Tiền Giang xem xét cấp phép lại mỏ cát sau 10 năm tạm ngưng

(PLO)- Sau 10 năm không cấp phép mỏ cát nào, đến nay tỉnh Tiền Giang có chủ trương cho cấp phép lại các mỏ cát. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 21-7, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Thông tin tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Kiệt, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang cho biết, nguồn tài nguyên khoáng sản là cát lòng sông của tỉnh Tiền Giang chủ yếu tập trung ở hai nhánh sông chính là sông Tiền và sông Vàm Cỏ.

Ông Nguyễn Văn Kiệt- Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang thông tin về tình hình các mỏ cát trên địa bàn tỉnh. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ông Nguyễn Văn Kiệt- Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang thông tin về tình hình các mỏ cát trên địa bàn tỉnh. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông của tỉnh đến năm 2020 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 62/2013 thì trữ lượng có thể đầu tư khai thác đạt hiệu quả kinh tế hơn 50,3 triệu m3. Lượng cát bổ cập hằng năm khoảng 6,4 triệu m3.

Cụ thể, trên sông Tiền được quy hoạch tại 9 khu vực khung được phép thăm dò, khai thác với tổng trữ lượng gần 49 triệu m3. Trên sông Vàm Cỏ được quy hoạch 1 khu vực mỏ được phép thăm dò, khai thác với tổng trữ lượng khoảng 1,3 triệu m3.

Ông Kiệt cũng cho biết, trước đây trên địa bàn tỉnh có 20 khu vực mỏ cát được cấp giấy phép khai thác nhưng đã hết thời hạn thời hạn khai thác. Tổng trữ lượng cát còn lại khoảng 20 triệu m3, công suất cấp phép theo quy hoạch đã phê duyệt hơn 2,5 triệu m3/năm.

Trên địa bàn tỉnh có 15 khu vực mỏ đã cấp phép thăm dò nhưng chưa cấp phép khai thác. Trong đó có 14 khu vực mỏ đã phê duyệt trữ lượng với tổng trữ lượng 20,7 triệu m3. Công suất xem xét cấp phép theo quy hoạch đã phê duyệt hơn 1,77 triệu m3/năm, còn 1 khu vực đã cấp phép thăm dò nhưng chưa phê duyệt trữ lượng.

“Như vậy qua rà soát theo kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng thì tổng trữ lượng cát trên địa bàn tỉnh còn lại tại 35 khu vực mỏ khoảng 40,7 triệu m3” – Ông Kiệt cho hay.

Các đại biểu tại buổi họp báo. Ảnh: PV

Các đại biểu tại buổi họp báo. Ảnh: PV

Cũng theo Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang, từ năm 2013 đến nay UBND tỉnh có chủ trương không cấp phép mới, không cấp phép gia hạn đối với các mỏ cát đã cấp phép trước đây nhưng đã hết thời hạn khai thác.

“Nguyên nhân là do sau khi có quy hoạch cấp phép mỏ cát thời gian ban đầu, trên địa bàn tỉnh xảy ra sạt lở nhiều, ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội gia tăng. Vì vậy lãnh đạo tỉnh cho chủ trương tạm ngưng gia hạn, cấp phép mới mỏ cát để đánh giá nguyên nhân sạt lở lòng, bờ sông” - ông Kiệt nói.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang, nhu cầu sử dụng cát san lấp cho các công trình đầu tư công trọng điểm, các khu cụm công nghiệp, các công trình, dự án và nhu cầu cát san lấp của nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 -2030 với tổng khối lượng hơn 27 triệu m3 cát.

Trong đó, khối lượng cát san lấp trên 24 triệu m3; khối lượng cát san lấp dự kiến cho công trình tuyến đường bộ ven biển kết nối Tiền Giang – Bến Tre khoảng 892.000 m3; dự báo nhu cầu sử dụng cát san lấp cho các công trình dự kiến đầu tư trên địa bàn tỉnh khoảng 1 triệu m3/năm; dự báo nhu cầu sử dụng cát san lấp cho các hộ dân khoảng 500.000m3/năm.

Dự kiến nhu cầu sử dụng cát san lấp trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hơn 3,3 triệu m3/năm.

Thời gian tới, để giải quyết nhu cầu sử dụng cát san lấp trên địa bàn tỉnh, ông Kiệt thông tin, hiện nay Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ trương xem xét cấp phép lại các mỏ cát và UBND tỉnh đã giao cho Sở TN&MT tỉnh chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng đề án quản lý và cấp phép khai thác.

“Hiện Sở đang thực hiện việc này để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt. Khi nào dự án được phê duyệt, Sở sẽ xem xét từng khu vực mỏ cụ thể xem xét cấp phép các mỏ cát chủ yếu để phục vụ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh” – Ông Kiệt cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm