Tiến độ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột bị ‘đe dọa’

(PLO)- Bộ GTVT cho biết dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang gặp khó khăn trong thi công khi có địa hình, địa chất, thủy văn rất phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ.

Trong báo cáo vừa gửi đến Quốc hội (QH), Bộ GTVT cho biết dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được triển khai ngay khi QH thông qua chủ trương đầu tư nhưng một số công tác chuẩn bị để xây dựng tuyến đường chậm so với yêu cầu của QH.

Chậm phê duyệt các dự án thành phần

Theo Bộ GTVT, ngày 16-6-2022, QH thông qua chủ trương đầu tư thì ngay lập tức các địa phương với vai trò là cơ quan chủ quản tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn, triển khai khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn… Tuy nhiên, đến tháng 2-2023, Bộ TN&MT mới hoàn thành phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ba dự án thành phần xây dựng. Ngày 28-3, toàn bộ ba dự án thành phần mới hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT), chậm khoảng hai tháng so với yêu cầu của QH.

Nguyên nhân chậm là do trong quá trình lập báo cáo NCTKT, tổng mức đầu tư của toàn dự án vượt so với sơ bộ tổng mức đầu tư được phê duyệt. Vì vậy, các cơ quan liên quan phải rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện hồ sơ bảo đảm phù hợp với chủ trương đầu tư, không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư được phê duyệt. Và thực tế kết quả phê duyệt báo cáo NCTKT, tổng mức đầu tư của ba dự án thành phần khoảng 21.935 tỉ đồng, khớp với mức QH đã duyệt.

Một dự án thành phần của cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được khởi công tại địa bàn thôn Cư Dhắt, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, Đắk Lắk. Ảnh: VŨ LONG

“Thêm vào đó, công tác lập, trình, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và lập, trình, thẩm tra khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) kéo dài ảnh hưởng dây chuyền đến tiến độ phê duyệt dự án…” - Bộ GTVT lý giải thêm.

Về công tác lựa chọn nhà thầu, đến tháng 8-2023, các chủ đầu tư đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 7/8 gói thầu. Một gói thầu còn lại thuộc dự án thành phần 2 phải đến tháng 10 mới hoàn thành xong. “Nguyên nhân chưa phê duyệt gói thầu còn lại là do đến ngày 5-9 mới hoàn thành thủ tục cấp chứng nhận thẩm duyệt PCCC của hầm Phượng Hoàng, dẫn đến chậm tiến độ dây chuyền, ảnh hưởng đến tiến độ các bước tiếp theo, nhất là công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp...” - Bộ GTVT cho hay.

Với sự chuẩn bị trên, ngày 18-6 dự án khởi công, đến thời điểm hiện tại 7/8 gói thầu đều đã triển khai. Tuy nhiên, những gói thầu này chỉ đang thực hiện công tác chuẩn bị như xây dựng lán trại, tập kết thiết bị, nhân lực, phòng thí nghiệm, vật liệu đầu vào, lập bản vẽ thi công, đào bóc hữu cơ, làm đường công vụ…

Tiến độ dự án thành phần 2 bị đe dọa

Về mặt bằng, các địa phương đã tổ chức các công việc như lập hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) và thực hiện cắm mốc tại thực địa; tổ chức kiểm đếm, đo đạc, bồi thường, hỗ trợ, TĐC; tổ chức phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Đến nay, tổng diện tích đất đã thu hồi cho dự án khoảng 411/883 ha (đạt 47%). Trong đó, dự án thành phần 1 thu hồi 164/228 ha, đạt 72%; dự án thành phần 2 thu hồi 24/323 ha, đạt 7%; dự án thành phần 3 thu hồi 223/332 ha, đạt 67%.

Bộ GTVT cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án là khu vực có địa hình, địa chất, thủy văn rất phức tạp, khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ khảo sát, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán…

Với tổng số 225 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án nên các địa phương đã có phương án bố trí TĐC khác nhau. Cụ thể, tỉnh Khánh Hòa dự kiến xây dựng một khu TĐC diện tích 7,18 ha để làm nơi TĐC cho 185 hộ dân. Hiện chủ đầu tư dự án thành phần 1 đang triển khai các thủ tục để trình UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt dự án TĐC.

Với kết quả trên, Bộ GTVT đánh giá công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC chậm, đặc biệt là dự án thành phần 2, mới đạt 7%. Nguyên nhân là do diện tích đất rừng chiếm tỉ lệ lớn trong phạm vi phải GPMB để thực hiện, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng kéo dài, chưa hoàn thành dẫn đến chậm triển khai các thủ tục để thu hồi, bàn giao đất rừng cho dự án.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án là khu vực có địa hình, địa chất, thủy văn rất phức tạp, khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ khảo sát, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán làm ảnh hưởng dây chuyền đến tiến độ chung của toàn dự án, đặc biệt là dự án thành phần 2…

Để tháo gỡ khó khăn trên, Bộ GTVT cho biết thời gian tới Chính phủ sẽ chỉ đạo UBND hai tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Từ đó, giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác GPMB, TĐC, đặc biệt đẩy mạnh công tác GPMB dự án thành phần 2.

Hai tỉnh cũng cần sớm giải trình ý kiến tham gia của các bộ, ngành liên quan về hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng để Bộ NN&PTNT tổng hợp, thẩm định, báo cáo Thủ tướng. Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT sớm tổng hợp, thẩm định, báo cáo Thủ tướng quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án làm cơ sở thực hiện.

Ngoài ra, Bộ GTVT mong muốn đoàn đại biểu QH các địa phương có dự án đi qua thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. “Đặc biệt là công tác GPMB, TĐC, đáp ứng khối lượng, tiến độ thi công…” - Bộ GTVT cho hay.•

Dự án có tổng mức đầu tư 21.935 tỉ đồng

Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài khoảng 117,5 km, tổng mức đầu tư 21.935 tỉ đồng, quy mô giai đoạn 1 là bốn làn xe, tốc độ khai thác 80 km/giờ.

Dự án được chia thành ba dự án thành phần, trong đó UBND hai tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk làm chủ đầu tư dự án thành phần 1 và 3; Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản dự án thành phần 2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới