Tiêm tan mỡ nọng cằm tại nhà và spa chui, nhiều người bị biến chứng

(PLO)- Nhiều phụ nữ gặp biến chứng khi tiêm tan mỡ, chất làm đầy không rõ nguồn gốc tại nhà hay cơ sở y tế không phép để cải thiện cằm đôi nhiều mỡ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khuôn khổ hội nghị khoa học thường niên Liên chi hội da liễu TP.HCM lần thứ 20 với chủ đề Cải tiến chất lượng trong chăm sóc và điều trị bệnh da liễu diễn ra ngày 26-5, BS CKII Lư Huỳnh Thanh Thảo, khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết vừa qua bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca tai biến liên quan đến việc làm đẹp vùng cằm (điều trị cằm đôi, tiêm tan mỡ vùng nọng cằm).

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nữ (60 tuổi, ngụ Lâm Đồng) đến spa tại TP Đà Lạt để tiêm mỡ vùng nọng cằm.

Hai tuần sau, bệnh nhân cảm thấy nốt tiêm bị sưng lên, sờ thấy đau. Bệnh nhân có dùng thuốc nhưng tình trạng không giảm nên đến thăm khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm mô mỡ dưới da sau tiêm tan mỡ nọng cằm.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ (34 tuổi). Người này đã đến một spa ở Đồng Nai để tiêm tan mỡ vùng cằm đôi với mong muốn điều trị cằm đôi, nọng cằm.

Hai ngày sau tiêm, bệnh nhân cảm thấy sưng đau và nóng rát vùng tiêm nên đến thăm khám tại khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM.

Bác sĩ siêu âm thấy bệnh nhân có tích tụ những ổ tụ dịch tại vùng nọng cằm, được chẩn đoán viêm áp xe sau tiêm tan mỡ điều trị cằm đôi.

tiêm tan mỡ - 1
Nhiều người gặp biến chứng khi tiêm tan mỡ, chất làm đầy tại spa không phép. Ảnh: BVCC

Một trường hợp nữa là bệnh nhân nữ (23 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) cũng mong muốn điều trị cải thiện vùng cằm bằng cách tiêm chất làm đầy vùng cằm. Đáng chú ý, bệnh nhân được tiêm chất làm đầy vùng cằm tại nhà.

Sau tiêm, bệnh nhân sưng đau vùng cằm, điều trị thuốc nhưng không giảm, vẫn còn sưng đỏ kéo dài. Vì vậy bệnh nhân đã đến thăm khám tại Bệnh viện Da liễu.

Theo bác sĩ Thảo, nguyên nhân có thể dẫn đến tai biến ở các trường hợp trên chủ yếu do bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở y tế, spa không được cấp phép. Ngoài ra, có thể do người tiêm không phải bác sĩ được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật tiêm không đúng.

Cạnh đó, các bệnh nhân đã được tiêm tan mỡ hay chất làm đầy vào các vùng nguy hiểm hoặc không đảm bảo quy tắc vô khuẩn khi điều trị.

Bác sĩ Thảo cho biết thêm, cằm đôi (nọng cằm) là tình trạng vùng dưới cằm trở nên đầy hơn, xuất hiện một nếp gấp da giữa mặt và cổ, góc cổ mở rộng hơn 120 độ, thường đi kèm mất đường viền của đường viền hàm dưới và góc hàm.

Tình trạng trên xuất hiện cả ở người trẻ tuổi do khiếm khuyết xương cằm, xương móng đóng thấp, hay do sự tích tụ mỡ vùng dưới da cũng như tình trạng da chùng nhão, sa trễ ở người lớn tuổi.

Khảo sát của Hiệp hội Phẫu thuật da liễu Mỹ năm 2017 chỉ ra rằng 73% số người được hỏi cảm thấy khó chịu vì cằm đôi.

Theo thống kê, 78% người cho rằng sở hữu cằm đôi ít đáng yêu hơn.

Vì lý do thẩm mỹ, hầu hết cả nam và nữ sở hữu cằm đôi đều có nhu cầu điều trị nhằm giảm hoặc biến mất vùng dư thừa này, giúp khuôn mặt trở nên trẻ trung, thon gọn hơn.

Với việc điều trị cằm đôi tại Bệnh viện Da liễu, bác sĩ Thảo cho hay kỹ thuật tiêm chất làm đầy có thể điều trị tình trạng cằm đôi, đặc biệt ở những bệnh nhân cằm ngắn.

Bác sĩ khuyến cáo khi người dân có nhu cầu làm đẹp bằng chất làm đầy, hãy lựa chọn cơ sở làm đẹp có uy tín, được cấp phép. Ngoài ra nên tìm hiểu kĩ và lựa chọn bác sĩ thực hiện cho mình phải được đào tạo bài bản.

Người dân cũng nên tìm hiểu kĩ chất lượng của sản phẩm chất làm đầy khi được điều trị bằng kỹ thuật chất làm đầy. Tránh xa những sản phẩm trôi nổi, xách tay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm