Tiền công đức được quản lý như thế nào?

(PLO)- Hoạt động quyên góp, tiền công đức phải được ghi vào sổ sách thu, chi và bảo đảm công khai, minh bạch.

Những ngày đầu năm, người dân đến tham quan và dâng hương tại các lễ hội, các cơ sở tôn giáo nhiều hơn. Nhiều người đã cho tiền vào các thùng công đức thể hiện lòng thành kính và mong muốn tích thêm công đức đầu năm.

Một số bạn đọc thắc mắc số tiền công đức được cúng dường tại các lễ hội, cơ sở tôn giáo sẽ được sử dụng vào mục đích gì và được quản lý ra sao?

Người dân đi lễ đầu năm ở chùa Giác Lâm. Ảnh: HUỲNH THƠ

Mong tiền công đức sử dụng đúng nghĩa

Đến viếng chùa Giác Lâm (phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM) vào mùng 9 tháng Giêng, chị Hồng ngụ quận 11, TP.HCM cho biết hằng năm cứ vào dịp tết Nguyên đán chị đều đến chùa này để cầu an, mong muốn một năm có nhiều sức khỏe, công việc thuận lợi. Để tỏ lòng thành, chị thường góp tiền vào thùng công đức được đặt trong chùa.

“Quan niệm của tôi, góp tiền công đức không chỉ mong muốn lời cầu nguyện của mình có thể thành hiện thực mà để phần nào giúp chùa có thêm kinh phí duy trì hoạt động của chùa; tu bổ, sửa sang lại chùa và hỗ trợ người khó khăn. Tôi nói vậy vì trước đây lúc tôi gặp khó khăn, nhà chùa giúp đỡ gạo, nay cuộc sống đỡ hơn tôi cũng muốn giúp lại người khác. Tôi rất tin tưởng nhà chùa trong việc sử dụng tiền công đức đúng mục đích” - chị Hồng chia sẻ.

Cùng với mong muốn tiền công đức được sử dụng đúng mục đích, anh Trần Văn Hân ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM cho biết khi cúng dường ai cũng mong muốn số tiền công đức được dùng để tu bổ ngôi chùa và giúp đỡ bá tánh.

“Tôi cũng từng nghe qua có những tiêu cực trong việc sử dụng tiền công đức. Thế nên tôi rất băn khoăn tiền công đức có được các cơ sở tôn giáo công khai hay không và số tiền ấy sẽ được sử dụng vào mục đích gì. Bởi nếu không được quản lý tốt thì rất dễ xảy ra những chuyện không hay” - anh Hân thắc mắc.

Thông tư 04/2023 (có hiệu lực từ ngày 19-3 tới đây) đã định nghĩa chi tiết hơn về “tiền công đức” và các hình thức tiếp nhận tiền công đức.

Tiền công đức phải được bảo đảm công khai, minh bạch

Một số bạn đọc cũng thắc mắc việc quản lý, sử dụng tiền công đức tại lễ hội, chùa chiền được pháp luật quy định như thế nào. Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP.HCM, đã có những phân tích xoay quanh thắc mắc trên.

“Hiện nay, mọi hoạt động liên quan đến việc quản lý và sử dụng tiền công đức, tiền quyên góp, tài trợ đều phải tuân theo quy định tại Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Nghị định 162/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo” - luật sư Hậu cho biết.

Theo đó, cụm từ “tiền công đức” chưa được định nghĩa rõ ràng trong các quy phạm pháp luật mà đối tượng điều chỉnh được xác định chỉ đơn giản là “tài sản quyên góp”, “khoản tài trợ”.

Các khoản thu này phải đảm bảo điều kiện chung nhất là phải dựa trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân.

Khi tiếp nhận tiền quyên góp, tài trợ của cá nhân, tổ chức bên ngoài, cơ sở tôn giáo phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức quyên góp, nêu rõ mục đích, địa bàn, cách thức, thời gian quyên góp, phương thức quản lý và sử dụng tài sản được quyên góp.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 162/2017, hoạt động quyên góp phải có sổ sách thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch. Tài sản được quyên góp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích đã thông báo, phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo và từ thiện xã hội. Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo không cần phải báo cáo cho đơn vị quản lý nhà nước. Cơ quan nhà nước chỉ tiếp nhận thông báo về hoạt động quyên góp, có trách nhiệm kiểm tra tài sản quyên góp có được lên sổ sách thu, chi công khai hay không; tài sản quyên góp có được sử dụng đúng mục đích đã thông báo hay không;…•

Quy định mới về thu, chi, quản lý tiền công đức

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 04/2023 về hướng dẫn quản lý, thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Thông tư 04 có hiệu lực từ ngày 19-3 tới đây.

Theo đó, Thông tư 04/2023 đã định nghĩa chi tiết hơn về “tiền công đức” và các hình thức tiếp nhận tiền công đức. Thông tư 04/2023 đã xác định cụ thể “tiền công đức” chỉ bao gồm các khoản hiến, tặng cho, tài trợ của tổ chức, cá nhân cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội dưới hình thức: Bằng tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền chuyển khoản; bằng các loại giấy tờ có giá, kim khí quý, đá quý theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Các hình thức tiếp nhận tiền công đức, tài trợ được quy định chi tiết tại Điều 9 Thông tư 04/2023. Cụ thể, khi nhận tiền mặt thì có người tiếp nhận ghi chép, hòm công đức cũng phải được kiểm đếm công khai định kỳ, nhận tiền chuyển khoản thì phải mở tài khoản ở kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại, giấy tờ có giá lẫn kim khí quý đều phải ghi chép cẩn thận đầy đủ.

Việc quản lý, sử dụng tiền công đức cũng được quy định từng điều khoản riêng cho từng đối tượng.

Thông tư 04/2023 cũng quy định về các nội dung chi, mức chi bảo vệ và phát huy giá trị di tích gồm các khoản chi thường xuyên và khoản chi đặc thù, tạo điều kiện cho các cơ sở tôn giáo xây dựng kế hoạch thu chi tiền công đức và tài sản quyên góp một cách phù hợp.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới