Buổi làm việc do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì, diễn ra ngày 17-10 tại Hà Nội.
Thu nhập chưa tương xứng
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến tháng 3-2017, đơn vị có 14.957 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Thu nhập bình quân trên 6,8 triệu đồng/người/tháng, trong đó lương, thưởng, phụ cấp, thu nhập có tính chất như lương gần 6,2 triệu đồng, các khoản thu nhập khác gần 700.000 đồng.
Với mức thu nhập trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng chính sách tiền lương, phụ cấp lương còn thấp chưa tương xứng với vị trí, chức năng và nhiệm vụ đảm nhiệm của cán bộ công đoàn. Đặc biệt chưa đảm bảo cho họ và gia đình mức sống tối thiểu.
Mức lương của người lao động chưa đủ sống. Ảnh: Internet
Quan hệ lao động trong doanh nghiệp diễn biến phức tạp, vai trò, yêu cầu đặt ra với cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn chuyên trách càng lớn, đòi hỏi cán bộ công đoàn phải nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực hoạt động thực tiễn.
Tuy nhiên, chính sách đãi ngộ còn nhiều bất cập, như một số đơn vị không được hưởng tiền lương tăng thêm từ hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chưa áp dụng thực hiện hệ số tiền lương tăng thêm nên chưa tạo động lực cho cán bộ công đoàn.
Chưa có chính sách ưu đãi để thu hút cán bộ giỏi về làm việc ở cơ quan trung ương (tiền lương thấp, không có nhà ở...).
Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức chưa là nguồn thu nhập chính, chưa tạo động lực, nhất là đối với người có năng lực, trình độ, chuyên tâm cống hiến trong công việc. Bên cạnh đó, chưa phát huy được tính sáng tạo để có năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị cần giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quyết định mức lương, ngạch lương được tăng cho cấp lãnh đạo quản lý trực tiếp. Nghiên cứu, tính toán tiền lương, tiền công theo khối lượng công việc của từng cơ quan, đơn vị, bộ phận, gói tiền lương này có thể thay đổi hằng năm theo yêu cầu chức năng, nhiệm vụ phải hoàn thành.
Người lao động lương không đủ sống
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết năm 2016 Việt Nam có 54,41 triệu người thuộc lực lượng lao động (chiếm 77% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên). Tiền lương trung bình hằng tháng của người lao động năm 2017 (làm đủ giờ công, ngày công) nhận được là trên 4,4 triệu đồng.
Để đáp ứng đời sống, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, người lao động phải làm thêm giờ. Trung bình các khoản thu nhập ngoài lương đạt khoảng 1,3-1,5 triệu đồng.
Như vậy, nếu không có các khoản làm thêm giờ, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp thì tiền lương của người lao động rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy.
Như vậy, đời sống của người lao động thực sự khó khăn, thiếu thốn. Kết quả khảo sát cho thấy 51,3% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12,0% thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% người lao động có thể có tích lũy từ thu nhập.
Do đó, tình trạng tranh chấp lao động, đình công sáu tháng đầu năm 2017 có nguyên nhân liên quan đến tiền lương, thu nhập và điều chỉnh lương tối thiểu chiếm tỉ lệ khá cao (72 cuộc/133 cuộc, chiếm 54,1%). Một số ngành có tiền lương, thu nhập thấp xảy ra nhiều đình công như dệt may 69 cuộc, giày da có 30 cuộc.
Trên cơ sở đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị ngoài việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, Chính phủ cần chỉ đạo việc xây dựng và giám sát thực hiện thang, bảng lương theo quy định, để người lao động được nâng lương định kỳ, theo năng suất, hiệu quả công việc làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. "Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về tiền lương..." - đại diện Tổng Liên đoàn Lao động nhấn mạnh.