Tiễn đưa Đại tướng Lê Đức Anh về nơi an nghỉ

Chiều 3-5, tại Nghĩa trang TP.HCM, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người thân và người dân đã đến tiễn đưa nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh về nơi an nghỉ cuối cùng.

Linh cữu Đại tướng được chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM bằng máy bay, sau đó đưa về Nghĩa trang TP.HCM an táng trong niềm tiếc thương vô hạn của người thân và nhân dân.

Vị tướng của trận mạc

Trước đó, sáng cùng ngày, tại Nhà tang lễ Quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra lễ viếng và lễ truy điệu tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh theo nghi thức quốc tang.

Đọc điếu văn tưởng niệm, bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đại tướng Lê Đức Anh là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, đã dành cả đời cho sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc. Điếu văn viết: Đại tướng mất đi là mất mát lớn không chỉ của gia đình mà còn là mất mát lớn của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân.

Theo Thủ tướng, Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng trận mạc, một nhà chỉ huy xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược, có chiến thuật tài tình và linh hoạt xử lý các tình huống phức tạp; là một trong hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được phong hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng. Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng gắn với nhiều chiến trường vào Nam, ra Bắc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, Đại tướng là một trong những tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy chiến trường và giành nhiều thắng lợi quan trọng, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng... “Ở bất kỳ cương vị nào, Đại tướng Lê Đức Anh luôn trăn trở, tìm tòi, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng để tái thiết đất nước, khởi xướng công cuộc đổi mới, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước; cùng Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng thế trận “chiến tranh nhân dân” và nền quốc phòng toàn dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước” - Thủ tướng đọc điếu văn.

Đại diện cho thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng hứa trước anh linh Đại tướng Lê Đức Anh sẽ noi theo tấm gương mẫu mực, đức độ, trọn đời phấn đấu cho dân, cho nước của Đại tướng, nguyện đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu để tiếp tục sự nghiệp của Đảng và nhân dân, vì một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. “Chúng tôi mãi mãi nhớ về Đại tướng Lê Đức Anh - anh Sáu Nam kính mến, người đồng chí thân thiết, chí tình, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói và gửi đến toàn thể gia quyến Đại tướng Lê Đức Anh lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp được.

Đáp từ, ông Lê Mạnh Hà, con trai Đại tướng Lê Đức Anh, cám ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng đội, bạn bè và người thân đã luôn bên cạnh Đại tướng Lê Đức Anh. Ông cũng cám ơn các thầy thuốc đã chăm sóc sức khỏe cho cha ông trong nhiều năm. Trước anh linh của cha mình, ông Hà rất xúc động và tự hào trước gia tài lớn mà cha ông đã để lại cho con cháu, đó là một trái tim nhân hậu và dũng cảm. “Ba đã sống cuộc sống kiên cường của người chiến sĩ và bình dị như bao người dân khác. Vượt qua các cuộc kháng chiến và ba cơn bạo bệnh, ba đã sống đến 100 tuổi. Yêu thương, nghị lực, may mắn và sức sống phi thường đã giúp ba sống thật lâu và thật sự có ích cho đời. Thế nhưng quy luật của muôn đời đã đưa ba đi mãi mãi. Vĩnh biệt ba!” - ông Hà nghẹn lời.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thắp hương tiễn biệt đại tướng Lê Đức Anh tại lễ an táng, chiều 3-5. Ảnh: HOÀNG GIANG

Người dân ôm di ảnh đứng dọc con đường đến nghĩa trang TP.HCM để tiễn biệt Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Lê Mạnh Hà, con trai Đại tướng Lê Đức Anh cùng các thành viên trong gia đình thả những bông cúc đầu tiên xuống mộ phần Đại tướng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Về với đồng đội

Sau nhiều giờ di chuyển từ Hà Nội vào, khoảng 15 giờ cùng ngày, máy bay đưa linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất để về an táng tại Nghĩa trang TP.HCM (quận Thủ Đức).

Lễ an táng được tổ chức trọng thể tại Nghĩa trang TP.HCM. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và gia quyến đã thả những bông hoa đầu tiên xuống huyệt mộ, nơi nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh yên nghỉ. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gia quyến và nhân dân dành một phút mặc niệm trước linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh.

Phát biểu sau cùng, Trưởng ban tổ chức lễ tang Trương Hòa Bình đã cám ơn tình cảm quý trọng, niềm thương tiếc vô hạn của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các lão thành cách mạng, đại diện các cơ quan, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang, nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo, lãnh đạo các nước, các đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế, cùng đồng bào cả nước...

Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, gia quyến cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước lần lượt thắp hương, đi vòng quanh thi hài nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh như lời chào tiễn biệt lần cuối.

Tiếc thương vị tướng tài ba

Sáng cùng ngày, lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh cũng đã diễn ra trọng thể tại TP.HCM, Thừa Thiên-Huế và tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang Quân khu 9.

Tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân gửi tới gia quyến Đại tướng Lê Đức Anh lời chia buồn sâu sắc. Ông ghi vào sổ tang: “Vô cùng thương tiếc và tưởng nhớ một vị tướng tài ba, quả cảm, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, là phó tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, gắn bó sâu nặng với nhân dân Nam bộ, với quân dân Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM”.

Đến viếng Đại tướng Lê Đức Anh còn có những con người đặc biệt, có người đã từng gắn bó với ông trong thời chiến tranh. Đó là ông Nguyễn Hồng Thái, người cận vệ đã theo Đại tướng gần 40 năm cho tới tận ngày ông nghỉ hưu. Hiện ông đang sống cùng gia đình tại TP.HCM. Hay như ông Nguyễn Văn Tòng, 90 tuổi, nguyên Phó Chính ủy Quân khu 9, nhớ về người thủ trưởng cũ của mình là một vị tướng giỏi. “Tôi nhớ ông đến suốt đời” - ông Tòng thốt lên khi nhìn di ảnh của Đại tướng Lê Đức Anh.

Có một người lính già Nguyễn Văn Hanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 10, Quân khu 9, cho biết đã từng trải qua nhiều năm tháng gắn bó với Đại tướng Lê Đức Anh, nhất là trên chiến trường Campuchia. “Đại tướng Lê Đức Anh là người chỉ huy rất kiên cường, sáng suốt, chỉ huy bộ đội ta đánh bại Pol Pot, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Tôi kính phục tài chỉ huy và đức độ của ông ấy” - ông Hanh nói về Đại tướng Lê Đức Anh.

Còn ở hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, người thân ở quê hương đã khóc thương trước sự ra đi của Đại tướng Lê Đức Anh. Nhiều người đến viếng cũng bày tỏ tiếc thương vô hạn một vị tướng giỏi, một dũng tướng tài ba mưu lược, luôn có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, một trong những nhà lãnh đạo mẫu mực, quyết đoán.

Trong sáng 3-5, hơn 1.000 đoàn đến viếng Đại tướng Lê Đức Anh. Trong số nhiều đoàn quốc tế đến viếng, có đoàn đại biểu cấp cao Vương quốc Campuchia do Thủ tướng Hunsen dẫn đầu; đoàn đại biểu cấp cao Lào do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Saysomphone Phomvihane dẫn đầu... Lãnh đạo nhiều nước cũng gửi điện chia buồn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm