"Bố mẹ không phải lo gì nữa. Tám năm qua con đã trải qua tất cả buồn, khổ, đau. Trong con có hai dòng máu: một dòng máu đánh thắng phát xít Đức, một dòng máu đánh thắng Mỹ. Con không sợ gì nữa, giờ này con sẽ chỉ quyết tâm hết sức". Đặng Văn Lâm (tên tiếng Nga: Lev Sonovich Dang), thủ môn của đội tuyển bóng đá Việt Nam tại giải AFF Cup 2018 nói với bố của mình trước trận chung kết lượt về như vậy; Ông Đặng Văn Sơn - bố của thủ môn Đặng Văn Lâm kể lại với phóng viên Sputnik trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền.
Khoảnh khắc Đặng Văn Lâm ôm cột dọc khóc nức nở khiến hàng triệu trái tim người Việt muốn tan chảy.
Đêm 15-12, tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, đánh bại tuyển Malaysia 1-0 và thắng chung cuộc 3-2 sau hai lượt trận, đội tuyển bóng đá Việt Nam chính thức trở thành nhà vô địch mới của Đông Nam Á.
Khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, trong khi các đồng đội ôm nhau mừng rỡ vì Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, thủ môn Đặng Văn Lâm lại lặng lẽ ôm khung thành và khóc. Khoảnh khắc này khiến nhiều người xúc động nhưng chắc không hiểu vì sao.
Để hiểu được những giọt nước mắt của Đặng Văn Lâm trong những giây phút đầu tiên của chiến thắng, Sputnik đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Văn Sơn, bố của thủ môn đội tuyển Việt Nam. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh con đường đi tới thành công đêm 15-12 tại sân vận động Mỹ Đình.
. Sputnik: Chào anh Đặng Văn Sơn! Xin chúc mừng anh và gia đình trước sự kiện con trai cùng với đồng đội đã trở thành vô địch AFF Cup 2018. Hiện nay, nhiều bài báo, nhiều chia sẻ viết về nguồn gốc tên Nga của con trai anh Đặng Văn Lâm. Anh có thể chia sẻ về việc đặt tên Nga cho con trai là Lev?
+ Ông Đặng Văn Sơn, bố của thủ môn tuyển Việt Nam Đặng Văn Lâm:
Lâm sinh ra vào giữa tháng 8. Theo chiêm tinh phương Tây đó là tháng Sư Tử, nên chúng tôi đặt tên con là Lev, có nghĩa là sư tử. Cộng thêm, Olia, vợ tôi, mẹ của Lâm, rất say mê và thần tượng Lev Yashin - thủ môn huyền thoại của Liên Xô trước đây. Thành ra, cuối cùng thì có sự trùng hợp luôn như vậy.
Đặng Văn Lâm hồi nhỏ.
. Anh nhận thấy niềm đam mê bóng đá của con trai từ khi nào?
+ Hồi cháu tám tuổi, trong trường phổ thông cháu học có lớp bóng đá. Lúc đầu tôi không để ý, chỉ nghĩ cháu tập thể thao thì tốt cho sức khỏe thôi. Ở bên cạnh trường thì có lớp bóng đá của Câu lạc bộ Spartak. Các huấn luyện viên của CLB này hay tới các trường phổ thông để tìm những em có năng khiếu. Hằng tuần, vào thứ Bảy, Chủ nhật thì hay có những trận đấu giữa đội của các trường phổ thông và CLB.
Một hôm, Lâm hớn hở nói với tôi: Bố ơi, con hôm nay đi thi đấu. Tôi nói: Con thích thì con đi đi!
Sau đó cháu về nhà và vui mừng nói:
Bố ơi, thầy HLV muốn nói chuyện với bố mẹ.
Tôi mừng quá nhưng trong lòng thì lo, rồi nói với con:
- Nói mẹ đi với con. Bố là người Việt Nam, nhỡ thấy thế họ không nhận con thì sao?
Nhưng Lâm nói:
- Con đã nói với thầy là bố là người Việt Nam, mẹ là người Nga rồi.
Nhưng tôi vẫn cứ lo, nói với con:
- Họ thấy bố người nhỏ người như thế này, họ không nhận con thì sao?
Cuối cùng thì vợ tôi đi tới gặp HLV với cháu.
Cháu rất say mê bóng đá, có năng khiếu nhưng thực sự chỉ chuyên gia mới nhận biết được.
Tiếp theo, cháu sáng đi học, chiều tập đá bóng. Sau một thời gian thì cháu vào thẳng trường của CLB Spartak. Cháu học ở đó năm năm, được đi nhiều nơi, tham gia nhiều giải. Tôi còn nhớ cháu từng đoạt giải "Găng tay thủ môn".
Đặng Văn Lâm ăn mừng chiến thắng của Việt Nam.
. Được biết Đặng Văn Lâm còn học ở CLB Dinamo Moskva?
+ Đúng vậy, Sau khi tốt nghiệp Trường Spartak, cháu chuyển sang học ở Dinamo Moskva ba năm. Khi tốt nghiệp là cháu được 16 tuổi.
. Con đường về Việt Nam của Lâm bắt đầu như thế nào?
+ Ở Nga, người ta đào tạo rất nhiều học sinh như Lâm. Khi ra trường thì trụ lại được ở các CLB của Nga rất khó, chỉ một số ít em làm được. Đó là vì cạnh tranh rất lớn.
Hai bố con quyết định về Việt Nam. Lúc đầu đưa cháu tới thử ở mấy CLB ở Hà Nội, nhưng cháu không thích. Có lẽ do ở Việt Nam điều kiện tập luyện lúc đó còn hạn chế.
Thời đó, như tôi nhớ là năm 2007, Hoàng Anh Gia Lai mở CLB. Năm 2011, tôi đưa con tới câu lạc bộ của HAGL. Trường mới mở, đẹp, điều kiện tập luyện tốt, Lâm rất thích. Chúng tôi đã ký hợp đồng năm năm với HAGL.
Nhưng khi cháu mới học được hai năm thì HLV cho cháu sang Lào tập luyện.
. Theo anh thì vì sao?
+ Tôi nghĩ, vì Đặng Văn Lâm lớn lên ở Nga, nên tính tình bộc trực, thẳng thắn, dám nói thẳng những gì mình nghĩ.
Tôi nhớ, con trai đã từng nói, khi ở Lào: Trong đời con chưa bao giờ gian nan, khổ sở như thế này!
Khi Lâm quay trở sau một năm tập luyện ở Lào thì người ta cắt hợp đồng với cháu.
Thực sự là rất đau lòng, vì tôi đã từng nói rất hay với con: Con về làm việc cho đất nước Việt Nam của mình, mà cuối cùng thì…
Sau đó với sự giúp sức của bác Đặng Hùng, anh trai tôi, cho cháu vào một CLB ở TP.HCM.
. Được biết cháu cuối cùng phải về Nga?
+ Đúng vậy, năm 2014-2015. Vì cháu lúc nào cũng ở vị trí dự bị. Mọi người lúc nào cũng khen cháu nhưng không cho ra sân. Tôi và cháu cũng không hiểu vì sao mà lúc nào cũng dự bị. Thế là tôi quyết định cho cháu về Nga.
Ở Nga, tôi xin cho cháu vào trường kế toán. Một hôm, giáo viên mời tôi lên và câu chuyện giữa chúng tôi diễn ra như sau:
- Anh có phải là diễn viên múa?
- Vâng, tôi là diễn viên múa.
- Con anh chơi thể thao?
- Vâng.
- Anh có đi học kế toán không?
- Không.
- Thế sao anh cho cháu đi học ngành này? Nếu không đúng theo sở thích, đam mê thì sẽ không bao giờ học được.
Lâm thì nói với tôi: Bố ơi, nhiều thứ % con không hiểu nổi là gì!
. Vậy đoạn đường tiếp theo là trở về Việt Nam như thế nào? Anh và cháu đã làm gì?
+ Cháu tự viết thư cho HLV của đội tuyển quốc gia Việt Nam Miura Toshiya nói về nguyện vọng tham gia đội tuyển U23. Nếu các bạn có xem Facebook của cháu thì sẽ thấy tâm thư viết nửa Nga nửa Việt của cháu. Sau đó, ông Miura Toshiya có trả lời cho Lâm rằng danh sách đã đủ rồi, đợi sang năm. Mà sang năm thì cháu 24 tuổi rồi, sao mà tham dự U23 được nữa.
Rồi ngày nào cháu cũng nhìn cái túi đồ của mình…
. Anh có thể chia sẻ làm thế nào cháu trở thành thành viên của CLB Hải Phòng?
+ Một hôm, anh Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch của CLB Hải Phòng gọi điện thoại cho tôi và nói biết về trình độ, tâm thư của Lâm, rằng anh ấy rất cảm động trước một tình yêu bóng đá như thế và nói tôi cho cháu về.
Tôi mừng vô cùng. Không thể diễn tả được nỗi vui mừng của chúng tôi.
. Nhưng chặng đường tiếp theo cũng không phải hoàn toàn suôn sẻ phải không ạ?
+ Đúng vậy. Còn cú sốc thứ hai đến với Lâm nữa, liên quan tới giải U23+3 châu Á. Khi chốt danh sách sang Indonesia thi đấu thì…
Lâm gọi điện thoại cho tôi nói: — Bố ơi, hôm nay con không bay…
Tôi vô cùng lo cho con, không biết con trai sẽ vượt qua thử thách này như thế nào.
Cháu không chia sẻ vì sao, chỉ nói rằng ông Park có gặp riêng và nói chuyện rất lâu với Lâm, có nói rằng muốn giữ lâm cho AFF Cup. Có thể chỉ để an ủi Lâm.
. Lâm đã vượt qua cú sốc này như thế nào ạ?
+ Ngay ngày hôm sau tôi thấy hình ảnh cháu tải lên trang Facebook vừa chèo thuyền vừa hát và hẹn các bạn cuối năm.
Tôi hiểu, con trai vượt qua cú sốc được rồi.
. Trước giải lần này Lâm có chia sẻ với anh về những lo lắng và cảm xúc của mình không?
+ Con trai có gọi điện thoại và nói: "Bố mẹ không phải lo gì nữa. Tám năm qua con đã trải qua tất cả buồn, khổ, đau. Trong con có hai dòng máu: Một dòng máu đánh thắng phát xít Đức, một dòng máu đánh thắng Mỹ. Con không sợ gì nữa, giờ này con sẽ chỉ quyết tâm hết sức".
Bố mẹ Đặng Văn Lâm hồi trẻ.
. Anh và chị Olia có xem trận chung kết tại SVĐ Mỹ Đình không?
+ Hai vợ chồng tôi không có can đảm để xem, vì quá hồi hộp và lo lắng. Tôi sợ lắm! Chúng tôi đi nhà thờ cầu nguyện cho con. 2 giờ đêm về nhà, tôi mới bật máy điện thoại lên để xem lại, xem kết quả như thế nào rồi. Lúc đó là 1-0, hết hiệp một. Vậy còn tới 45 phút nữa.
Tôi lại tắt máy và cùng vợ đi chơi tiếp. Khi bật máy lên thì nhận được bao nhiêu lời chúc mừng. Hai vợ chồng đứng ôm nhau giữa sân đầy tuyết trắng và hét lên sung sướng. Một niềm vui và hạnh phúc tột độ. Mất tám năm ở Việt Nam. Thật vinh dự!
. Hôm qua, có thể nói, Lâm là một trong những người có công lớn nhất đưa đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng, lên chức vô địch AFF Cup 2018. Khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, các cầu thủ ôm nhau, nhảy lên mừng rỡ, Lâm lặng lẽ khóc và tới ôm khung thành… Là bố, là người dẫn dắt con trai từ những ngày đầu tiên đến với bóng đá, có lẽ hơn ai hết anh hiểu vì sao…
+ Cháu có gọi điện thoại cho tôi sau trận đấu.
Tôi nghĩ, khi con người ta đổ sức nhiều quá, cho nên khi đạt tới đỉnh cao thì khụy luôn, khóc thì sẽ nhẹ nhàng hơn.
Tôi rất hiểu con trai mình. Tám năm ở Việt Nam không có bố mẹ bên cạnh, bao điều tủi thân, bao nỗi khổ cứ giữ kín trong lòng, đọng lại. Cháu đã từng tâm sự: Tôi là người Việt Nam, không phải là Tây. Cháu muốn chứng minh điều đó.
Bố mẹ Đặng Văn Lâm hiện nay.
. Anh chúc gì cho con trai ở chặng đường tiếp theo?
+ Sắp tới, sẽ có giải châu Á. Giải này sẽ khó khăn, đòi hỏi rất lớn về năng lực và sự cố gắng. Tôi chúc cho con trai và các bạn cùng đồng đội của con trai thành công.
Trong cuộc sống, thường muốn đạt được thành công hay vinh quang thì phải chấp nhận hy sinh. Trước hết là tình cảm, phải xa bố mẹ. Rất may là ở Việt Nam có bà con nhiều từ Bắc tới Nam nên tôi tin tưởng cháu sẽ vượt qua được mọi khó khăn.
Khi ai đó hỏi thủ môn đội tuyển Việt Nam Đặng Văn Lâm - Lev Sonovich Dang vì sao anh biết tốt tiếng Việt như vậy, anh trả lời: Vì đó là tiếng bố đẻ của tôi. Khi được hỏi vì sao nói tiếng Nga tốt như vậy, anh trả lời: vì đó là tiếng mẹ đẻ của tôi. Còn khi được hỏi, vì sao anh nói tiếng Anh tốt như vậy, thì anh trả lời: vì đó là tiếng làm việc của tôi. "Mỗi ngày thức dậy tôi có một mục tiêu mới, không cho phép mình dừng lại và tiếp tục vượt qua chính mình" - Đặng Văn Lâm tâm sự trên trang facebook của mình. |