Thủy điện xả nước, Đà Nẵng vẫn ‘khát’

Ngày 22-8, ngày thứ tư cuộc sống của người dân Đà Nẵng bị xáo trộn vì không có nước sinh hoạt. Khắp các khu dân cư, người dân vẫn đang túc trực hứng nước từ bồn lưu động hoặc xe bồn. Tuy nhiên, lượng nước cấp về không thấm tháp là bao so với nhu cầu của người dân.

Mặc dù các thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn đã bắt đầu xả nước trong 24 giờ để đẩy mặn sông Cầu Đỏ đúng theo yêu cầu của UBND TP Đà Nẵng, tuy nhiên theo ông Hồ Hương, Tổng giám đốc Dawaco, tình hình chưa thể cải thiện.

Cụ thể, lúc 3 giờ 45 sáng 22-8, độ mặn tại sông Cầu Đỏ lại xác lập giá trị mới 5.290 mg/lít, cao nhất từ trước đến nay. Đến đầu giờ chiều 22-8, độ mặn tại đây vẫn đang ở ngưỡng 1.400 mg/lít, dập tắt hy vọng lấy được nước thô ở cửa thu nước sông Cầu Đỏ. “Nước từ Thủy điện Sông Bung 4, Đăk Mi 4 và A Vương được xả từ hôm qua nhưng 5 giờ sáng nay mới tới. Hiện vẫn phải lấy nước chủ yếu ở An Trạch. Các thủy điện chỉ xả nước trong 24 giờ nên chúng tôi đang rất lo lắng. Phải theo dõi tới ngày mai, khi đủ 24 giờ nước về” - ông Hương nói.

Người dân Đà Nẵng vất vả ngồi chờ nước từ xe bồn. Ảnh: TẤN VIỆT

Trả lời PV Pháp Luật TP.HCM về việc có ý kiến cho rằng Trạm bơm phòng mặn An Trạch có sáu máy bơm nhưng không chạy hết công suất để tiết kiệm điện. Ông Hương khẳng định việc chạy ba máy bơm đã hết công suất thiết kế của cả đường cấp nước thô từ An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ. Ba máy bơm chạy cùng lúc đưa về 210.000 m3 nước thô/ngày đêm, theo công suất. Hệ thống đã xây dựng 10 năm, nếu chạy hơn công suất sẽ xảy ra sự cố, không có cách nào xử lý.

Bên cạnh đó, ông Hương cũng khẳng định trong cơ cấu giá nước đã tính đến việc bơm nước từ An Trạch về nên không có lý do gì nói Dawaco không sẵn sàng bơm. “Nếu hằng năm lượng nước thô bơm từ An Trạch thấp hơn dự tính trong cơ cấu giá thì Dawaco nộp lại tiền điện dư cho ngân sách. Việc này có đối chiếu từ bên điện lực” - ông Hương nói.

Liên quan câu chuyện thiếu nước tại Đà Nẵng, Nhà máy nước Hòa Liên (công suất thiết kế giai đoạn 1 là 60.000 m3/ngày đêm, giai đoạn 2 là 120.000 m3/ngày đêm) được kỳ vọng sẽ giải bài toán thiếu nước cho Đà Nẵng. Tuy nhiên, qua nhiều kỳ họp dự án vẫn chưa thể khởi công.

Ông Nguyễn Hữu Hinh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng (điều hành dự án Nhà máy nước Hòa Liên), cho biết đã đăng thông báo mời thầu. Ngày 27-8 sẽ bắt đầu phát hành hồ sơ mời thầu. Công trình dự kiến khởi công cuối tháng 9 và hoàn thành vào tháng 12-2020. “Theo luật, nếu dưới ba nhà thầu nộp hồ sơ thì chủ đầu tư quyết định có mở thầu hay không hoặc có thể gia hạn thêm thời gian để thu hút thêm nhà thầu. Trong trường hợp chỉ có một nhà thầu tham gia, tùy theo tính cấp bách của dự án thì mình sẽ báo cáo lãnh đạo TP quyết định chọn nhà thầu” - ông Hinh nói.

Vì sao Đà Nẵng mất điện trên diện rộng?

Không những thiếu nước, tối 21-8, người dân các quận Sơn Trà, Cẩm Lệ lâm vào cảnh mất điện trên diện rộng khiến cuộc sống thêm đảo lộn. Nhiều người dân sống trong các chung cư phải kéo nhau đi thuê khách sạn ở qua đêm.

Lý giải việc này, ông Võ Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), cho hay nguyên nhân do mưa dông lớn, sét đánh vào đường dây điện gây hư hỏng nhiều nơi. PC Đà Nẵng đã huy động công nhân ra hiện trường khắc phục hậu quả, trong khoảng 30 phút đã khôi phục nguồn điện.

Về phản ánh của người dân quận Sơn Trà cho rằng thường xuyên chịu cảnh mất điện về đêm, ông Hòa cho hay riêng quận Sơn Trà vào mùa hè sản lượng điện tăng hơn 20%. Mùa nắng nóng nguồn điện quá tải, nhân viên trực không kịp thời xử lý. Việc này chúng tôi sẽ trao đổi lại với Điện lực Sơn Trà. PC Đà Nẵng cũng hết sức cố gắng cấp điện cho người dân. Vừa qua chúng tôi đã lắp thêm máy biến áp để san tải nên tình hình sẽ ổn định hơn. Những máy biến áp quá tải cũng đã được thay mới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm