Trong đó có tình hình chung về hoạt động bán hàng đa cấp, vấn đề được dư luận quan tâm thời gian qua.
Đầu năm 2016, có 67 doanh nghiệp (DN) được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, tổng số người tham gia là hơn 630.000. Tính đến tháng 4-2017, số DN còn hoạt động là 36, giảm 46%, còn lượng người tham gia giảm 44% so với cuối năm 2015. Tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2016 đạt khoảng 7.800 tỉ đồng, chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng… Hoa hồng DN chi cho người tham gia khoảng 2.400 tỉ đồng. Nếu tính bình quân, thu nhập của một người chỉ ở mức 3,8 triệu đồng/năm.
Nhìn chung các thiệt hại phát sinh từ kinh doanh đa cấp chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết của người tham gia bán hàng. Hầu hết các đơn khiếu nại Bộ Công Thương nhận được đều từ người tham gia vào hệ thống bán hàng nhưng không có hoạt động mua bán mà chỉ đơn giản trao tiền cho người khác và hy vọng nhận được tiền lời với lãi suất cao. Đặc biệt, 100% các thỏa thuận về lợi nhuận đều không có văn bản nên khi xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng không có chứng cứ để xử lý.
Trụ sở doanh nghiệp đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy. Ảnh: TP
Bên cạnh đó, Nghị định 42/2014 của Chính phủ đã cấm sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh các sản phẩm không phải là hàng hóa. Thế nhưng thời gian qua nhiều đối tượng vẫn sử dụng phương thức này để huy động tài chính, mời gọi đầu tư, tiếp thị các sản phẩm vô hình như tiền ảo.
Sở dĩ như vậy là do chúng ta đã bỏ tội “kinh doanh trái phép” trong Bộ luật Hình sự. Do đó, chỉ đến khi các dấu hiệu lừa đảo đã tương đối rõ, hậu quả đã phát sinh mới có thể vào cuộc để xử lý theo tội lừa đảo. Hiện Bộ Công Thương đã đề nghị bổ sung tội danh “kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp” vào Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi).
Các DN từng bị xử phạt nhiều nhất là Thiên Ngọc Minh Uy với mức tiền phạt 1,6 tỉ đồng; tiếp đến là Công ty Cổ phần Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam, Công ty TNHH Thiên sư Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam, Công ty Cổ phần Everrichs.
Về việc xử lý các dự án thua lỗ thời gian qua, Bộ Công Thương cho biết hiện có 12 dự án kinh doanh kém hiệu quả, liên tục thua lỗ như nhiều dự án phân bón (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), nhiên liệu sinh học (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), dự án thép của Tổng Công ty Thép Việt Nam... Nguyên nhân là vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng thua lỗ, chi phí tăng cao, thiếu vốn. Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm cuối năm 2016 là 16.000 tỉ đồng. Trong năm 2017, Bộ sẽ hoàn thành phương án giải quyết trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức triển khai, phấn đấu hết năm 2018 tạo chuyển biến về hoạt động và tài chính của các dự án.
Đặc biệt, quan điểm của Chính phủ là kiên quyết xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; Nhà nước không tiếp tục cấp thêm tiền vào các dự án. Tập trung thực hiện tái cơ cấu, ưu tiên phương án bán, chuyển nhượng, thoái vốn. Cùng với đó xem xét thực hiện phá sản, giải thể các DN không có điều kiện phục hồi.