Thời gian gần đây, thông tin về việc các tập đoàn Thái Lan thâu tóm các công ty tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ và phân phối, đã làm dấy nên mối lo ngại về những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam.
Thái Lan dồn dập đổ bộ
Từ cuối năm 2015, Tập đoàn TCC của vị tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã quyết định mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Metro Cash & Carry Việt Nam bao gồm tất cả 19 trung tâm và các bất động sản liên quan, trị giá 876 triệu đôla.
Trước đó, Công ty BJC, một công ty con của Tập đoàn TCC, đã mua lại chuỗi cửa hàng FamilyMart từ Tập đoàn Phú Thái, Việt Nam và đổi tên FamilyMart thành B’s mart.
Chưa dừng lại, đầu năm 2016, truyền thông cho hay Công ty BJC của Thái Lan và Tập đoàn Central Group đang nhắm đến việc mua lại hệ thống kinh doanh Big C ở Việt Nam (gồm 32 siêu thị và 10 cửa hàng tiện lợi) từ tay Tập đoàn Casino (Pháp) với khả năng thương vụ này sẽ hoàn thành trong quý I năm nay...
Từ những câu chuyện trên, đã có rất nhiều suy luận rằng thị trường bán lẻ Việt đang đứng trước nguy cơ bị doanh nghiệp Thái thâu tóm và hàng Việt sẽ chịu lép vế trên sân nhà. Thậm chí còn có người cho rằng nếu kịch bản xấu xảy ra thì các ngành sản xuất trong nước sẽ rơi vào cảnh bị chèn ép, không thể cạnh tranh và có thể rơi vào tình trạng sụp đổ.
Hàng Thái đang bán tại một siêu thị ở TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN
Phụ thuộc vào tính cạnh tranh hàng Việt
Đúng là trong vài năm qua việc các doanh nghiệp Thái Lan thâm nhập thị trường Việt Nam là rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, để có thể kết luận hàng Việt không còn chỗ đứng thì nên đánh giá và cân nhắc một cách khách quan và cẩn trọng thông qua số liệu cụ thể.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là hàng Việt có bị lấn lướt, có bị loại ra khỏi hệ thống bán lẻ hay không phụ thuộc phần lớn vào tính cạnh tranh của hàng Việt với hàng Thái chứ không phải tại vì hệ thống bán lẻ rơi vào tay người Thái.
Tính cạnh trạnh ở đây thể hiện ở việc hàng Việt có đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của người tiêu dùng và thị trường đến đâu. Chất lượng và giá cả có tương xứng với số tiền người tiêu dùng bỏ ra hay không. Bởi suy cho cùng, người tiêu dùng là người quyết định sẽ sử dụng mặt hàng nào vì nếu không yêu thích sản phẩm thì dù có bày bán người tiêu dùng cũng sẽ không mua.
Thứ hai là không thể chỉ nói đến chuyện hàng Thái Lan sẽ cạnh tranh với hàng Việt vì chúng ta đã gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC). Việt Nam cũng đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với hàng chục quốc gia và thị trường ngày càng mở rộng cửa.
Do đó, hôm nay chúng ta đang nói chuyện đến Thái Lan thì có thể ngày mai hàng hóa từ Nhật Bản, Hàn Quốc… và tất cả các nước khác, nhất là các nước lân cận trong khu vực sẽ gia nhập thị trường Việt Nam. Đó là thực tế chúng ta phải thừa nhận và tìm cách ứng phó.
Thứ ba là khi nói đến việc người Thái thâu tóm hoàn toàn thị trường bán lẻ Việt Nam thì cần phải nhìn lại người hàng xóm Trung Quốc. Một điều rất rõ ràng là người Trung Quốc chẳng cần thâu tóm chuỗi siêu thị lớn nào của Việt Nam nhưng hàng của họ vẫn cứ len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm.
Tại phiên họp toàn thể của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội sáng 8-6-2015, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc và sự chênh lệch về số liệu thống kê do tiến sĩ kinh tế Mai Hữu Tín, đại biểu tỉnh Bình Dương cung cấp, đã khiến nhiều người phải sốc.
Theo vị đại biểu Quốc hội này, chỉ riêng năm 2014, hơn 20 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc lọt vào lãnh thổ Việt Nam không qua ghi nhận của các cơ quan chức năng Việt Nam. Tức không hề chịu thuế, không phải qua các hàng rào quản lý kỹ thuật của Việt Nam và tha hồ tung hoành, cạnh tranh không công bằng với hàng hóa từ các nguồn khác, nhất là hàng hóa của các doanh nghiệp Việt.
Thứ tư là tại Việt Nam các nhà bán lẻ truyền thống hiện vẫn đang nắm giữ quyền lực chi phối hàng hóa trên thị trường. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam hiện nay mới chỉ chiếm 25% thị phần, tương đối thấp so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan 34%, Malaysia 60% và Singapore 90%.
Trong một báo cáo tháng 6-2015 của Công ty Nielsen công bố về nhu cầu của các nhà bán lẻ tại Việt Nam cũng chỉ ra 80% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam vẫn đến từ kênh thương mại truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa, chuyên doanh…) bao gồm khoảng 1,3 triệu cửa hàng bán lẻ trên cả nước. Con số này cũng phù hợp với đánh giá trước đó của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam.
Điều này chứng tỏ cho dù bị lép vế trong cuộc chạy đua phát triển với mô hình bán lẻ hiện đại trong thời gian gần đây, các nhà bán lẻ truyền thống hiện vẫn đang nắm giữ quyền lực chi phối đến hàng hóa trên thị trường.
Từ những phân tích trên cho thấy đừng nên quá lo lắng cho việc hàng Việt bị lấn lướt bởi hàng Thái là do người Thái thâu tóm hệ thống phân phối, bán lẻ của Việt Nam!
Đối thủ đáng gờm Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận định đối thủ đáng gờm của hàng Việt là hàng Thái. Đặc biệt ở kênh hiện đại, sắp tới cuộc chiến với hàng Thái sẽ rất “mệt”. Một số công ty cũng cho biết sau khi hệ thống siêu thị Metro vào tay người Thái, hàng Việt vào hệ thống siêu thị này có phần giảm. Một công ty sản xuất nước mắm dẫn chứng, trước đây hàng đưa vào hệ thống siêu thị này 10 phần thì nay giảm còn hai, ba phần. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt khẳng định hàng Thái được ưa chuộng ở Việt Nam chủ yếu là mỹ phẩm chứ thực phẩm thì không nhiều. Thậm chí có nhiều mặt hàng Thái thua xa hàng Việt như đồ nội thất, đồ nhựa... TÚ UYÊN Trao đổi với báo chí về việc các nhà bán lẻ nội ứng phó ra sao trước việc hàng loạt “ông lớn” nước ngoài tràn vào, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, thừa nhận có những lo lắng nhất định nhưng các nhà bán lẻ Việt Nam vẫn có những lợi thế cạnh tranh riêng. “Cạnh tranh là tốt vì người tiêu dùng được hưởng lợi, bản thân các nhà bán lẻ phải tự thay đổi để cung cấp dịch vụ tốt hơn” - ông Dũng nói. Theo ông Dũng, để tạo vị thế cạnh tranh, các doanh nghiệp bán lẻ buộc phải liên kết tạo mạng lưới chung hoặc phải tự tạo lập mạng lưới quy mô lớn độc lập để tránh “cá lớn nuốt cá bé”. |