Như PLO đã phản ánh, ngày 18-9, TAND tỉnh Bình Định tuyên phạt Nguyễn Văn Chánh (cựu chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định) chín năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, tòa buộc Cục THADS tỉnh Bình Định phải bồi thường cho các bị hại là DNTN Phú Lợi và DNTN Huy Phương tổng số tiền hơn 55 tỉ đồng.
Theo đó, quá trình tổ chức thi hành Bản án số 08/2014/DSPT ngày 29-9-2014 của TAND tỉnh Bình Định bị cáo Chánh đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định lấy tiền từ đâu để bồi thường cho hai doanh nghiệp trên?
Theo ThS Huỳnh Thị Nam Hải (giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM), Điều 598 BLDS 2015 về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra thì Nhà nước có trách nhiệm BTTH do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN).
Theo khoản 2 Điều 3 Luật TNBTCNN thì chấp hành viên là “Người thi hành công vụ”. Do vậy, trong trường hợp này việc giải quyết bồi thường thiệt hại sẽ được thực hiện theo quy định của Luật TNBTCNN.
Bị cáo Nguyễn Văn Chánh bị kết án chín năm tù. Ảnh: N.LINH/PLO
Điều 54 Luật TNBTCNN quy định cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường cho người yêu cầu bồi thường theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án về giải quyết yêu cầu bồi thường.
Về kinh phí bồi thường, Điều 60 Luật TNBTCNN quy định nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách nhà nước để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Theo một chuyên gia về Luật TNBTCNN: Về trách nhiệm hoàn trả, Điều 64 Luật TNBTCNN quy định người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Căn cứ để xác định mức hoàn trả là dựa vào mức độ lỗi của người thi hành công vụ và số tiền nhà nước đã bồi thường. Cụ thể, mức hoàn trả được quy định tại Điều 65 Luật TNBTCNN và Nghị định số 68/2018/NĐ-CP (hướng dẫn Luật TNBTCNN).
Trong vụ này Cục Thi hành án dân sự tỉnh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại hơn 55 tỉ đồng cho các doanh nghiệp bị hại từ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp. Cơ quan thi hành án này có quyền yêu cầu người gây thiệt hại là bị cáo Chánh thực hiện nghĩa vụ hoàn trả với mức hoàn trả theo quy định.
Do ông Chánh hiện đã bị bắt giam nên không có việc làm, không có lương và thu nhập để thực hiện việc khấu trừ, nên có thể xử lý (bằng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản,…) các tài sản thuộc quyền sở hữu cá nhân của người này để thu tiền hoàn trả theo quy định chung của pháp luật.
Cần lưu ý rằng, trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại chết thì quyết định hoàn trả chấm dứt hiệu lực tại thời điểm người đó chết. Như vậy, trách nhiệm hoàn trả chỉ đặt ra đối với cá nhân người thi hành công vụ mà không đặt ra đối với người thừa kế của người đó bởi quan hệ hoàn trả là quan hệ đặc biệt giữa nhà nước và người thi hành công vụ gây thiệt hại và gắn liền với trách nhiệm thực thi công vụ.