Việc tìm kiếm trở lại được bắt đầu từ bốn ngày trước. Ngoài lực lượng dân quân, bộ đội tại chỗ, đợt này còn có đoàn công tác của quân chủng Phòng không Không quân. Họ tiếp cận khu vực xảy ra tai nạn để đo đạc kỹ thuật, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ vụ mất tích chiếc máy bay huấn luyện MiG21U trên triền núi Tam Đảo thuộc xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, Thái Nguyên.
Hy vọng mới
Thượng tá Dương Ngọc Khánh, Chỉ huy trưởng quân sự huyện Đại Từ, cho biết đoàn quy tập đang nỗ lực tìm kiếm những di vật có thể còn sót lại sau đợt tìm kiếm trước đã kết thúc hôm 28-9.
Sáng 7-10, Huyện đội Đại Từ đã tiếp nhận một số di vật mà người dân tìm thấy tại khu vực máy bay rơi. Số di vật này gồm một số mảnh cao su với hình dáng liên tưởng tới lốp máy bay bị xé rách, một mảnh nhựa có ký hiệu, mẩu kim loại có gắn ốc, vít. Đáng chú ý, có một búi vải dù còn nguyên đất cát, trong đó dính chặt một mẫu vật liên tưởng tới xương.
Ông Triệu Văn Lý, Dương Văn Hiệu bàn giao di vật tìm thấy. Trong hộp nhựa, búi dù được bảo quản nguyên vẹn.
Ba người có mặt trong buổi bàn giao là ông Triệu Văn Lý, Dương Văn Hiệu (người hai xã Hoàng Nông và Mỹ Yên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) và Doãn Hà Thắng, cán bộ Văn phòng Ủy ban Vũ trụ Việt Nam. Ông Lý và ông Hiệu cho biết họ tìm thấy các di vật trên trong hai lần lên núi là ngày 9 và 11-3 năm nay.
Trong đó, ông Thắng thuộc nhóm bạn bè với ông Nguyễn Lê Anh, người đã cùng người dân Mỹ Yên tìm thấy mảnh vỡ quan trọng, có ý nghĩa quyết định lật lại vụ mất tích của liệt sĩ phi công Công Phương Thảo và chuyên gia hướng dẫn bay của quân đội Liên Xô cũ, ông Poyarkov, cùng chiếc máy bay huấn luyện MiG21U.
“Hai lần lên núi này, chúng tôi đều sử dụng thiết bị định vị vệ tinh để ghi lại hành trình cũng như tọa độ tìm kiếm. Búi dù tìm thấy trong lần thứ hai cách điểm tìm thấy các di vật kia khoảng 20 m. Dữ liệu tìm kiếm bao gồm tọa độ, thời gian tìm kiếm còn lưu trữ đầy đủ” - ông Thắng chia sẻ.
Một số mảnh cao su nghi là lốp máy bay.
Ký biên bản tiếp nhận, ông Khánh hy vọng số di vật này sẽ góp phần giúp làm sáng rõ hơn sự việc, nhất là khả năng xác định hài cốt hai liệt sĩ phi công. “Bữa trước, đoàn quy tập đã rà soát rất kỹ, phát hiện ba khu đất có dấu hiệu khá rõ hài cốt. Tuy nhiên, các mảnh hài cốt nằm trên mặt đất mấy chục năm nên khi đụng vào là mủn vỡ. Anh em còn dùng rượu gừng, nước thơm để rửa nên bị vụn hết cả. Tuần trước, Pháp y Quân đội về làm việc thì đánh giá ban đầu là chưa tìm thấy cấu trúc xương. Vậy nên giờ phải tìm kiếm tiếp” - ông Khánh thông tin thêm.
Thân nhân ông Poyarkov mong tin
Về phía thân nhân chuyên gia hướng dẫn bay Poyarkov, trong diễn tiến mới nhất, người cháu nội là cô Anna Poyarkova đã có buổi gặp đầu tiên với Đại sứ quán Việt Nam tại Kiev, thủ đô Ukraina. Chắp nối cho cuộc gặp này là một người Ukraine gốc Việt, ông Nguyễn Anh Quân, hiện là trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Ukraine tại Việt Nam.
Cô Anna Poyarkova làm việc với tùy viên quân sự Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine.
“Tôi cùng một nhóm cựu sinh viên Việt Nam từng học các trường thuộc Liên Xô cũ biết câu chuyện này từ cuối năm 2017 qua lá thư ngỏ của cô Anna. Bám sát quá trình tìm kiếm ở trong nước, tôi đã thông tin lại cho cô Anna nhiều lần qua điện thoại, Facebook. Chúng tôi cũng liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Kiev và khi mọi việc sẵn sàng thì cô Anna tới làm việc chính thức” - ông Quân cho biết.
Tại buổi làm việc, cô Anna đã chuyển cho tùy viên quân sự của Đại sứ quán Việt Nam hồ sơ liên quan về ông nội Poyarkov. Ngoài ra, cô cũng gửi lại mẫu tóc, móng tay với hy vọng có thể giúp giám định chính xác số di vật quân đội Việt Nam vừa tìm thấy, quy tập. Vị tùy viên đã trao đổi, hướng dẫn để cô Anna về bàn bạc với gia đình, làm đơn chính thức bày tỏ nguyện vọng để chuyển cho các cơ quan chức năng Việt Nam giải quyết.
Theo ông Quân, vợ ông Poyarkov là bà Zina hiện đã ngoài 80 tuổi. Ông bà có hai người con, một trai, một gái. Bà Zina hiện sống với con gái ở Tiraspol, Mondova, còn người con trai vẫn ở quê nhà ông Poyarkov tại Zaporogin, Ukraine.
Sau khi chồng mất, bà Zina ở vậy nuôi con, cuộc sống rất vất vả nhưng bà vẫn luôn hy vọng có thông tin đầy đủ về người chồng được thông báo là mất tích khi đang làm nhiệm vụ quốc tế tại Việt Nam năm 1971. Các cháu của ông bà cũng vậy, họ kiên trì thư ngỏ trên các mạng xã hội tiếng Nga, mà nhờ vậy nhóm ông Lê Anh ở Việt Nam mới biết và tìm kiếm…