Ngày 5-8, TAND TP.HCM mở lại phiên xử phúc thẩm lần 3 vụ bắt, giữ người trái pháp luật để đòi nợ trong quán cà phê ở quận Tân Bình. HĐXX quyết định huỷ án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.
Trước đó vào tháng 6, phiên toà được mở nhưng đến phần nghị án, HĐXX thông báo hoãn. Phiên phúc thẩm mở do bị cáo Phan Văn Hùng (sinh năm 1960, ngụ Cần Thơ) kháng cáo kêu oan và VKSND quận Tân Bình kháng nghị, đề nghị tòa phúc thẩm sửa án theo hướng không miễn trách nhiệm hình sự mà phạt tù các bị cáo.
HĐXX nhận định tội các bị cáo phạm không gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác mà xâm phạm đến sự tự do của con người. Nhưng án sơ thẩm lại áp dụng việc các bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, bị hại không yêu cầu bồi thường, tự nguyện hoà giải để miễn trách nhiệm hình sự là không phù hợp, không đúng pháp luật.
Tuy nhiên, nếu chấp nhận kháng nghị là vi phạm nguyên tắc xét xử hai cấp, bất lợi cho các bị cáo. Ngoài ra bản án sơ thẩm có kiến nghị điều tra làm rõ có dấu hiệu đồng phạm tránh lọt người phạm tội.
Vì vậy, HĐXX quyết định huỷ án về mặt tố tụng nên không xem xét nội dung kháng cáo của bị cáo.
Vụ án xuất phát từ việc khoảng năm 2008-2009, ông Lê Văn Minh ký hợp đồng khai thác cát với Phan Văn Hùng và Bùi Xuân Hùng (sinh năm 1965, ngụ TP.HCM, cũng là bị cáo vụ án - PV). Hai bị cáo đưa trước cho ông Minh 450 triệu đồng. Do một số điều kiện trong hợp đồng không đáp ứng được nên không thực hiện được hợp đồng, ông Minh trả lại cho hai bị cáo 100 triệu đồng. Số tiền còn lại, do làm ăn thua lỗ, ông Minh chưa trả lại được.
Bị cáo Phan Văn Hùng kháng cáo kêu oan. Ảnh: HOÀNG YẾN |
Ngày 12 và 13-7-2014, Lê Anh Kiệt (không xác định lai lịch) gọi điện thông báo cho Phan Văn Hùng với nội dung ông Minh vừa trúng hợp đồng 1,2 tỉ đồng, sẽ có tiền trả nợ.
Bản án sơ thẩm trước đó nhận định: Thông qua Kiệt, bị cáo Nguyễn Văn Tân (sinh năm 1980), Nguyễn Văn Kỳ (sinh năm 1986) quen và nghe lời của Phan Văn Hùng chạy theo bị hại Minh. Tân ép sát xe để cho Kỳ nhảy lên xe của ông Minh, buộc bị hại vào quán cà phê. Kỳ có lời nói đe dọa “một lát sẽ có người đến nói chuyện, ông không được la, nếu la sẽ còng tay” là uy hiếp tinh thần, hạn chế quyền tự do, làm cho bị hại hoàn toàn mất quyền tự chủ và lệ thuộc vào các bị cáo.
Tại quán cà phê Trung Nguyên (quận Tân Bình), bốn bị cáo cùng các đối tượng Thái còi, Thái salem (đều chưa rõ lai lịch) đã dùng đông người áp đảo về mặt tinh thần, có lời lẽ đe dọa. Bị cáo Bùi Xuân Hùng không thừa nhận chỉ đạo Thái đánh đập, châm tàn thuốc, tạt nước vào mặt ông Minh. Nhưng giống như các bị cáo Tân và Kỳ, các đối tượng Thái còi, Thái salem là người quen và do bị cáo Bùi Xuân Hùng gọi đến quán cà phê.
Bị hại Minh cũng không quen biết các đối tượng này thì Thái còi và Thái salem không có động cơ, mục đích gì khi phải đánh ông Minh như vậy. Hình ảnh camera ghi nhận các đối tượng này còn có hành vi đứng lên đạp vào ngực ông Minh, làm bị hại hoàn toàn tê liệt về mặt ý chí, tinh thần bấn loạn, nhằm mục đích đòi được tiền.
Bị cáo Kỳ và Phan Văn Hùng chứng kiến sự việc các đối tượng này đánh ông Minh nhưng không làm gì cả. Ông Minh bị giữ từ 9 giờ sáng đến hơn 16 giờ chiều, bị hạn chế sự tự do hoạt động, tự do dịch chuyển với ý chí bị tê liệt, tinh thần mệt mỏi vì những hành vi trên của các bị cáo.
TAND quận Tân Bình cho rằng hành vi của các bị cáo thực hiện ngày 16-7-2014. Tuy nhiên, thời điểm xét xử sơ thẩm thì Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) nên áp dụng khoản 3 Điều 29, tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Kỳ về hành vi bắt, giữ người trái pháp luật và ba bị cáo còn lại về hành vi giữ người trái pháp luật.