khăn để gặp được. Ông Phan Văn Cúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (EVN), thì cho biết đã cố gắng hết sức và sẽ cùng địa phương giải quyết những khó khăn của dân nhưng chừng nào giải quyết xong thì ông Cúc cũng không nói.

Chủ đầu tư né tránh trách nhiệm

Việc phát triển thủy điện Tây Nguyên có ý nghĩa kinh tế - xã hội rất lớn nhưng cũng đồng thời tác động tiêu cực đến môi trường như nắn dòng chảy, xả lũ gây tổn hại đến đời sống người dân. Dù đã kiểm tra, kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn còn tình trạng chủ đầu tư né tránh trách nhiệm, chưa tập trung giải quyết các vấn đề đền bù giải tỏa, tái định canh định cư ở một số nhà máy như Yaly, Plei Krông, An Khê-Kanak, Đồng Nai 3, 4, Đăk Rtih, Đăk Nteng…

Thực trạng chung là còn nhiều hộ dân chưa nhận được đất tái định canh hoặc nhận đất xấu, có độ dốc cao không sản xuất được. Chưa nhận tiền đền bù do giá đền bù thấp so với giá thực tế. Các công trình thủy lợi phục vụ tái định canh, định cư còn kém. Nhà ở thì không phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc. Các dự án tái định cư đều thiếu quỹ đất cho việc chia tách hộ.

Báo cáo sáu tháng đầu năm 2011 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên

NGUYỄN ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm